Lùi thi THPT quốc gia: Bộ Giáo dục tăng cường siết chặt chống gian lận thi
Logo

Lùi thi THPT quốc gia: Bộ Giáo dục tăng cường siết chặt chống gian lận thi

Lượt xem: 1.445 Ngày đăng: 05/03/2020

Rate this post

Dịch bệnh Covid-19 gây ra làm giáo dục bị tác động mạnh. Tuy nhiên, với tinh thần không lơ là, không chủ quan, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để không xảy ra gian lận, tiêu cực.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng – Bộ GD&ĐT đã khẳng định như vậy.

Điều chỉnh quy chế thi THPT quốc gia không ảnh hưởng tới học sinh

Ông Trinh cho biết, dịch bệnh do virus Covid-19 gây ra là hiện tượng bất thường, giáo dục bị tác động mạnh. Tuy nhiên, việc đặt sức khỏe, sự an toàn của HS, GV lên hàng đầu.

Căn cứ diễn biến của dịch bệnh, Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Theo đó, năm học 2019-2020 sẽ kết thúc vào ngày 30-6; Kỳ thi THPT quốc gia năm học 2019-2020 sẽ tổ chức vào các ngày 23, 24, 25, 26-7-2020.

Tuy nhiên, với tinh thần không lơ là, không chủ quan, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh các yếu tố kỹ thuật để  kỳ thi THPT quốc gia 2020 không xảy ra gian lận, tiêu cực, đảm bảo kỳ thi công bằng, khách quan. Đây là một trong những mục tiêu chính mà ngành giáo dục đào tạo cùng cả hệ thống chính trị hướng tới.

Ông Trinh cho hay, một số điều chỉnh cụ thể sẽ được quy định trong Quy chế thi sắp ban hành và sẽ có hướng dẫn chi tiết, cùng với việc tập huấn kỹ càng để đảm bảo mọi cán bộ tham gia kỳ thi đều phải nắm vững quy chế, quy trình, hiểu đúng, làm đúng nhiệm vụ được phân công.

“Các điều chỉnh này chỉ liên quan đến cán bộ, giáo viên làm thi, không ảnh hưởng gì đến thí sinh, do vậy các thí sinh yên tâm, tập trung học và ôn tập để đạt kết quả tốt nhất trong Kỳ thi tới” – ông Trinh nhấn mạnh.

Công an bảo vệ đề thi/bài thi 24/24h

Với dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia 2020, Bộ GD&ĐT sửa đổi, bổ sung quy định trong Điều 19 để tăng bảo mật an ninh kỳ thi. Cụ thể: khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.

Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày; có 01 cán bộ  của trường ĐH, CĐ làm nhiệm vụ tại Điểm thi (Phó Trưởng Điểm thi hoặc thư ký) trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại Điểm thi.

Riêng trong các ngày thi, thời gian trực tại phòng của cán bộ của trường ĐH, CĐ được tính kể từ thời điểm kết thúc công việc buổi thi cuối ngày thi trước đến thời điểm bắt đầu công việc buổi thi thứ nhất của ngày thi sau.

Lùi thi THPT quốc gia: Bộ Giáo dục tăng cường siết chặt chống gian lận thi - 1

Nhấn để phóng to ảnh

Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách.

Quy chế cũng sửa đổi việc chấm thi tại mỗi Hội đồng thi được thực hiện tại không quá 02 khu vực.

Khu vực chấm thi phải đảm bảo an ninh, an toàn có đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy, có công an bảo vệ 24 giờ/ngày; nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau;

Bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt, tùy theo thực tế triển khai tại đơn vị.

Đối với tổ giám sát thi, Thông tư sửa đổi, bổ sung mới gồm Tổ Giám sát, ít nhất 05 người (01 Tổ trưởng và ít nhất 04 thành viên): Tổ trưởng Tổ Giám sát là lãnh đạo phòng/ban của trường ĐH, CĐ; các thành viên Tổ Giám sát là viên chức của trường ĐH, CĐ và công chức sở GDĐT của tỉnh có bài thi được chấm.

Tổ Giám sát làm việc độc lập với các tổ chuyên môn khác. Tổ Giám sát có nhiệm vụ giám sát chặt chẽ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm, quy trình bảo quản bài thi tại Phòng chấm thi trắc nghiệm theo quy định.

Ngoài ra, cán bộ công an có trách nhiệm đảm bảo an ninh, an toàn khu vực chấm thi và nơi lưu trữ, bảo quản bài thi trắc nghiệm; ký niêm phong và chứng kiến mở niêm phong phòng chấm thi, phòng chứa bài thi, đĩa CD chứa dữ liệu.

Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách.

Trong Quy chế được sửa đổi, bổ sung là thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai theo tiến độ chấm thi môn đó và theo chỉ đạo của Trưởng ban Chấm thi.

Mỗi bài thi chấm kiểm tra được chấm bởi 01 cán bộ chấm kiểm tra theo quy trình chấm lần chấm thứ nhất quy định tại Điều 25 của Quy chế.

Trước khi bàn giao bài thi cho Ban Phúc khảo bài thi tự luận, Ban Thư ký Hội đồng thi tiến hành các việc sau đây:

Tra cứu để từ số báo danh, tìm ra số phách bài thi. Rút bài thi, đối chiếu với Phiếu thu bài thi để kiểm tra, đối chiếu số tờ giấy thi;

Tập hợp các bài thi của một môn thi vào một túi hoặc nhiều túi, ghi rõ số bài thi và số tờ của từng bài thi hiện có trong túi; dán kín số phách cũ trên bài thi và đánh phách mới. Cán bộ đánh phách phải được cách ly tuyệt đối từ khi thực hiện nhiệm vụ đánh phách đến khi hoàn thành việc chấm phúc khảo;

Bàn giao các túi bài thi đã được đánh phách mới cho Ban Phúc khảo bài thi tự luận. Việc giao nhận bài thi giữa Ban Thư ký Hội đồng thi và Ban Phúc khảo bài thi tự luận thực hiện theo đúng quy định tại Điều 25 Quy chế.

Trong khi tiến hành các công việc liên quan đến phúc khảo, phải có ít nhất từ hai thành viên của Ban Phúc khảo trở lên và có sự giám sát của cán bộ thanh tra. Tuyệt đối giữ bí mật về quan hệ giữa số báo danh và thông tin cá nhân của thí sinh với số phách.

Dự thảo lấy ý kiến góp ý đến ngày 10/3/2020.

 

Hồng Hạnh

(Dantri)

 

 

 

 

DMCA.com Protection Status