Phương thức hay chữa trào ngược dạ dày - thực quản
Logo

Phương thức hay chữa trào ngược dạ dày – thực quản

Lượt xem: 1.815 Ngày đăng: 20/05/2019

Rate this post

Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng viêm loét thực quản do dịch dạ dày trào ngược lên thực quản diễn ra thường xuyên hay từng lúc.

Mức độ viêm thực quản phụ thuộc vào thời gian và tần suất tiếp xúc giữa các chất trào ngược với niêm mạc thực quản. Bệnh có nguy cơ gây ra những biến chứng nặng nề như loét, hẹp, chảy máu thực quản, thậm chí dẫn đến ung thư.

Trong Đông y, bệnh lý này thuộc phạm vi các chứng bệnh như “Ế cách”, “Hung thống”, “Thổ toan”… do nhiều nguyên nhân gây nên như rối loạn tình chí, ẩm thực bất điều, lao lực quá độ, cảm thụ ngoại tà… với cơ chế chủ yếu là do vị khí thượng nghịch, thăng giáng thất thường mà phát sinh ra các chứng trạng như ợ hơi, ợ chua, đau tức sau xương ức, viêm rát họng, nôn và buồn nôn.Về mặt trị liệu, Đông y có thể sử dụng các biện pháp như sau:

Dùng thuốc: Thường lựa chọn theo 3 phương thức: biện chứng luận trị (căn cứ theo thể bệnh mà lựa chọn bài thuốc), biện bệnh luận trị (xây dựng một bài thuốc dùng cho mọi thể bệnh) và sử dụng kinh nghiệm dân gian (đơn phương nghiệm phương). Cụ thể:

Biện chứng luận trị: Thông qua Tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết) mà quy vào các thể bệnh và mỗi thể bệnh có phương pháp và bài thuốc phù hợp. Ví như với thể Can vị bất hòa phải sơ can hòa khí giáng nghịch, trọng dùng bài Tứ nghịch tán hợp Tiểu bán hạ thang gia giảm; với thể Can vị uất nhiệt phải sơ can tả nhiệt hòa vị, trọng dùng bài Đan chi tiêu dao tán gia giảm; với thể Đàm khí giao trở phải lý khí hóa đàm hòa sướng cách, trọng dùng bài Khải cách tán gia giảm; với thể Tỳ vị hư nhược phải kiện tỳ ích khí giáng nghịch, trọng dùng bài Hương sa lục quân tử thang gia giảm; với thể Khí hư huyết ứ phải ích khí kiện tỳ, hoạt huyết hóa ứ, trọng dùng bài Tứ quân tử thang hợp Đan sâm ẩm gia giảm.

phuong-thuc-hay-chua-trao-nguoc-da-day-thuc-quan-1Trào ngược dạ dày thực quản có các triệu chứng như: ợ hơi, ợ chua, đau tức sau xương ức, buồn nôn…

Biện bệnh luận trị: Thông qua cơ chế bệnh sinh và các chứng trạng cơ bản mà lựa chọn một bài thuốc có thể dùng cho tất cả các thể bệnh dưới các dạng thuốc khác nhau như thuốc thang sắc hay các đông dược thành phẩm (cao, đơn, hoàn, tán, viên nang, viên nén, trà tan, siro, thuốc nước đóng ống…). Có thể nói, hình thức này hiện nay đang rất phát triển, nhất là các đông dược thành phẩm được bào chế dưới dạng tân dược bởi tính phổ thông, dễ dùng, tiện bảo quản và vận chuyển. Tuy nhiên, tính “biện chứng” của chúng cũng là một vấn đề cần được xem xét và nghiên cứu.

Đơn phương nghiệm phương: Đây là một kho tàng hết sức phong phú, khó có thể kể hết với đặc diểm chung là đơn giản, dễ kiếm, dễ chế, tiện dùng và có hiệu quả ở các mức độ khác nhau. Có thể dùng 1 trong số các bài thuốc sau:

Bài 1:  Cây ngũ sắc 14g, xương bồ 16g, hoàng kỳ 16g; tía tô, bạch truật, sinh khương, trần bì, hoài sơn mỗi vị 8g; chỉ xác 6g, lá lốt 6g, biển đậu 6g, lá đắng 12g, đương quy 10g, sâm đại hành 10g, sắc uống 2 ngày/thang sau khi ăn.

Bài 2: khôi tía 16g; cỏ lào, loét mồm, tam thất nam mỗi vị 12g; khương hoàng 10g, cam thảo 10g, sắc uống 2 ngày/thang, mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn sáng và trước khi đi ngủ 30 phút.

Bài 3: hắc táo nhân 16g, phòng sâm 16g, bạc truật 12g, bán hạ chế 12g, viễn chi 10g, hoài sơn 10g, liên nhục 10g, ngưu tất 8g, chỉ xác 8g, trần bì 6g, cam thảo 4g. Tất cả đem sắc cùng với 1 lít nước, sắc cô cho đến khi còn một nửa là được, chia uống 3 lần trong ngày sau bữa ăn.

Bài 4: phòng sâm, cây ngũ sắc (sao vàng hạ thổ), bạch truật, hoài sơn, liên nhục, ngũ gia bì mỗi vị 16g, tía tô 20g, bán hạ 10g, cam thảo 10g, chỉ xác 8g, sinh khương 4g, bạch linh 12g, lá đinh lăng (sao thơm) 12g. Sắc uống 2 ngày 1 thang, uống mỗi ngày 2 lần.

Bài 5: viễn chí, cam thảo, trần bì mỗi vị 12g; ngưu tất, hắc táo nhân, cát căn, hoài sơn, liên nhục mỗi vị 16g; chỉ xác 10g và bán hạ chế 10g. Sắc uống 2 ngày/thang, mỗi ngày uống 2 lần ngay khi còn ấm và uống trước bữa ăn.

Không dùng thuốc: Bao gồm nhiều biện pháp như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt, tập luyện khí công dưỡng sinh, yoga, thiền, cân ma đạt kinh, thái cực quyền… Riêng châm cứu cũng rất nhiều phương thức như thể châm, điện châm, thủy châm, nhĩ châm, cấy chỉ cát gút, laser châm, từ châm… Ngoài ra, có thể chọn dùng các món dược thiện có công dụng bồi bổ tỳ vị, lý khí giáng nghịch hỗ trợ trị liệu trào ngược dạ dày thực quản rất dễ được cơ thể chấp nhận. Để trị liệu đạt hiệu quả cao và bền vững, Đông y thường phối hợp cả 2 biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc theo quan điểm chỉnh thể và toàn diện.

 

ThS.BS. Hoàng Khánh Toàn

(Suckhoedoisong)

 

DMCA.com Protection Status