Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Ăn nhiều trái vải có bị nóng không ?

Lượt xem: 542 Ngày đăng: 26/06/2023

Rate this post

Khi mùa vải bắt đầu nở rộ, nhiều người cũng bắt đầu lo lắng không biết ăn nhiều quả vải có bị nóng trong người không. Để giải đáp cho thắc mắc này, mời Quý bạn đọc cùng Tổng đài Y khoa tìm hiểu trong nội dung dưới đây.

1. Trước hết, chúng ta hãy cùng tìm hiểu thế nào là thực phẩm nóng và thức ăn mát?

  • Theo một quan điểm của Tây y, có thể hiểu thức ăn nóng là thực phẩm chứa nhiều năng lượng trong một đơn vị khối lượng nhất định. Thức ăn mát là những thực phẩm đem lại ít năng lượng và nhiều nước, chất xơ, muối khoáng và vitamin. Việc một thức ăn được xem là nóng hay mát cũng chỉ có tính tương đối khi so sánh với những thực phẩm khác.
  • Theo Đông y, khái niệm thức ăn nóng hay mát được hiểu theo nghĩa thức ăn đó có nhiều dương tính hay âm tính hơn.

2. Sơ lược về cây vải và quả vải

Vải là loại cây ăn quả thân gỗ vùng nhiệt đới, có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc; tại đó người ta gọi là lệ chi (âm Hán-Việt), phân bố trải dài về phía nam tới Indonesia và về phía đông tới Philippines (tại đây người ta gọi nó là alupag). Vải còn gọi lệ chi (danh pháp hai phần: Litchi chinensis) là một loài thực vật có hoa thuộc họ Bồ hòn (Sapindaceae). Loài này được miêu tả khoa học đầu tiên năm 1782.

Vải ra hoa vào tháng 3 dương lịch và chín vào tháng 6. Thời điểm vải chín rộ thường bắt đầu từ giữa tháng 6 tới giữa tháng 7. Khoảng thời gian thu hoạch vải thiều thường ngắn, khoảng 2 tuần. Vì vậy nên với sản lượng lớn, người ta thường chế biến bằng cách sấy khô, sản phẩm sau đó gọi là vải khô.

Giống vải được ưa chuộng nhất ở Việt Nam là vải thiều trồng tại khu vực huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, vải được trồng nhiều nhất ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Quả vải tại vùng Thanh Hà (Hải Dương) thông thường có hương vị thơm và ngọt hơn vải được trồng ở các khu vực khác (mặc dù cũng lấy giống từ đây). Một giống vải khác chín sớm hơn, có tên gọi dân gian là “vải tu hú”, có hạt to hơn và vị chua hơn so với vải thiều. Nguyên do có tên gọi như vậy có lẽ là vì gắn liền với sự trở lại của một loài chim di cư là chim tu hú.

3. Ăn nhiều quả vải có bị nóng trong người không ?

3.1. Theo Đông y

Quả vải đặc tính đại nhiệt. Cùi vải vị rất ngọt không độc (có tài liệu viết có độc có lẽ do tính quá ngọt nóng của vải). Quả vải thường được dùng dưới hai dạng tươi và khô. Để ăn dùng cả hai dạng, để làm thuốc thường dùng dạng khô. Cả hai cách dùng để ăn và làm thuốc, tươi hay khô, đều phải có liều lượng. Dùng có chừng mực, thì mới đem lại lợi ích và tránh được điều không mong muốn.

Người Trung Quốc cho rằng “ăn một quả vải bằng giữ ba ngọn đuốc trong người” (nguyên văn: nhất đạm lệ chi tam bả hỏa). Điều này muốn nói đến thuộc tính dương (nóng) của loại quả này. Giới y dược Đông phương nói, vải gây “bốc hỏa”, có thể dẫn đến “chứng bệnh lệ chi” (say vải) với các chứng hồi hộp, choáng váng, nhức đầu… thường xảy ra ở những người khỏe mạnh ăn quá nhiều vải một lúc. Có trường hợp co giật. Sách Bản thảo tụng tân đã viết: Ăn vải quá nhiều sẽ bị phát sốt, phiền khát… sưng chân răng, chảy máu mũi… Người tạng nhiệt có bệnh nhiệt không nên ăn vải. Ngược lại, loại quả từ cây có quan hệ họ hàng là nhãn lại được coi là có các tính chất bổ dưỡng.

3.2. Theo y học hiện đại

Giá trị dinh dưỡng cho mỗi 100 g phần ăn được của quả vải có:

  • Năng lượng: 276 kJ (66 kcal)
  • Cacbohydrat: 16.5 g
  • Chất xơ: 1.3 g
  • Chất béo: 0.4 g
  • Chất đạm: 0.8 g
  • Vitamin: Vitamin C (87%) 72 mg, Chất khoáng Canxi (1%) 5 mg, Magiê (3%) 10 mg, Phốt pho (4%) 31 mg

Như vậy, khi ăn nhiều, quả vải cung cấp khá nhiều năng lượng cho cơ thể, điều này khiến cho chúng ta có cảm giác “nóng trong người”, gây nhiệt miệng, mụn nhọt, chảy máu mũi,…

4. Những ai nên hạn chế ăn quả vải?

  • Người bệnh tiểu đường: Nhiều chuyên gia cho rằng ăn quá nhiều vải sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt làm trầm trọng bệnh ở những người bị tiểu đường do vải có khả năng làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Những người này chỉ nên ăn ít hơn 6-7 quả vải mỗi lần.
  • Người chuẩn bị phẫu thuật và mới phẫu thuật: Do tác dụng giảm lượng đường trong máu, nhiều chuyên gia lo ngại vải có thể ảnh hưởng đến đường huyết trong và sau phẫu thuật. Do vậy, bạn nên ngừng ăn vải ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.
  • Những người mắc bệnh tự miễn dịch: Do quả vải có thể tăng cường khả năng miễn dịch, có thể làm tăng các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng, lupus, viêm khớp dạng thấp.
  • Những người bị táo bón: Tính nóng trong quả vải sẽ khiến tình trạng của bạn càng tồi tệ hơn, có thể dẫn đến trĩ nếu bị táo bón lâu ngày.

5. Lời kết

Quả vải cung cấp nhiều năng lượng nên nếu ăn nhiều sẽ bị nóng trong người. Để ăn quả vải không bị nóng, người lớn chỉ nên ăn khoảng 5-10 quả/ lần. Trẻ em thì chỉ 4-5 quả/ lần.

#TrườngcaođẳngYdượcTuệTĩnh HàNôi

#yhọcđờisống

#kiếnthứcyhọc

#yhọctrongta

#sinhviênydược

#ydượctuệtĩnhhànội

DMCA.com Protection Status