4 kỹ thuật cầm máu tạm thời phổ biến và lưu ý khi thực hiện
Lượt xem: 1.170 Ngày đăng: 08/07/2024
Tình trạng chảy máu có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Những kỹ thuật cầm máu tạm thời được áp dụng để giảm thiểu tình trạng này và tạo tiền đề để điều trị người bệnh. Cùng Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tìm hiểu 4 kỹ thuật phổ biến và những lưu ý khi thực hiện.
Mục lục
1. Cầm máu tạm thời là gì?
Cầm máu tạm thời là kỹ thuật Y tế được sử dụng để nhanh chóng hạn chế tình trạng chảy máu, mất máu. Có rất nhiều kỹ thuật có thể được áp dụng với cơ sở là tạo áp lực tạm thời lên các mạch máu để hình thành cục máu đông. Cầm máu tạm thời có thể sử dụng để sơ cứu hay các tình huống không có phương tiện Y tế chuyên nghiệp.
2. Tầm quan trọng của cầm máu
Kỹ thuật cầm máu tạm thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng nếu được thực hiện đúng và kịp thời. Điều này thể hiện qua một số phương diện dưới đây.
- Kiểm soát tình trạng chảy máu liên tục dẫn đến mất máu nhiều, nguy hiểm tới tính mạng.
- Ổn định về mặt thể chất cũng như tinh thần của người bệnh.
- Tạo điều kiện cho quá trình chữa trị khác như đưa người bệnh tới cơ sở Y tế, làm sạch và băng bó vết thương,…
- Giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng với lớp bảo vệ được hình thành do máu đông ngưng tụ.
- Tiết kiệm tài nguyên Y tế cũng như thời gian để thực hiện các kỹ thuật Y tế sau đó.
- Kỹ thuật quan trọng có thể được áp dụng bởi bất kỳ đối tượng nào, trong nhiều trường hợp và tại bất kỳ địa điểm nào.
3. Tổng hợp 4 kỹ thuật cầm máu tạm thời hiệu quả
Dưới đây là 4 kỹ thuật cầm máu bạn đọc cần biết và có thể áp dụng trực tiếp.
3.1 Băng ép
Để thực hiện băng ép, bạn sẽ ép trực tiếp băng Y tế hoặc vải sạch lên trên hoặc ở xung quanh vết thương. Một lớp bông mỡ dày sẽ được đặt lên trên với mục đích tạo sự đè nén cao tại vị trí đó. Sau đó, người thực hiện sẽ băng kiểu vòng xoắn hoặc số 8 tương đối chặt. Kỹ thuật cầm máu tạm thời này có thể áp dụng với mọi vết thương mà không sợ tai biến.
3.2 Gấp chi tối đa
Gấp chi tối đa tương đối đơn giản và tự người bị thương cũng có thể thực hiện. Cơ chế hoạt động của phương pháp này sẽ thực hiện gấp các động mạch lại, đè ép trực tiếp với các khối cơ xung quanh để máu ngưng chảy. Tuy nhiên, phương pháp này rất dễ mỏi và không thể thực hiện nếu có tổn thương gãy xương đi kèm. Mỗi vị trí sẽ có cách thức thực hiện khác nhau như:
- Cẳng tay, bàn tay: Gấp thẳng vào cánh tay và có thể cố định tư thế bằng vòng băng, thắt lưng.
- Cánh tay: Dùng một vật có đường kính khoảng 10cm để chèn và kẹp chặt nách ở trên vị trí chảy máu rồi buộc cánh tay vào thân người.
- Cẳng chân, bàn chân: Kéo mạnh cẳng chân ép vào đùi, có thể đệm thêm cuộn băng và thực hiện khi nằm ngửa hoặc ngồi.
- Đùi: Nằm ngửa, dùng hai tay kéo mạch đầu gối ép chặt vào thân người và có thể dùng thêm dây lưng để ghì mạnh vào thân người.
3.3 Băng nút
Đúng như tên gọi, băng nút sử dụng thêm một bấc gạc để nhét nút vào vị trí chảy máu. Nút càng được nhét chặt thì sức ép lên vết thương càng lớn và càng đạt hiệu quả cao. Phương pháp này được áp dụng với các vùng vết thương chảy máu động mạch ở sâu hoặc các vùng đặc biệt như cổ, vùng chậu,…
Để thực hiện, bạn cần dùng kẹp cầm máu hoặc nỉa để nét gạc vô khuẩn vào sâu tận đáy vết thương. Sau đó, thao tác ấn chặt sẽ đè ép và cầm máu người bị thương. Tuy nhiên, quá trình đưa bấc gạc có thể lẫn cả di vật và đưa các mô dập nát vào sâu. Vì vậy, phương pháp này chỉ được sử dụng nếu không thể thực hiện các kỹ thuật cầm máu tạm thời đơn giản khác.
3.4 Ấn động mạch
Ấn động mạch là kỹ thuật cầm máu tạm thời tương đối hiệu quả mà ít gây đau đớn hay rối loạn tuần hoàn các chi bị thương. Người thực hiện sẽ sử dụng ngón tay đè chặn vào động mạch trên đường đi hướng từ tim đến vết thương. Điều này giúp động mạch bị ép chặt giữa nền xương và lựa từ ngón tay gây ra.
Phương pháp này đạt hiệu quả tối đa khi được thực hiện bởi cá nhân có chuyên môn. Bên cạnh đó, thời gian cũng là một yếu tố quan trọng cần xét đến. Ấn động mạch yêu cầu xử lý khẩn trương và nhanh chóng. Thao tác thực hiện có thể sử dụng 1 ngón cái, 2 ngón cái hay toàn bộ ngón tay.
4. Một số lưu ý khi thực hiện cầm máu tạm thời
Để thực hiện kỹ thuật cầm máu tạm thời hiệu quả và an toàn, cả người thực hiện và người bị thương cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.
- Nguyên tắc khi cầm máu là thực hiện khẩn trương, nhanh chóng làm ngừng chảy máu.
- Vùng vết thương chảy máu cần được ép trực tiếp, nâng cao, bịt kín.
- Nếu vết thương đâm xuyên, tuyệt đối không được tự rút dị vật ra.
- Kiểm tra vết thương mỗi 60 phút và nới garo từ 1-2 phút.
- Theo dõi tình trạng vết thương đề phần chi không được máu nuôi dưỡng không bị hoại tử.
- Dụng cụ, vật liệu Y tế được sử dụng phải đảm bảo để tránh gây nhiễm khuẩn vết thương.
- Kỹ thuật cầm máu tạm thời được sử dụng phải đúng vị trí, kỹ thuật, an toàn.
- Liên hệ và tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ hay cá nhân có chuyên môn nếu máu chảy liên tục, vết thương lộ xương, bị sốc,…
Trên đây là những thông tin cơ bản về chủ đề kỹ thuật cầm máu tạm thời. Hy vọng với những thông tin được cung cấp, bạn đọc có thể áp dụng vào trong cuộc sống hay công việc của bản thân. Theo dõi thêm các trang thông tin dưới đây từ Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội để cập nhật thêm những kiến thức mới nhất xoay quanh lĩnh vực Y Dược.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://facebook.com/truongtuetinhhanoi