Mục lục
Chỉ số SPF và PA là gì trong kem chống nắng
SPF (Sun Protection Factor) đo khả năng chống tia UVB, SPF càng cao thì thời gian ở dưới nắng càng được lâu. Mỗi SPF bảo vệ da được khoảng 10 phút.
Để biết kem chống nắng hiệu quả trong bao lâu, bạn lấy chỉ số SPF nhân với 10 (Ví dụ SPF 20 = 20 x 10 = 200 phút = 3h20phút). Tuy nhiên không phải SPF càng cao càng tốt nha.
– PA (Protection Grade of UVA) đo khả năng chống tia UVA. Có 3 mức độ là PA+, PA++, PA+++ tương ứng với mức độ chống tia UVA yếu (4h), vừa (8h) và mạnh (12h).
Lựa chọn kem chống nắng
Trước đây chúng ta có thể nhận biết qua tên, kem chống nắng vật lý là Sunblock, Kem chống nắng hóa học là Sunscreen. Nhưng giờ thì có thêm nhiều tên gọi quá (sun cream, sun gel, sun milk, sun matte,…) nên chúng ta cần phải đọc thêm cả thành phần để nhận biết.
Kem chống nắng vật lý:
– Nguyên lý hoạt động: tạo lớp màng chắn bảo vệ giúp ngăn chặn, phát tán và phản xạ tia UV, khiến chúng không thể xuyên qua da được. Kem nằm trên bề mặt da như một lớp áo, một bức tường có khả năng phản xạ lại tia cực tím.
– Thành phần chính của kem chống nắng vật lí là Zinc oxide và Titanium dioxide.
Ưu điểm:
Rất lành cho da, ít gây kích ứng và bền vững dưới nắng.
Nhược điểm:
Vì tạo một lớp màng bảo vệ nên nó sẽ để lại trên mặt bạn một lớp trắng xoá như chú hề, để lâu gây cảm giác hơi bí và dễ gây bóng nhờn.
Hiện nay với công nghệ mỹ phẩm hiện đại, các loại kem chống nắng thế hệ mới có thành phần cấu tạo từ vi hạt đã phần nào cải thiện được yếu điểm trên, lớp kem chống nắng không còn trắng xóa mà chỉ còn lại một màng trắng mỏng. Với những ai có trang điểm thì có thể che đi bằng kem nền phấn phủ nên không đáng lo ngại. Nhưng bạn nào mà không trang điểm, da lại hơi ngăm thì kem chống nắng vật lý sẽ khiến mặt bạn có màu kỳ cục lắm đó.
Kem chống nắng hoá học:
– Nguyên lý hoạt động: hoạt động như một màng lọc hóa học, bằng cách hấp thu và thẩm thấu các tia UV, chúng sẽ tự xử lí và phân hủy, phóng thích tia UV trước khi các tia này có thể làm tổn hại đến da .
– Thành phần chính của nó là: avobenzone, oxybenzone, sulisobenzone… nhưng bạn chẳng cần nhớ đâu. Cách đơn giản nhất để nhận biết đó là nhìn xem trong thành phần có Zinc Oxide và Titanium Dioxide không, nếu có thì đó là kem chống nắng vật lý, không có thì là kem chống nắng hóa học.
Ưu điểm: thấm nhanh vào da, không làm da bạn bóng dầu và trắng xóa.
Nhược điểm: không bền vững dưới nắng nên sau 2h thì bạn nên bôi lại, và phải chờ 15-20 phút để kem ngấm vào da trước khi ra nắng.
Thoa kem chống nắng thế nào cho đúng?
– Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài khoảng 30 phút thì mới có tác dụng.
– Cứ 2-3 tiếng phải thoa lại kem chống nắng một lần kể cả khi dùng kem chống nắng có chỉ số SPF cao và khi đổ mồ hôi nhiều.
– Thoa đủ lượng kem để đạt được hiệu quả tối ưu. Lượng kem chống nắng được FDA khuyến cáo là 2mg/cm2.
– Bôi kem chống nắng kể cả những ngày trời nhiều mây hoặc có mưa.
Ngoài việc bôi kem chống nắng bạn hãy mặc quần áo dài che nắng, đội mũ rộng vành, dùng kính ngăn tia UV, mang khẩu trang vải tối màu và hạn chế ra ngoài vào giờ cao điểm của tia cực tím( 10h – 16h).
BS. Phan Thị Thùy
(Suckhoedoisong)