Cảnh báo về một bệnh nhiễm trùng amip ăn não hiếm gặp
Lượt xem: 1.132 Ngày đăng: 09/07/2020
Naegleria fowleri là gì?
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) cho hay, Naegleria fowleri, thường được gọi là amip ăn não, là một loại ký sinh trùng hiếm gặp. Loài amip siêu nhỏ sống tự do, có thể tìm thấy ở vùng nước ngọt ấm như hồ, sông, ao, và kênh rạch, đất. Naegleria fowleri thường được tìm thấy ở các bang phía nam nước Mỹ vào mùa cao điểm của tháng 7, 8 và 9, khi nhiệt độ nước cao hơn và mực nước thấp hơn. Tuy không phổ biến, nhưng hồ bơi có thể nhiễm amip khi khử trùng bằng clo không đúng cách hoặc nước ngọt ấm và bị ô nhiễm.
Naegleria fowleri, amip ăn não, một loại ký sinh trùng hiếm gặp.
Nhiễm trùng có thể xảy ra khi nước bị ô nhiễm xâm nhập vào cơ thể qua mũi và đi lên não nơi nó có thể gây ra một bệnh nhiễm trùng hiếm gặp được gọi là viêm màng não do amip nguyên phát (PAM). Tuy nhiên, không bị nhiễm bệnh nếu uống nước bị ô nhiễm.
Theo CDC, có thể mất từ 1 đến 9 ngày để xuất hiện các triệu chứng sau khi bị nhiễm bệnh, bao gồm đau đầu, sốt, buồn nôn hoặc nôn, cứng cổ, nhầm lẫn, thiếu chú ý, mất thăng bằng, co giật và ảo giác. Khi có các triệu chứng, PAM thường tiến triển nhanh chóng và thường gây tử vong trong vòng 5 ngày, thêm vào đó đôi khi bệnh tiến triển nhanh đến mức chẩn đoán chỉ được thực hiện sau khi chết.
Làm gì để giảm thiểu rủi ro?
Việc lây nhiễm Naegleria fowleri có thể xảy ra ở sông, hồ nước ngọt ấm.
Bộ Y tế Florida nhấn mạnh rằng nhiễm trùng Naegleria fowleri có thể phòng ngừa được bằng cách tránh việc tiếp xúc mũi với nước:
Tránh các hoạt động liên quan đến nước trong nước ngọt ấm và suối nước nóng.
Tránh đi trong nước ở những nơi có nhiệt độ nước cao và mực nước thấp.
Tránh đào lên hoặc khuấy động trầm tích ở những khu vực nước ngọt, ấm.
Bịt mũi hoặc sử dụng kẹp mũi trong khi bơi ở hồ nước ngọt, sông hoặc suối nước nóng.
Chỉ sử dụng nước đun sôi và làm mát, chưng cất hoặc vô trùng cho các dung dịch rửa xoang.
CDC cho hay, PAM, căn bệnh gây ra bởi nhiễm trùng Naegleria fowleri, có thể gây tử vong. Trong tổng số 145 ca nhiễm trùng ở Mỹ từ năm 1962 đến năm 2018, chỉ có 4 người sống sót. CDC hy vọng rằng chẩn đoán sớm và phương pháp điều trị mới có thể tăng cơ hội sống sót cho bệnh nhân trong tương lai.
(Suckhoedoisong)