Các phương pháp và tiêu chuẩn chế biến thuốc Y học cổ truyền
Lượt xem: 973 Ngày đăng: 20/09/2024
Các vị thuốc, dược phẩm,… Y học cổ truyền rất phong phú và được đề cao bởi tính hiệu quả, độ quý hiếm. Trong bài viết này, hãy cùng Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tìm hiểu về các phương pháp và tiêu chuẩn chế biến thuốc Y học cổ truyền phổ biến hiện nay.
Mục lục
1. Phương pháp chung chế biến thuốc Y học cổ truyền
Nội dung dưới đây được tổng hợp và trích dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 30/2017/TT-BYT.
1.1 Phụ liệu dùng trong chế biến
Phụ liệu là những nguyên vật liệu được sử dụng, bổ sung nhằm giúp quá trình chế biến hay hiệu quả thuốc sau chế biến được đảm bảo. Dưới đây là bảng tổng hợp các loại phụ liệu phổ biến cùng mục đích và ứng dụng.
Phụ liệu | Mục đích | Ứng dụng |
Cám gạo | Kiện tỳ, giảm tính khô, tác dụng không mong muốn. | Chế biến Bạch truật, Thương truật, Xương bồ… |
Gạo | Khô dược liệu, thơm và vàng đều vị thuốc. | Chế biến Nhung hươu, Nhân sâm… |
Nước vo gạo | Loại vị chát, giúp thuốc dễ uống. | Chế biến Hà thủ ô đỏ, Hà thủ ô trắng, Thạch xương bồ, Xạ can… |
Giấm | Dẫn thuốc, tăng hoạt huyết, hành khí, giòn dược liệu | Chế biến Diên hồ sách, Tam lăng, Nga truật, Hương phụ… |
Rượu | Dẫn thuốc, giảm hàn, tăng cường hoạt huyết | Chế biến Hoàng liên, Hoàng bá, Đại hoàng, Sơn thù du,… |
Dầu vừng | Giảm độc, làm vị thuốc giòn xốp. | Chế biến Mã tiền, Tam thất… |
Sinh khương | Tăng tính ấm, giảm ngứa, làm sạch và thơm. | Chế biến Bán hạ, Thục địa, Đảng sâm… |
Mật ong | Kiện tỳ, nhuận phế, bổ dưỡng, hoàn hoãn dược tính. | Chế biến Tang bạch bì, Tử uyển, Khoản đông hoa, Tiền hồ |
Văn cáp | Sao khô, hạn chế hôi tanh, tăng tính giòn. | Chế biến A giao, cao Ban long… |
Muối ăn | Giảm tính độc, dẫn thuốc, tăng tác dụng. | Chế Phụ tử, Ba kích, Trạch tả, Hoàng bá… |
Phèn chua | Tẩy rửa, bảo quản, định hình. | Chế biến Thiên nam tinh, Bán hạ, Hoài sơn… |
Vôi tôi | Loại bỏ chất, thịt thủy, hạn chế hỏng và thối rữa. | Chế Bán hạ, Hoài sơn.. |
Cát | Nâng nhiệt độ, truyền nhiệt đều. | Chế biến Mạch môn, Cẩu tích, Cốt toái bổ,… |
Đất | Ôn trung, kiện tỳ, chỉ nôn, chỉ huyết. | Chế biến Bạch truật, Hoài sơn… |
Dịch vụ thuốc | Giảm độc, tăng hiệu quả. | Dịch Cam thảo, Sa nhân… |
1.2 Trang thiết bị sử dụng
Hệ thống trang thiết bị được sử dụng trong chế biến thuốc Y học cổ truyền tương đối đa dạng. Trong đó, có 6 loại trang thiết bị thường dùng bao gồm:
- Dụng cụ làm sạch: Bàn chải, giần, sàng, dụng cụ chà xát, quạt thông gió.
- Dụng cụ ủ rửa: Chậu, thùng, bế, máy rửa.
- Dụng cụ thái chặt: Dao cầu, dao bào, máy thái băm chặt.
- Dụng cụ nấu, chưng, đồ: Nồi, chõ.
- Dụng cụ sao thuốc: Chảo, máy sao dược liệu.
- Thiết bị làm khô: Tủ sấy bằng các nguyên liệu hoặc sấy chân không.
1.3 Phương pháp chế biến chung
Tương ứng với sự đa dạng của các loại Dược liệu và các phương pháp chế biến cũng rất phong phú.
Phương pháp | Mục đích | Kỹ thuật | Yêu cầu sau chế biến |
Lựa chọn dược liệu | Loại bỏ bộ phận không dùng, gây tác dụng không tốt, đảm bảo yếu tố đồng đều. | Lần lượt loại bỏ các thành phần, bộ phận,… không sử dụng. | Được loại bỏ hết tạp chất. |
Rửa | Làm sạch, làm mềm, giải tác dụng bất lợi, định hình. | Rửa bằng nước sạch, để ráo nước, phơi, sấy đến khi khô. | Sạch, rõ màu, mùi, vị đặc trưng. |
Ủ mềm | Làm mềm dược liệu. | Rửa sạch dược liệu, cho vào thùng, phủ kín và có thể phun thêm nước. | Mềm, không còn lõi đục, cứng. |
Ngâm | Làm mềm, giảm tác dụng không mong muốn. | Ngâm dược liệu ngập nước, chờ đợi theo thời gian yêu cầu. | Tùy thuộc mục đích và tính chất mà vị thuốc phải đạt chất lượng tương ứng. |
Thái | Phân chia kích thước phù hợp. | Sử dụng dụng cụ để phân chia dược liệu. | Độ dài ngắn, dầy mỏng phù hợp theo tính chất và mục đích. |
Phơi | Làm khô, bảo quản, giảm tiêu hao năng lượng khi sấy. | Phơi dưới nắng, âm can. | Khô hoặc gần khô, không mất mùi, biến màu. |
Sấy | Làm khô, bảo quản. | Sấy trong tủ sấy theo yêu cầu. | Đạt độ phẩm phù hợp |
Hỏa chế | Thay đổi tính dược, tạo mùi thơm, hạn chế độc tố, bảo quản. | Sao, nung, hỏa phi, nướng. | |
Sao không phụ liệu | Tạo mùi, hạn chế mốc mọt, tăng tác dụng. | Sao qua, sao vàng, cháy cạnh, hạ thổ, hắc sao, sao cháy. | Linh hoạt theo mục tiêu và yêu cầu. |
Chích | Tăng tác dụng. | Chích rượu, gừng, muối, giấm, mật ong. | Linh hoạt theo mục tiêu và yêu cầu. |
Sao gián tiếp | Tăng tác dụng. | Sao cách cám, gạo, bột văn cáp, cát, đất. | Linh hoạt theo mục tiêu và yêu cầu. |
Nung | Thay đổi thể chất thuốc, tạo điều kiện nghiền, tán. | Cho dược liệu vào dụng cụ nung, đẩy nắp, cấp nhiệt, để nguội, tán và lấy bột mịn. | Đạt tiêu chuẩn riêng mỗi vị thuốc. |
Hỏa phi | Thay đổi cấu trúc, tính chất. | Đung bảo, cho vị thuốc vào, để nguội và tán lấy bột mịn, | Loại hoàn toàn nước dạng liên kết hóa học. |
Nướng | Tăng tính ấm, dẫn thuốc. | Hơ dược liệu trên bếp, than, vùi trong tro, bọc trong lớp cám hoặc giấy bản. | Thơm đặc trưng, vỏ khô giòn. |
Thủy chế | Làm sạch, làm mềm, giảm tác dụng bất lợi, đình hình. | Ngâm với dịch phụ liệu, ủ, thủy phi. | Linh hoạt theo mục tiêu và yêu cầu. |
Thủy hỏa hợp chế | Chuyển hóa tác dụng, thay đổi tính vị, tạo mùi vị. | Đồ, nấu. | Linh hoạt theo mục tiêu và yêu cầu. |
2. Tiêu chuẩn chế biến thuốc Y học cổ truyền
Nội dung dưới đây được tổng hợp và trích dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BYT.
2.1 Nhân sự
Cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn ở đơn vị chế biến phải đảm bảo về mặt sức khỏe, trình độ và kinh nghiệm thực hiện. Công tác tập huấn, đào tạo, cập nhật,… cũng cần được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, họ cần có ít nhất một trong các văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận,… dưới đây.
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành Dược.
- Bằng tốt nghiệp đại học ngành Y học cổ truyền hoặc đại học ngành Dược cổ truyền
- Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành Dược.
- Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành Dược.
- Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền.
- Giấy chứng nhận lương y.
2.2 Khu vực chế biến
Khu vực chế biến thuốc Y học cổ truyền cần đảm bảo về vị trí, thiết kế, xây dựng,… phù hợp với các thao tác cần thực hiện. Điều này còn liên quan mật thiết đến quy mô, các khu vực thực hiện, hệ thống lắp đặt,… Cụ thể, khu vực này sẽ cần đảm bảo một số yếu tố dưới đây.
- Phải có khu vực riêng để xử lý, sơ chế,… và đảm bảo yếu tố rộng rãi, vệ sinh, an toàn.
- Mặt bằng cần được bố trí phù hợp về diện tích, tính khoa học, đáp ứng đúng yêu cầu.
- Hệ thống nước sạch và xử lý đạt chuẩn vệ sinh.
- Có khu vực dán nhãn, đóng gói riêng theo đúng quy định.
- Khu vực bảo quản tuân thủ quy định Bộ Y tế.
2.3 Trang thiết bị
Tùy vào mỗi loại dược liệu, vị thuốc mà sẽ yêu cầu các trang thiết bị phục vụ phương pháp hay quy trình chế biến tương ứng. Yêu cầu đặt ra gồm thông số kỹ thuật cũng như nhu cầu và tính đảm bảo vệ sinh xuyên suốt quá trình sử dụng. Các thiết bị này cần bảo hành và vệ sinh định kỳ theo quy định.
2.4 Vấn đề vệ sinh
Khu vực sơ chế, chế biến thuốc Y học cổ truyền cần có biện pháp vệ sinh phù hợp. Ngoài các thiết bị phục vụ hoạt động này, cơ sở cần có thêm các hướng dẫn cụ thể. Hoạt động này cần đảm bảo tính thường xuyên và định kỳ.
2.5 Hệ thống hồ sơ tài liệu
Những cơ sở phải lưu trữ hồ sơ tài liệu gồm trang thiết bị, nguồn gốc và chất lượng dược liệu, vị thuốc, hồ sơ lô. Cơ sở hoạt động cần tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng hiện hành từ Bộ Y tế. Trong hồ sơ sẽ ghi rõ thời gian, người chịu trách nhiệm và lưu trữ đến hết hạn sử dụng của thuốc, dược liệu.
Trên đây là tổng hợp các phương chế biến thuốc Y học cổ truyền và các tiêu chuẩn chế biến cụ thể. Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian theo dõi bài viết trên từ Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội. Theo dõi các trang thông tin dưới đây từ nhà trường để cập nhật thêm kiến thức xoay quanh lĩnh vực Y Dược.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi