Trước đây, nhiều người vẫn nghĩ loãng xương là bệnh phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi. Nhưng ngày nay, những người trẻ cũng có thể bị loãng xương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Mục lục
Người trẻ cũng bị loãng xương
Nhiều thống kê đã cho thấy, hiện nay tỷ lệ người trẻ tuổi bị loãng xương đang gia tăng. Một trường hợp điển hình là bệnh nhân nữ, mới 38 tuổi đã phải nhập viện do đau lưng nhiều và khó đi lại do gầy yếu, suy kiệt, teo cơ tứ chi. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị loãng xương nặng, gãy xẹp nhiều đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và đái tháo đường, suy thượng thận do tác dụng phụ của việc sử dụng thuốc có chứa corticoids. Đây chỉ là một trong những trường hợp bị loãng xương do tự ý uống thuốc.
Nguyên nhân gây loãng xương
Loãng xương nguyên phát: Là loại loãng xương không tìm thấy căn nguyên nào khác ngoài tuổi tác và hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ. Cơ chế là do quá trình lão hóa của tạo cốt bào gây nên tình trạng mất cân bằng giữa huỷ xương và tạo xương, kết quả là thiểu sản xương.
Loãng xương làm cho xương bị yếu và giòn, dễ gãy hơn bình thường.
Loãng xương nguyên phát gồm 2 type: ở týp 1 (hay loãng xương sau mãn kinh): nguyên nhân là do giảm nội tiết tố oestrogen, ngoài ra còn có sự giảm tiết hormon tuyến cận giáp trạng, tăng thải calci niệu, suy giảm hoạt động của enzym 25-OH-vitamin D1-hydroxylase. Thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 50 – 55, đã mãn kinh. Tổn thương chủ yếu là mất chất khoáng ở xương xốp, biểu hiện là sự lún của các đốt sống hoặc gãy xương Pouteau-Colles.
Ở type 2 (hay loãng xương tuổi già): Là loãng xương liên quan tới tuổi và tình trạng mất cân bằng tạo xương. Loại loãng xương này xuất hiện ở cả 2 giới nam và nữ, độ tuổi khoảng trên 70. Đặc điểm của loại loãng xương này là mất chất khoáng toàn thể cả ở xương xốp (xương bó) và xương đặc (xương vỏ). Thường là bệnh nhân hay bị gãy cổ xương đùi. Cơ chế gây loãng xương là do tình trạng giảm hấp thu calci, giảm chức năng tạo cốt bào dẫn tới cường cận giáp thứ phát.
Loãng xương thứ phát: Là loại loãng xương tìm thấy được nguyên nhân liên quan đến một số bệnh mạn tính, liên quan đến sử dụng một số loại thuốc…
Các nguyên nhân gây loãng xương thứ phát bao gồm: Bệnh nội tiết (cường giáp, đái tháo đường, bệnh to đầu chi); Bệnh tiêu hóa (cắt dạ dày, thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mạn tính); Bệnh khớp (viêm khớp dạng thấp, bệnh lý cột sống…); Bệnh ung thư; Bệnh di truyền (bệnh nhiễm sắc tố sắt…); Những trường hợp sử dụng corticoid, heparin, dùng lợi tiểu kéo dài… cũng gây loãng xương.
Ngoài yếu tố về chế độ dinh dưỡng và nội tiết tố còn có nhiều yếu tố thuận lợi khác (yếu tố nguy cơ) làm cho bệnh loãng xương ở người cao tuổi tăng lên nếu như trên cơ thể người đó có tiền sử bị còi xương lúc còn nhỏ, hiện tại đang bị suy dinh dưỡng hoặc hàng ngày ít vận động, hoặc do béo phì. Ngoài ra, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, đi guốc cao gót… là những yếu tố góp sức gây bệnh loãng xương.
Dấu hiệu nhận biết
Loãng xương là chứng bệnh làm cho xương bị yếu và giòn, dễ gãy hơn bình thường. Ở giai đoạn đầu không có triệu chứng gì đặc hiệu ngoài những dấu hiệu mệt mỏi, ăn uống kém, nhức xương không thường xuyên. Càng về sau đau nhức xương rõ rệt hơn và hay gặp là đau lưng, đau chân tay, các khớp và mỏi bại. Đặc biệt là các khớp xương chịu lực mạnh như: xương sống, khớp gối, khớp cổ chân, các xương dài (xương đùi, xương cẳng chân, xương cánh tay, cẳng tay), dễ dàng bị gãy xương do bị ngã, vấp. Đau nhức xương và các khớp xương thường rõ nhất vào ban đêm. Ngoài ra, chuột rút cũng thường hay xuất hiện.
Biến chứng gì?
Khi bị bệnh loãng xương không điều trị hoặc điều trị không đúng phác đồ, hậu quả xấu nhất là rạn xương, nứt vỡ hoặc gãy xương, ngoài ra còn có thể cong xương, cong vẹo cột sống, cong ống chân, chiều cao giảm dần… Hiện tượng gãy, lún cột sống, gãy cổ xương đùi, xương cẳng chân, xương cẳng tay rất có thể xảy ra khi có một tác động mạnh (ngã, gập chân, trượt chân…). Trong cơ thể, loại xương nào thường chịu tác động nhiều nhất, chịu lực nhiều nhất, khi loãng xương, rất dễ bị tổn hại hơn cả (cột sống, xương đùi, cẳng chân, cánh tay, cẳng tay). Vì vậy, gãy cổ xương đùi, gãy cổ tay, gãy khớp háng thường chiếm tỷ lệ cao nhất trong bệnh lý loãng xương ở người cao tuổi.
Nguyên tắc điều trị
Việc phát hiện sớm và điều trị ngay từ đầu là việc làm rất có ý nghĩa để phòng bệnh loãng xương và ngăn ngừa gãy xương. Khi đã bị gãy xương do loãng xương, càng hết sức thận trọng không để gãy xương tái phát một hoặc nhiều lần. Việc điều trị loãng xương đòi hỏi phải kiên trì không phải ngày một, ngày hai. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả điều trị loãng xương là người bệnh không tuân thủ phác đồ điều trị. Các nghiên cứu cho thấy rằng chỉ cần quên uống 1 liều thuốc trong vòng 1 tuần lễ, hiệu quả điều trị đã giảm xuống đến 64%. Uống thuốc gì, liều lượng bao nhiêu và trong thời gian bao lâu là do thầy thuốc khám bệnh cho mình có chỉ định cụ thể.
Lời khuyên của thầy thuốc
Muốn phòng bệnh loãng xương, tốt nhất là ăn uống đủ chất, nhất là các loại thức ăn giàu canxi, vitamin D như tôm, cua, ốc, uống sữa và các chế phẩm của sữa có chứa nhiều thành phần canxi, sinh tố D. Nên ăn thêm trái cây, rau, giá đỗ (chứa nhiều estrogen) vì chúng có khả năng làm thay đổi sự chuyển hóa của xương, giảm tốc độ mất xương và làm tăng khoáng chất cho xương. Kiêng rượu bia, thuốc lá thuốc lào, hạn chế uống cà phê. Những người đã bị loãng xương không nên làm các động tác mạnh, gấp gáp và tránh ngã, vấp. Cần tập thể dục nhẹ nhàng, đều đặn như đi bộ, tập hít thở, tập vận động các khớp xương, mỗi ngày nên tắm nắng khoảng 10 – 15 phút.
BS. Nguyễn Văn Việt
(Suckhoedoisong)