Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Coi chừng viêm mũi do lạm dụng thuốc co mạch tại chỗ

Lượt xem: 1.128 Ngày đăng: 17/08/2020

Rate this post
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm mũi, trong đó có việc lạm dụng thuốc trị ngạt mũi loại co mạch ở người bệnh. Vậy có cách nào để phòng ngừa tình trạng này?

Viêm mũi do thuốc xảy ra khi nào?

Ngạt mũi (nghẹt mũi) là tình trạng tắc nghẽn mũi, làm cho người bệnh không thở được. Một trong những nhóm thuốc hay dùng cho tình trạng này là nhóm co mạch như: Phenylephrine, oxymetazoline, naphazolin…

Tác dụng của thuốc là làm co các mao mạch nằm trong cuốn dưới mũi trong một thời gian nhất định, sau đó các mạch này lại giãn ra. Nếu sử dụng thuốc thường xuyên liên tục sẽ khiến cho quá trình này lặp đi lặp lại… dẫn đến hiện tượng xơ hóa tổ chức cuốn mũi dễ gây hiện tượng nhờn thuốc, thuốc không có hiệu quả nữa, thậm chí còn gây hiện tượng tác dụng ngược, nghĩa là gây nghẹt mũi trở lại, làm viêm mạn tính niêm mạc mũi, dẫn đến việc rất khó chữa trị.

Nếu dùng thuốc lâu ngày, tình trạng sung huyết mũi có thể nặng hơn, đường mũi trở nên hẹp hơn và người bệnh buộc phải dùng thuốc nhiều hơn và dùng thuốc liều cao hơn vì không dùng thuốc sẽ không thở được.

Tình trạng dùng thuốc co mạch mũi lâu ngày sẽ trở thành một vòng luẩn quẩn khiến người bệnh phải dùng thuốc nhiều lần, dẫn đến hình thành nhiều mô sẹo trong niêm mạc mũi và dẫn đến viêm mũi do dùng thuốc.

Lạm dụng thuốc co mạch dễ dẫn tới viêm mũi do thuốc.

Lạm dụng thuốc co mạch dễ dẫn tới viêm mũi do thuốc.

Cách nhận biết triệu chứng viêm mũi do thuốc

Nếu như viêm mũi dị ứng có thể bao gồm nghẹt mũi, ngứa mũi, ngứa mắt… thì viêm mũi do thuốc, tắc mũi (nghẹt mũi) thường là triệu chứng duy nhất. Người bệnh thường bị tắc mũi hai bên (nhỏ thuốc co mạch ít hoặc mất tác dụng), có cảm giác khô mũi. Cuốn mũi dưới quá phát, to, hơi sần sùi, co hồi chậm với thuốc co mạch hoặc không co hồi. Nếu người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc xịt mũi, tình trạng nghẹt mũi này có thể kéo dài hàng tuần hoặc thậm chí vài tháng.

Không có xét nghiệm chính thức nào để chẩn đoán tình trạng này, nhưng nếu thuốc là nguyên nhân gây viêm mũi thì các triệu chứng sẽ được cải thiện sau khi ngừng sử dụng thuốc.

Khi nào người bệnh nên đi khám?

Nếu người bệnh đang sử dụng thuốc xịt thông mũi mà các triệu chứng không hết hay thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn, hoặc nghi ngờ viêm mũi do thuốc… hãy đi khám bác sĩ. Tại đây, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về triệu chứng gặp phải, tần suất và thời gian đã sử dụng các thuốc thông mũi này.

Ở một số người có thể sử dụng thuốc xịt mũi thường xuyên hơn (vài giờ một lần), nhưng khi sử dụng ít thường xuyên hơn (tần suất thấp hơn) người bệnh vẫn có nguy cơ mắc viêm mũi do thuốc. Sau khi bác sĩ chẩn đoán, sẽ tư vấn và đưa ra kế hoạch điều trị cụ thể với người bệnh.

Các lựa chọn điều trị

Việc đầu tiên trong điều trị viêm mũi thuốc là ngừng sử dụng loại thuốc xịt mũi mà người bệnh đang dùng. Tuy nhiên, đột ngột dừng thuốc có thể dẫn đến sưng và tắc nghẽn lớn hơn. Vì vậy, cần phải giảm dần tần suất sử dụng thuốc (ngừng thuốc từ từ).

Nếu tình trạng nghẹt mũi nhẹ, có thể dùng dung dịch nước muối dạng xịt. Loại dung dịch này chỉ chứa nước muối và không chứa bất kỳ thành phần thuốc gây kích thích nào khác.

Trong trường hợp nghẹt mũi nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể kê đơn dùng glucocorticosteroid làm giảm viêm và nghẹt mũi hoặc thuốc thông mũi đường uống như pseudoephedrine… để làm giảm các triệu chứng của người bệnh.

Việc giảm viêm mũi là vấn đề quan trọng để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Vì viêm mũi mạn tính có thể dẫn đến hình thành polype trong khoang mũi, viêm xoang…

Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể xem xét phẫu thuật. Ví dụ, trong trường hợp tắc nghẽn và viêm lâu dài hình thành polype trong khoang mũi (điều này có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng), việc phẫu thuật để loại bỏ các polyp này sẽ làm giảm tình trạng nghẹt mũi.

Sau khi các triệu chứng đã được kiểm soát, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ trước khi sử dụng thuốc thông mũi cho các tình trạng viêm mũi trong tương lai hoặc các dạng viêm mũi khác.

Có thể phòng ngừa viêm mũi do thuốc?

Để phòng ngừa viêm mũi do thuốc, trước khi dùng thuốc người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng (đi kèm với thuốc), tuân thủ về số lần sử dụng trong ngày và  thời gian sử dụng, trừ khi có ý kiến khác của bác sĩ.

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh cần theo dõi sự thay đổi của các triệu chứng (giảm đi hay nặng lên). Nếu các triệu chứng không có dấu hiệu thuyên giảm, người bệnh cần đi khám để được điều chỉnh thuốc kịp thời, thích hợp.

Chỉ sử dụng các thuốc co mạch nhỏ (xịt) mũi khi cần thiết, trong thời gian ngắn và không nên lạm dụng kéo dài.

DS. Trần Thị An

(Suckhoedoisong)

 

DMCA.com Protection Status