Bộ GD&ĐT sẽ tính toán từng bước chuẩn bị thi trên máy tính
Lượt xem: 1.188 Ngày đăng: 25/09/2020
“Cùng với duy trì thi trên giấy, chúng ta sẽ tính toán để từng bước chuẩn bị thi trên máy tính. Hình thức thi này phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và kế thừa kinh nghiệm quốc tế”.
Trên đây là trao đổi của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT với PV báo điện tử Dân trí chiều 24/9 về dự kiến phương thức thi tốt nghiệp THPT trong những năm tới.
Năm 2021: Điều chỉnh một số yếu tố kĩ thuật
+ Kỳ thi THPT quốc gia đã tổ chức được 6 năm nay theo hướng gọn nhẹ, không tốn kém. Từ năm 2021- 2025, kỳ thi được tổ chức ra sao, thưa ông?
Từ năm 2015- 2019, kỳ thi THPT quốc gia đã được tổ chức theo hướng ngày càng gọn nhẹ nhưng không tốn kém, kết quả bảo đảm độ tin cậy để các trường tuyển sinh vào đại học.
Qua 6 năm, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, kỳ thi đã diễn ra thành công, được thí sinh và dư luận ủng hộ.
Trong giai đoạn 2021-2025 tới đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn theo chương trình phổ thông hiện hành. Kết quả kì thi đủ độ tin cậy để các trường ĐH, CĐ tuyển sinh.
Đặc biệt, lần đầu tiên năm nay, chúng ta thực hiện việc đối sánh kết quả học bạ và kết quả thi. Hai kết quả này gửi thông điệp rất rõ: Nâng cao vai trò chủ trì của các địa phương.
Chính vì vậy, kỳ thi năm 2021 sẽ giữ ổn định như năm 2020 để phụ huynh học sinh và các nhà trường yên tâm.
Trong quá trình tổ chức kỳ thi, Bộ GD&ĐT sẽ có một số điều chỉnh cần thiết về mặt kĩ thuật để hoàn hảo hơn nữa.
+ Vậy kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh những yếu tố kĩ thuật nào, thưa ông?
Kỳ thi THPT năm 2021-2025 ổn định như năm 2020. Chúng ta kế thừa những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 nhưng sẽ tiếp tục điều chỉnh một số yếu tố kĩ thuật để hoàn thiện hơn nữa.
Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi phong phú và chuẩn hóa hơn, giàu có hơn.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào việc tổ chức thi, theo hướng chuẩn bị cho việc tổ chức thi trên máy tính sau này.
Thi tốt nghiệp THPT: Các Trung tâm Khảo thí đảm nhận
+ Ông có thể cho biết, hình thức tổ chức thi trên máy tính, dự kiến bao giờ sẽ áp dụng?
Cùng với việc duy trì phương thức thi trên giấy, chúng ta sẽ tính toán để từng bước chuẩn bị đưa vào thi trên máy tính sau này.
Phương thức thi này phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ và kế thừa kinh nghiệm quốc tế.
+ Để tổ chức thi trên máy tính trong những năm tới, dự kiến sẽ được tiến hành theo lộ trình như thế nào, thưa ông?
Dự kiến việc tổ chức thi trên máy tính cho các năm sau này sẽ tiến hành theo hướng: Các Trung tâm Khảo thí đảm nhận.
Các trung tâm này có thể của các trường đại học, các Sở GD&ĐT hay của các tổ chức cá nhân.
Nhiệm vụ của các trung tâm này ngoài tổ chức thi, có thể được phép tuyển sinh đại học nếu có uy tín, đáp ứng được yêu cầu của các trường ĐH, CĐ.
Về thời gian thi, có thể sẽ được tổ chức một số lần trong năm để phù hợp với thí sinh.
Thử nghiệm để mở rộng hình thức thi trên máy tính
+ Theo ông, việc thi trên máy tính có khả thi không khi hiện nay nhiều trường, nhất là nông thôn và miền núi rất thiếu thốn máy móc, đường truyền Internet?
Để tổ chức thi trên máy tính, cần phải theo lộ trình và thực hiện một số công việc. Trước hết, phải ban hành được quy chế thi trên máy tính.
Thứ hai, phải chuẩn bị cơ sở vật chất, bao gồm phòng máy tính, đường mạng, các thiết bị an ninh, phần mềm điều hành thi.
Thứ ba, chuẩn bị đội ngũ vận hành máy tính bởi phương thức thi này khác so với cách thi cũ.
Thứ tư, chúng ta phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho học sinh, nhất là kĩ năng sử dụng máy tính hoặc phần mềm thi.
Để thực hiện được việc này, trước mắt sẽ phải thử nghiệm và tiến tới mở rộng dần hình thức thi trên máy tính cùng với duy trì việc tổ chức thi trên giấy.
+ Có ý kiến cho rằng, việc thi trên máy tính sẽ khó triển khai vì sự phân hóa giữa thành thị và miền núi hiện nay rất cao. Nếu không cẩn trọng, sẽ mất công bằng với thí sinh?
Chúng ta phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trên đây mới tổ chức thi. Việc thi trên giấy hoặc trên máy tính, đều phải đảm bảo công bằng, tương đồng và không gây sốc với các bên liên quan, nhất là giáo viên và học sinh.
Cho dù tổ chức thi trên giấy hay trên máy tính, cũng không để xảy ra tình trạng bất bình đẳng giữa các vùng miền.
Với cách thi trong những năm qua, học sinh được thi tại trường mình, đi thi giống đi học.
Điều đó, giúp học sinh ở thành phố và các vùng sâu vùng xa phần nào thu hẹp khoảng cách và điều kiện đi thi.
Tóm lại, chúng ta đã kế thừa toàn diện những thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và chúng ta duy trì, ổn định phương thức thi này cho các năm tiếp theo.
Cùng với đó, sẽ chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sớm tổ chức thi trên máy tính sau này.
+ Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Hà (thực hiện)
(Dantri)