Cách dùng đúng thuốc chữa từng thể ho đạt hiệu quả tốt nhất
Logo

Cách dùng đúng thuốc chữa từng thể ho

Lượt xem: 1.741 Ngày đăng: 30/10/2019

Rate this post
Thời tiết lạnh – nóng thất thường kèm mưa ẩm kéo dài là yếu tố thuận lợi khởi phát những cơn ho, đặc biệt là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Trên thị trường cũng có rất nhiều loại thuốc chữa ho nhưng chỉ khi sử dụng đúng thì thuốc mới đạt hiệu quả tốt nhất.

Các dạng ho và thuốc chữa

Ho do kích ứng: Nguyên nhân là do các thụ thể ho bị kích thích gây nên phản xạ ho. Với trường hợp này, trước tiên cần loại bỏ yếu tố gây kích ứng như: Nếu ho do cơ thể bị lạnh, nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt là vùng cổ, phổi, chân tay. Thứ hai là dùng liệu pháp hỗ trợ làm dịu đường hô hấp như uống nước ấm, xịt mũi bằng nước ấm. Với người cao tuổi hay bị ho về đêm, nếu bị ho dai dẳng quá lâu nên đi khám để xác định nguyên nhân cụ thể.

Các thuốc hỗ trợ có thể sử dụng hiệu quả là thuốc kháng histamin H1với tác dụng làm giảm kích thích đường hô hấp trên, giảm hắt hơi, sổ mũi, giảm ho do kích ứng đường hô hấp; làm giảm tiết chất nhầy, giảm tiết đờm, giúp chảy nước mũi; làm giãn cơ trơn phế quản, có tác dụng làm giảm ho, giúp bệnh nhân dễ thở. Một số hoạt chất trong nhóm như clorpheniramin, dexclorpheniramin, dexbrompheniramin, alimemazin, diphenhydramin…

Ngoài ra, các thuốc kháng histamin H1 còn ức chế thần kinh trung ương gây tác dụng phụ buồn ngủ nên rất thích hợp dùng cho người già hoặc người mất ngủ vào ban đêm. Hoặc có thể dùng các siro ho thảo dược để làm dịu các kích thích như siro ho chứa các thành phần mật ong, quất, mơ muối, ma hoàng…

cach-dung-dung-thuoc-chua-tung-the-ho-1

cach-dung-dung-thuoc-chua-tung-the-ho-2

Thuốc ho được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau, đều dùng để uống trọn cả viên, không được nhai, nghiền nhỏ…

Ho có đờm: Ho có đờm thường đi kèm các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc virut, hen, viêm phổi, viêm phế quản, bệnh tắc nghẽn đường thở (CODP). Trong trường hợp này nên kết hợp điều trị nguyên nhân gây bệnh và điều trị triệu chứng ho. Các thuốc ho nên dùng là loại thuốc ho có tác dụng làm loãng đờm, giúp dễ tống đờm ra khỏi đường hô hấp. Một số hoạt chất trong nhóm bao gồm terpin hydrat, acetyl cystein, guaphenesin, các muối benzoate… Liệu pháp hỗ trợ được khuyến cáo nên uống nhiều nước, đặc biệt nước ấm, giúp long đờm tốt và hỗ trợ điều trị nguyên nhân gây bệnh.

Ho do hen: Nên điều trị có sự chỉ định của bác sĩ. Một số thuốc có thể tham khảo là các thuốc giúp giãn cơ trơn phế quản, làm giảm co thắt, giảm kích thích phế quản, giúp bệnh nhân giảm ho, dễ thở như salbutamol, theophylin. Ngoài ra, thuốc điều trị cần kết hợp với sử dụng corticoid để phòng ngừa khởi phát cơn hen.

Ho do kích thích trung tâm ho tại não: Hay gặp trong các bệnh ho khan, ho mạn tính. Nên sử dụng các thuốc giảm ho trung ương với cơ chế ức chế trung tâm ho tại não, làm giảm ho như dextromethophan, codein, pholcodin. Tuy nhiên, các thuốc giảm ho trung ương thường có tác dụng phụ an thần, ức chế trung tâm hô hấp nhẹ, làm giãn cơ trơn tiêu hóa hoặc tử cung, bởi vậy nên thận trọng trong trường hợp suy hô hấp và phụ nữ có thai, người mắc bệnh gan (do thuốc chuyển hóa qua gan). Do vậy, là một trong nhóm thuốc điều trị ho hiệu quả, nhưng các thuốc ho trung ương nên được sử dụng dưới sự kê đơn và giám sát của nhân viên y tế.

Ho do hội chứng trào ngược dạ dày – thực quản: Nên điều trị nguyên nhân gây bệnh sẽ giải quyết được các cơn ho.

Dùng thế nào cho đúng?

Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ: Với các trường hợp ho do nguyên nhân bệnh lý, người bệnh cần thực hiện uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh hiện tượng tương tác bất lợi của thuốc hay khiến tình trạng bệnh nặng hơn như thuốc làm loãng đờm cần tránh dùng cho người mắc bệnh hen do thuốc có thể khởi phát cơn co thắt phế quản.

Dùng thuốc đúng liều: Khi bị ho và dùng thuốc, cơ thể cần thời gian để thuốc phát huy tác dụng, thời gian có thể dài hoặc ngắn tùy thuộc thể trạng và tình trạng bệnh nặng nhẹ khác nhau. Do đó, người bệnh không nên sốt ruột mà tự ý tăng liều dùng thuốc có thể gây quá liều. Đối với trẻ nhỏ thường dùng dạng siro, cha mẹ cần chú ý sử dụng đúng dụng cụ đong thuốc có kẻ sẵn vạch định lượng trong hộp thuốc, tránh dùng thìa hay cốc không có vạch định lượng sẽ gây quá liều hoặc thiếu liều khiến thuốc không đạt hiệu quả điều trị.

Chú ý tác dụng không mong muốn: Các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra ở từng cá nhân rất khác nhau nhưng người bệnh cần chú ý để có biện pháp xử trí thích hợp. Chẳng hạn khi dùng thuốc long đờm, người bệnh có thể gặp các triệu chứng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, tăng nhẹ men gan, chóng mặt, nhức đầu, phát ban ở da hay thuốc ức chế phản xạ ho trung ương có thể gây buồn ngủ thì cần chú ý không lái xe hay vận hành máy móc…

Không bẻ nhỏ viên thuốc: Các loại thuốc ho được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau và phần lớn các dạng thuốc viên nén, nhộng, nang mềm… đều dùng để uống trọn cả viên, không được nghiền nhỏ, nhai nhỏ, bỏ vỏ nhộng, bẻ vụn chia thành nhiều liều… vì sẽ phá vỡ cấu trúc giải phóng, làm thay đổi dược động học của thuốc và có thể dẫn đến mất hoặc tăng/giảm hiệu quả điều trị hoặc xảy ra độc tính cho người dùng. Người bệnh chỉ nên bẻ những loại thuốc có rãnh ở giữa vì đã được nhà sản xuất tạo ra sẵn với sự phân bố thuốc đồng đều giữa hai lần dùng.

 

DS. Đỗ Thị Ban

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status