Phát hiện và điều trị sớm bệnh sỏi mật thường ảnh hưởng tới sức khỏe
Logo

Phát hiện và điều trị sớm bệnh sỏi mật

Lượt xem: 1.866 Ngày đăng: 08/03/2019

Rate this post
 Sỏi mật là hiện tượng hình thành sỏi trong túi mật hoặc các ống dẫn mật.

Là một bệnh lý thường gặp, liên quan đến chế độ ăn uống, sinh hoạt và vệ sinh của người bệnh. Bệnh sỏi mật nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người bệnh.

Nguyên nhân gây sỏi mật

Có nhiều nguyên nhân gây nên sỏi mật, đó là viêm nhiễm đường dẫn mật mạn tính, ứ đọng mật. Mật bao gồm một số thành phần chính, đó là muối mật, bilirubin và cholesterol. Các nghiên cứu cho thấy rằng sỏi mật sẽ được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa các thành phần này. Chất cholesterol được giữ giới hạn chỉ số bình thường là do nó hòa tan được trong muối mật. Chừng nào có sự gia tăng số lượng cholesterol làm mất khả năng hòa tan đó sẽ dẫn tới hình thành sỏi mật (sỏi cholesterol). Ngược lại, số lượng cholesterol bình thường nhưng số lượng muối mật bị suy giảm vì một lý do nào đó (viêm nhiễm đường mật…) cũng làm cho sự hòa tan của cholesterol ảnh hưởng, lúc đó xuất hiện sự hình thành sỏi mật.

phat-hien-va-dieu-tri-som-benh-soi-mat-1

Hình ảnh sỏi mật.

Ngoài ra, có khá nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy hình thành sỏi mật như: do tuổi tác (tuổi càng cao khả năng hình thành sỏi mật càng dễ) hoặc do ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cholesterol cao (lòng đỏ trứng, tôm, thịt đỏ…), mỡ động vật (mỡ, lòng, da gà, vịt…), do sinh đẻ nhiều (phụ nữ), béo phì hoặc do dùng nhiều dược phẩm điều trị chứng tăng mỡ máu (clofibrate)… hoặc do táo bón kéo dài (gặp nhiều ở người cao tuổi do ngại uống nước, ít ăn rau, ít vận động cơ thể…). Theo nghiên cứu, sỏi túi mật là rất phổ biến ở phương Tây. Tỉ lệ dân số có sỏi túi mật tăng lên theo tuổi. Tại Việt Nam, hiện nay, với việc áp dụng phổ biến siêu âm bụng vào chẩn đoán, tỉ lệ sỏi túi mật đơn thuần được phát hiện chiếm 58-71% sỏi đường mật nói chung. Táo bón kéo dài sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng đường ruột phát triển và chúng đi ngược lên tá tràng vào đường dẫn mật gây viêm nhiễm, lắng đọng muối mật, cholesterol hình thành sỏi mật. Với ký sinh trùng, giun chui ống mật là một nguyên nhân đáng kể hình thành sỏi mật.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh điển hình sẽ có đau bụng đột ngột, dữ dội xuất hiện. Vị trí đau là vùng hạ sườn phải hoặc thượng vị lệch sang phải, lan lên vai phải hoặc lan ra sau lưng, đôi khi đau bụng lăn lộn, nhiều trường hợp đau bụng làm người bệnh không dám thở mạnh.

Trong trường hợp không điển hình, đau chỉ âm ỉ hoặc tức nặng ở hạ sườn phải hoặc vùng thượng vị lệch phải và lan lên ngực rất dễ nhầm với bệnh dạ dày, tụy tạng, gan. Trong trường hợp có nhiễm trùng đường mật sẽ xuất hiện sốt cao, có thể có rét run, tuy vậy, đôi khi chỉ sốt nhẹ, sốt thường đi kèm với đau bụng, có khi sốt kéo dài, nhất là ở người tuổi cao, sức yếu do phản xạ đã kém.

Khi bị tắc đường mật trong hoặc ngoài gan sẽ có vàng da, niêm mạc (lưỡi, mắt, lòng bàn tay, bàn chân…). Vàng da có thể nhẹ (tắc ít) hoặc vàng đậm do tắc mật nặng tùy theo mức độ mật bị tắc ít hay nhiều. Thông thường ba triệu chứng này (đau bụng, sốt, vàng da) xảy ra tuần tự.

Để chẩn đoán bệnh, ngoài ba triệu chứng điển hình, cần xét nghiệm công thức máu (bạch cầu tăng cao), xét nghiệm sinh hóa gan mật (bilirubin tăng cao), xét nghiệm nước tiểu. Bên cạnh đó, cần siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Riêng sỏi túi mật, siêu âm là phương pháp rất có giá trị trong chẩn đoán, đồng thời rẻ tiền và nhanh chóng có kết quả.

Khi nào cần điều trị sỏi túi mật?

Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10mm, sỏi lớn hơn 25mm…

Sỏi mật gây biến chứng gì?

Người cao tuổi khi bị sỏi mật có thể gây biến chứng. Biến chứng đáng lo ngại nhất là viêm đường dẫn mật, trong đó viêm túi mật cấp hoặc vỡ túi mật do sỏi là nguy hiểm hơn cả, bởi vì, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời có thể thấm mật phúc mạc gây viêm phúc mạc – mật rất nguy hiểm đến tính mạng (sốc nhiễm trùng). Sỏi đường dẫn mật có thể gây thủng; sỏi, dịch mật vào tụy tạng, ruột non diễn biến rất phức tạp và nguy kịch.

Phòng bệnh như thế nào?

Để phòng bệnh, cần ăn uống hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Không ăn rau sống, không uống nước chưa đun sôi, không ăn các loại thực phẩm chưa nấu chín (tiết canh, nem chạo, nem chua…). Nên rửa tay sạch trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, rửa dưới vòi nước (áp dụng cho cả trẻ em và người lớn). Nên tẩy giun định kỳ 6 tháng một lần. Khi đã xác định mắc bệnh sỏi mật, người cao tuổi cần điều trị tích cực theo đơn thuốc của bác sĩ, không tự động bỏ thuốc hay thay thuốc, không được tự mua thuốc để điều trị và cần tái khám theo lời dặn của bác sĩ.

Khi nghi ngờ bị sỏi mật, cần đi khám bệnh để được xác định, các kết quả thu được, bác sĩ sẽ có hướng chẩn đoán và điều trị. Điều trị sỏi mật trước tiên là điều trị nội khoa (dùng thuốc), nhất là khi có viêm nhiễm đường mật kèm theo, đặc biệt với người cao tuổi, sức khỏe yếu.

Nếu điều trị nội khoa không khỏi, có thể phải hội chẩn để điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) nhằm hạn chế biến chứng. Ngày nay, mổ lấy sỏi mật bằng phương pháp nội soi thường được người bệnh lựa chọn bởi có nhiều ưu điểm. Sỏi mật sẽ được hình thành khi có sự mất cân bằng giữa muối mật, bilirubin và cholesterol.

 

BS. Nguyễn Văn Bắc

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status