Tự bổ sung ginkgo biloba - Rủi ro đi cùng lợi ích cho người bệnh
Logo

Tự bổ sung ginkgo biloba – Rủi ro đi cùng lợi ích

Lượt xem: 1.746 Ngày đăng: 08/03/2019

Rate this post
Ginkgo biloba là sự lựa chọn phổ biến của rất nhiều người với mong muốn cải thiện trí nhớ và làm chậm sự suy giảm trí tuệ liên quan đến tuổi tác.

Ginkgo biloba thường được coi là an toàn nhưng nó có thể gây ra các tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác. Vì thế, nó hoàn toàn không vô hại như chúng ta vẫn lầm tưởng…

Khi có tuổi, trí nhớ và sự nhạy bén của não bộ bị sụt giảm. Vì vậy, chúng ta thường có xu hướng bổ sung ginkgo biloba – một chất bổ sung để ngăn ngừa sự suy giảm tinh thần có liên quan đến lão hóa và chứng mất trí thông thường.

Ginkgo biloba là một loại thảo dược bổ sung được chiết xuất từ lá của cây bạch quả, còn được gọi là cây maidenhair. Cây bạch quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng hiện được trồng trên toàn thế giới. Ginkgo biloba được phân loại là một nootropic, có nghĩa là một chất tăng cường nhận thức. Ginkgo biloba cũng được cho là làm tăng cung cấp máu bằng cách làm giãn các mạch máu, ảnh hưởng đến dẫn truyền thần kinh và giảm các gốc tự do. Đối với người trưởng thành, khỏe mạnh, bạch quả dường như là an toàn khi dùng đường uống với lượng vừa phải.

tu-bo-sung-ginkgo-biloba-rui-ro-di-cung-loi-ich-1

Người mắc bệnh tiểu đường cần thận trọng khi bổ sung ginkgo biloba.

Nhưng nó có thực sự hiệu quả?

Cho đến nay, các nghiên cứu thử nghiệm tác dụng của bạch quả chống lại sự suy giảm liên quan đến lão hóa trong sức khỏe não bộ đã mang lại nhiều kết quả trái ngược. Ví dụ, trong một kết quả nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Alzheimer năm 2015, các nhà khoa học đã phân tích 9 thử nghiệm lâm sàng tập trung vào vai trò của bạch quả trong điều trị suy giảm nhận thức và chứng mất trí. Tất cả các thử nghiệm tập trung vào một chiết xuất bạch quả có tên là EGb761. Trong kết luận của họ, các nhà nghiên cứu cho biết dùng 240mg EGb761 mỗi ngày trong ít nhất 22 tuần có thể ổn định hoặc làm chậm sự suy giảm nhận thức, chức năng và hành vi ở bệnh nhân suy giảm nhận thức hoặc chứng mất trí.

Tuy nhiên, một báo cáo trước đó (được công bố trong Cơ sở dữ liệu tổng quan hệ thống của Burrane) đã kết luận rằng: Bằng chứng về tác dụng của bạch quả chống lại chứng mất trí nhớ và suy giảm nhận thức là “không phù hợp và không đáng tin cậy”. Khi xem xét 36 thử nghiệm lâm sàng đánh giá hiệu quả và độ an toàn của bạch quả như một phương pháp điều trị chứng mất trí nhớ hoặc suy giảm nhận thức, các tác giả của báo cáo cho thấy loại thảo dược này có vẻ an toàn hơn giả dược nhưng hầu hết các nghiên cứu được xem xét đều cho kết quả là hiệu quả của ginkgo là không đáng kể. Tuy nhiên, ngày nay, loại thảo dược bổ sung này vẫn được sử dụng phổ biến khắp nơi.

Các tác dụng phụ không mong muốn

Khi được sử dụng bằng đường uống với số lượng vừa phải, bạch quả dường như an toàn cho hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ của ginkgo đã được báo cáo là: đau đầu, chóng mặt, đánh trống ngực, đau dạ dày, táo bón, phản ứng dị ứng da…

Những đối tượng không nên sử dụng ginkgo biloba

Nếu bạn bị động kinh hoặc dễ bị co giật, hãy tránh xa bạch quả. Một lượng lớn ginkgotoxin có thể gây co giật. Ginkgotoxin được tìm thấy trong hạt bạch quả và lá bạch quả; nếu bạn dự định phẫu thuật, các bác sĩ của Hiệp hội Gây mê Mỹ khuyên bạn hãy ngừng dùng bạch quả trước 2 tuần. Đối với người bệnh đái tháo đường, cần theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu nếu sử dụng ginkgo. Phụ nữ mang thai, người bị rối loạn đông máu cũng không nên dùng bạch quả.

Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng những nhóm thuốc sau cũng không nên dùng ginkgo:

Alprazolam (xanax): Uống bạch quả với thuốc được sử dụng để làm giảm các triệu chứng lo âu này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Thuốc chống đông máu và thuốc chống tiểu cầu, thảo dược và chất bổ sung:Những loại thuốc, thảo dược và chất bổ sung làm giảm đông máu, nếu sử dụng cùng bạch quả có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Thuốc chống co giật, thuốc thảo dược và chất bổ sung: Nếu dùng bạch quả với các thuốc này sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.

Thuốc chống trầm cảm: Uống bạch quả với một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như fluoxetine (prozac, sarafem) và imipramine (tofranil) có thể làm giảm hiệu quả của chúng.

Thuốc statin: Uống bạch quả với simvastatin (zocor) có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Ginkgo cũng làm giảm tác dụng của atorvastatin (lipitor).

Thuốc tiểu đường: Ginkgo có thể làm thay đổi phản ứng của bạn với các loại thuốc này.

Ibuprofen: Việc kết hợp bạch quả với ibuprofen có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.

Và điều cuối cùng bạn cần ghi nhớ, đừng ăn hạt bạch quả sống hoặc rang vì có thể khiến bạn bị ngộ độc.

 

DS. Hải Đăng

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status