Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Nắng mưa thất thường, cảnh báo bệnh truyền nhiễm bùng phát khi hè về

Lượt xem: 1.385 Ngày đăng: 29/05/2020

Rate this post
Thời tiết nắng mưa thất thường là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển. Tại bệnh viện hiện đã lác đác ghi nhận một số ca sốt xuất huyết ở người lớn, còn trẻ nhỏ phổ biến là các bệnh lý về đường hô hấp, tiêu hóa…

Phòng muỗi đốt, tránh mắc sốt xuất huyết

Tuy năm nay không phải là chu kỳ hàng năm của dịch sốt xuất huyết (SXH) nhưng theo TS.BS Nguyễn Kim Thư – Trưởng khoa Vi rút – Ký sinh trùng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dịch này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, nếu cứ nóng ẩm mưa nhiều như những ngày qua sẽ là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Thông thường vào thời điểm điểm tháng 6, 7 hàng năm sẽ là đỉnh dịch của SXH.

TS.BS Nguyễn Kim Thư tư vấn phòng bệnh SXH.

Mới đây, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lác đác ghi nhận 2 trường hợp mắc SXH nhập viện đều là thanh niên trẻ tuổi. Bệnh nhân có các biểu hiện điển hình của SXH như sốt cao liên tục, mắt sung huyết, tiểu cầu giảm…

Do đó người dân cần hết sức cảnh giác, nếu trong mùa SXH mà có dấu hiệu sốt cao liên tục thì nên đến cơ sở y tế thăm khám và làm các xét nghiệm sàng lọc SXH để có hướng điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn biến nặng. Lưu ý, ở giai đoạn đầu bệnh nhân SXH chỉ có sốt mà ít các biểu hiện khác nên rất dễ bị nhầm sang sốt virus thông thường – TS. Thư khuyến cáo.

Điểm đáng chú ý nữa là, SXH có 4 tuyp khác nhau nên khi mắc bệnh rồi vẫn có thể bị lại. Trong quá trình điều trị, TS. Thư đã từng gặp trường hợp mắc SXH 2 lần trong 2 năm liên tiếp. Người bệnh chủ quan không nghĩ mình bị lại và khăng khăng không phải bị SXH, tuy nhiên kết quả xét nghiệm khẳng định rõ anh này bị SXH. Chính vì vậy, người dân cần cảnh giác vì SXH lần 2 thậm chí còn có thể nặng hơn cả lần 1.

Nói về nguy cơ “dịch chồng dịch” trong bối cảnh dịch COVID-19 như một số thông tin gần đây, TS. Thư cho rằng, đường lây truyền của COVID-19 và bệnh SXH là hoàn toàn khác nhau (đường hô hấp và đường muỗi đốt). Hiện nay, dịch COVID-19 ở nước ta đã được kiểm soát tốt, trong khi năm nay cũng không phải chu kỳ dịch SXH, nếu người dân có ý thức phòng tránh muỗi đốt thì không có khả năng “dịch chồng dịch”.

Một trường hợp điển hình của bệnh SXH với dấu hiệu xuất huyết dưới da ở cẳng chân.

Theo chuyên gia virus – ký sinh trùng, bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt, cắt đứt đường lây truyền của muỗi.

Các biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo là đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá…

Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Các bác sĩ cho biết, nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất vì đó là những dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm:
– Chảy máu: Các chấm hay đốm màu đỏ trên da. Chảy máu mũi, lợi. Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo.
– Nôn liên tục.
– Đau bụng dữ dội.
– Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật.
– Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm.
– Khó thở.

Chớ chủ quan với bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ

Tại BV Bạch Mai, thời gian gần đây gia tăng bệnh nhân mắc các bệnh lý về đường hô hấp như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, viêm mũi họng, viêm tai giữa và rải rác một vài ca SXH. Trung bình một ngày Khoa Nhi – BV Bạch Mai khám ngoại trú cho khoảng 200 bệnh nhi, chỉ trường hợp nặng mới cho nhập viện. Hiện tại, trung bình một ngày chỉ có 10 đến 15 cháu phải nhập viện và dự kiến số lượng bệnh nhân sẽ tăng nhiều trong thời gian tới.

ThS.BS Phạm Văn Hưng – Khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, vào mùa hè trẻ em dễ mắc các bệnh truyền nhiễm do sự thay đổi thời tiết, từ nóng sang lạnh như từ phòng điều hòa sang phòng thường hoặc trẻ em chơi ngoài trời thì sẽ dễ mắc các bệnh về hô hấp như viêm tai mũi họng hoặc nặng hơn sẽ là viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Bên cạnh đó là các bệnh lý về tiêu hóa do bảo quản thức ăn không tốt, có thể gây tiêu chảy do ngộ độc thức ăn. Hay các bệnh truyền nhiễm khác như các bệnh về chân tay miệng, SXH cũng rất hay gặp ở trẻ em trong giai đoạn này.

BS. Hưng thăm khám cho bệnh nhi.

BS. Hưng khuyến cáo, để phòng tránh những bệnh truyền nhiễm trong mùa hè, người dân nên tránh sự thay đổi đột ngột từ điều hòa ra ngoài môi trường. Nên để nhiệt độ điều hòa từ 26 đến 28 độ C, không nên để quá thấp. Trước khi ra ngoài nên tắt điều hòa từ 10 đến 15 phút, sau đó mới cho trẻ ra ngoài, bởi vì những sự thay đổi này làm tăng nguy cơ các bệnh cho đường hô hấp.

Vệ sinh cho trẻ thật sạch, chú ý tới việc chế biến thức ăn đảm bảo vệ sinh, đặc biệt là trong mùa COVID-19 thì phải rửa tay thường xuyên, và đeo khẩu trang. Với những trẻ khi có các biểu hiện bệnh lý như sốt, chảy nước mũi hoặc các bệnh lý về truyền nhiễm thì không nên cho trẻ đi học, hoặc tập trung những nơi đông người, hay chơi với các bạn khác vì dễ lây nhiễm.

Dương Hải

(Suckhoedoisong)

 

DMCA.com Protection Status