Thực hư tác dụng của viên uống chống nắng này mang lại hiệu quả?
Logo

Thực hư tác dụng của viên uống chống nắng

Lượt xem: 1.794 Ngày đăng: 18/04/2019

Rate this post
Mùa hè sắp đến, cũng là lúc các biện pháp chống nắng, bảo vệ làn da được nhiều người quan tâm.

Theo đó, những viên chống nắng dạng uống cũng được quảng cáo rầm rộ. Vậy có đúng loại viên uống chống nắng này mang lại hiệu quả như lời quảng cáo?

Quảng cáo với nhiều ưu việt

Viên uống chống nắng được quảng cáo là chỉ cần uống trước khi ra nắng 30 – 60 phút sẽ có tác dụng chống nắng hữu hiệu, đặc biệt thích hợp với những vận động viên và người chơi thể thao phải hoạt động ngoài nắng và ra mồ hôi nhiều; các diễn viên, người mẫu phải chụp ảnh ngoài trời gặp khó khăn khi trang điểm với kem chống nắng…

Cũng theo lời quảng cáo, khi uống viên chống nắng, làn da sẽ được tăng cường khả năng chịu nắng và hạn chế được tình trạng cháy nắng, bỏng nắng. Các nhược điểm của kem chống nắng như: Phải bôi lặp lại sau mỗi 2 – 3 giờ; không bảo vệ được toàn bộ cơ thể; có khả năng gây tác dụng phụ như viêm da tiếp xúc dị ứng, làm phát sinh hay nặng hơn mụn trứng cá; gây cảm giác khó chịu trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, có nhiều mồ hôi… Còn với viên uống chống nắng, sẽ được khắc phục được các nhược điểm trên.

Qua những lời giới thiệu “có cánh” như trên, nhiều người tin rằng uống viên chống nắng là cách chống nắng toàn diện và đơn giản hơn nhiều so với việc phải đội mũ, mang kính râm, mặc quần áo bảo hộ và bôi kem chống nắng. Và vì thế, trên thị trường cũng như trên các trang mạng xã hội, đang “sốt” với loại viên uống chống nắng này.

Viên uống chống nắng là gì?

Viên uống chống nắng không phải là thuốc điều trị, có thành phần chính là polypodium leucotomos, một chiết xuất của cây dương xỉ vùng Trung Mỹ. Các nghiên cứu đã chứng tỏ rằng chiết xuất dương xỉ làm tăng thời gian chịu đựng chống bỏng của da khi tiếp xúc với tia cực tím (UV). Ngoài ra, polypodium leucotomos có thể làm giảm độ nhạy cảm với ánh nắng mặt trời ở những người bị phát ban ngứa khi da tiếp xúc với ánh nắng. Các chất chống ôxy hóa khác có trong viên uống chống nắng như chiết xuất trà xanh, lựu đỏ, nghệ, lô hội, cacao; tổ hợp carotenoid, vitamin A, B2, D, C, E và các khoáng chất selenium, canxi, kẽm, vừa có tác dụng chống nắng và giúp nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.

Các loại viên uống có polypodium leucotomos không thể xếp hạng yếu tố bảo vệ chống nắng (SPF) vì sản phẩm không được dùng ngoài da. Các nghiên cứu so sánh mức độ bảo vệ da của viên uống với kem chống nắng truyền thống cho thấy thuốc chiết xuất dương xỉ tương đương với mức SPF từ 3 đến 5. Đây là mức độ bảo vệ thấp hơn đáng kể so với khuyến nghị của Viện Hàn lâm Da liễu Hoa Kỳ (AAD) về việc sử dụng kem chống nắng có SPF từ 30 trở lên.

Ý kiến của các nhà khoa học

Nhằm mục đích giữ an toàn cho người tiêu dùng đối với tác hại của ánh nắng mặt trời cũng như đảm bảo sự an toàn và lợi ích lâu dài khi sử dụng kem chống nắng, BS. Scott Gottlieb, Ủy viên của FDA, đã nêu quan điểm của FDA chính thức phủ nhận khả năng thay thế kem chống nắng của các loại viên uống chống nắng đang lưu hành trên thị trường.

thuc-hu-tac-dung-cua-vien-uong-chong-nang-1

Viên uống chống nắng không có tác dụng bảo vệ da như quảng cáo.

Các sản phẩm tiếp thị có tên Advanced Skin Brightening Formula, Sunsafe Rx, Solaricarevà Sunergetic có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe bằng cách cung cấp cho người tiêu dùng cảm giác an toàn sai lầm rằng sự bổ sung chế độ ăn, uống bằng thực phẩm chức năng có thể ngăn ngừa cháy nắng, giảm lão hóa da sớm do ánh nắng mặt trời hoặc bảo vệ khỏi các nguy cơ ung thư da. FDA xác định hiện không có viên uống chống nắng nào có thể thay thế kem chống nắng.

BS. W. Lim, Trưởng khoa Da liễu Bệnh viện Henry Ford ở Detroit khuyến cáo nên thận trọng với loại thuốc kết hợp nhiều chất chống oxy hóa. Mỗi chiết xuất riêng lẻ có thể có tác dụng chuyên biệt nhưng không có nghiên cứu nào chứng tỏ hiệu quả của chúng khi kết hợp nhiều chất trong một viên thuốc. Các chiết xuất sẽ phải giảm nồng độ để được kết hợp có thể sẽ làm cho hiệu quả của mỗi thành phần kém đi.

Như vậy, cần phải được nghiên cứu thêm để biết cách sử dụng tối ưu các loại viên uống này và sự an toàn lâu dài của chúng. Việc hạn chế ra nắng, tìm kiếm bóng râm, đeo kính mát, mặc quần áo bảo hộ và bôi kem chống nắng phổ rộng, chống nước với chỉ số SPF > 30 vẫn là phương pháp chống nắng đáng tin cậy nhất.

 

BS. Lê Đức Thọ

(Suckheodoisong)

DMCA.com Protection Status