Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Rụng tóc ở bệnh nhân ung thư

Lượt xem: 497 Ngày đăng: 30/03/2023

Rate this post

Một trong những tác dụng phụ hay gặp của điều trị hóa chất là có thể gây rụng tóc một phần hoặc toàn bộ đối với bệnh nhân ung thư. Hóa trị là phương pháp điều trị hiệu quả và ứng dụng rộng rãi, tuy nhiên rụng tóc vẫn là gánh nặng tâm lý của người bệnh ung thư, nó làm giảm tính lạc quan tích cực, nỗi lo lắng của người bệnh ung thư.

 

Nguyên nhân của rụng tóc là thuốc hóa trị làm tổn thương nang tóc. Rụng tóc do hóa trị liệu nhận thấy rõ ở đầu, bộc lộ rõ nhất ở những vùng có mật độ tóc thấp, đặc biệt là vùng đỉnh và trán của da đầu. Rụng tóc có thể lan tỏa toàn bộ hoặc rụng tóc khu trú từng mảng. Mức độ rụng tóc thay đổi tùy theo loại thuốc và cơ thể của mỗi người. Có người bệnh sẽ ít bị rụng tóc hơn người khác. Rụng tóc thường xảy ra từ từ, có thể rụng toàn bộ hoặc từng mảng. Ngoài tóc bị rụng, thuốc còn gây tình trạng dễ bị gãy hơn. Có thể rụng lông mày và lông mi, lông tay chân, cũng như lông nách và lông mu, tuy nhiên, tóc ở những khu vực này phục hồi thường nhanh hơn so với tóc trên da đầu. Thời gian rụng tóc phụ thuộc vào loại thuốc điều trị toàn thân, liều lượng và liệu trình.

Xạ trị vùng đầu cũng thường gây rụng tóc. Đôi khi, tùy thuộc vào liều lượng bức xạ vào đầu, tóc có thể không mọc lại như trước.

 

Đối với hầu hết các phác đồ điều trị, rụng tóc thường bắt đầu sau khoảng 2-3 tuần điều trị và có thể kéo dài và trở nên rụng nhiều hơn sau 1 đến 2 tháng sau điều trị. Các nang tóc tiếp tục hoạt động bình thường trong vòng một vài tuần sau khi ngừng điều trị, và tóc mọc lại có thể nhận thấy thấy rõ ràng trong vòng 3-6 tháng. Do vậy, khi rụng tóc bệnh nhân phải bình tĩnh, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ. Hãy chia sẻ những lo lắng của mình với bác sĩ điều trị hoặc nhân viên y tế.

 

Làm gì khi bị khi có biểu hiện rụng tóc

Trong trường hợp tóc của bạn trở nên rất mỏng hoặc rụng hoàn toàn trong quá trình điều trị, hãy nhớ bảo vệ da đầu khỏi nóng, lạnh và ánh nắng mặt trời. Sử dụng kem chống nắng phổ rộng và đội mũ. Khi thời tiết lạnh, hãy đội mũ hoặc quàng khăn để che và giữ ấm. Da đầu của bạn có thể ngứa hoặc nhạy cảm. Hãy nhẹ nhàng khi chải và gội đầu.

Có thể giảm bớt phần nào tình trạng rụng tóc bằng cách tránh chải hoặc tạo các kiểu tóc như thắt bím tóc hoặc buộc tóc , thói quen buộc tóc làm cho nang tóc hư tổn, giảm khả năng mọc tóc trở lại.

Không nên sấy khô sau khi gội đầu, hãy dùng chế độ nhiệt độ thường hoặc khăn lau nhẹ, vì nhiệt độ cao không chỉ khiến thân tóc bị tổn thương, mất nước mà còn có thể gây tổn hại nang tóc và da dầu, khiến tóc yếu và rụng nhiều hơn.

Nên mang mũ chùm tóc vào ban đêm khi ngủ để giữ cho tóc không bị xô lệch nhiều. Không nên chọn những sản phẩm dầu gội có thành phần tẩy rửa quá mạnh, tẩy đi cả lớp dầu bảo vệ tự nhiên cho tóc và da đầu.

Chăm sóc khi tóc mọc lại

Gội đầu không nhiều hơn 2 lần/tuần. Nhẹ nhàng xoa da đầu để loại bỏ gàu.

Nhẹ nhàng khi làm tóc. Không dùng máy sấy tóc nhiều và chải mạnh.

Tránh dùng hóa chất hoặc thuốc nhuộm tóc cho tới khi nó mọc lại hoàn toàn.

Khi tóc bắt đầu mọc trở lại thường dễ gãy, bạn nên ưu tiện lựa chọn tóc ngắn kiểu đơn giản; không nên sử dụng sản phẩm kích thích mọc tóc vào da đầu ở thời điểm này.

Tóc mới mọc lại có thể xoăn hơn hoặc thẳng hơn, dày hơn hoặc mịn hơn, nhưng sự thay đổi này chỉ trong thời gian ngắn, sau một thời gian tóc sẽ trở lại như trước khi điều trị.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, uống nhiều nước, bổ sung các loại vitamin có trong rau củ quả tươi…

Trường Cao đẳng Y

DMCA.com Protection Status