Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Thuốc khử hàn (ôn lý, trừ hàn)

Lượt xem: 2.167 Ngày đăng: 22/04/2024

5/5 - (3 bình chọn)
  1. Khái niệm và phân loại:

Thuốc khử hàn là thuốc có tác dụng ôn trung (làm ấm bên trong), thông kinh, hoạt lạc, thông mạch, giảm đau, hồi dương cứu nghịch. Thường dùng thuốc khử hàn trong các trường hợp chân dương hư (tâm thận dương hư), chân tay lạnh, thân hạ nhiệt, sống phân, sôi bụng, di tinh hoặc hàn tà nhập lý, nhập vào tạng phủ (bệnh trúng hàn) gây ra đau bụng dữ dội, quặn quại, nôn, đại tiện lỏng, người rét run, chân tay co quắp, mạch muốn tuyệt…

Do tính chất và tác dụng của thuốc, có thể chia thuốc khử hàn ra làm 2 loại: loại ôn trung và loại hồi dương cứu nghịch. Loại thứ hai ngoài tác dụng làm ấm cơ thể, còn có tác dụng lấy lại phần dương khí của cơ thể đã bị suy thoát (thoát dương). Tùy từng trường hợp cụ thể khi dùng thuốc khử hàn, có thể tiến hành phối ngũ cho thích hợp. Ví dụ: khi có hàn ngưng khí trệ thì phối hợp với thuốc hành khí; khi hàn thấp, phối hợp với thuốc hóa thấp, lợi thấp; tỳ vị hư nhược phối hợp với thuốc kiện tỳ. Do bản chất của thuốc có vị cay nóng, kích thích; do đó không nên dùng loại thuốc này cho các cơ thể can dương cường thịnh, âm hư hỏa vượng; phụ nữ có thai dùng phải thận trọng hoặc không dùng (một số ví dụ cụ thể).

2. Các nhóm thuốc khử hàn.

2.1. Thuốc ôn trung.

Thuốc có tác dụng làm ấm cơ thể khi nội hàn quá thịnh; tác dụng giảm đau, kiện tỳ, hành khí tiêu ứ tích. Do có hương vị cay thơm lại có tính ấm nên nhiều vị thuốc còn được dùng làm gia vị để kích thích tiêu hóa như thảo quả, đại hồi…

2.1.1. Thảo quả.  (Fructucs Amomi aromatici) Dùng quả chín phơi khô của cây thảo quả amomum aromaticum Roxb. Họ Gừng Zingiberaceae.

Tính vị: vị cay, tính nhiệt

Quy kinh: vào hai kinh tỳ, vị

                            Hình ảnh cây và vị thuốc Thảo quả

          Công năng chủ trị

– Làm ấm bên trong, giảm đau (ôn trung, chỉ thống); dùng đối với các trường hợp do hàn thấp tích lại, dẫn đến trướng đầy, đau bụng; có thể phối hợp với hoắc hương, hậu phác, thành bì, bán hạ.

– Kiện tỳ vị, tiêu thực, dùng trong bệnh tỳ vị hư nhược, ăn uống không tiêu, đau bụng đi tả, hay bị nôn lợm; do tính chất của thuốc có tác dụng kích thích tăng tiết dịch tiêu hóa, kích thích ăn ngon miệng.

– Trừ ác nghịch; dùng trị sốt rét. Thường dùng với bệnh sốt rét rét nhiều, sốt ít; hoặc chỉ rét mà không sốt, khi dùng có thể phối hợp với binh lang, thường sơn..

Liều dùng: 2-8g

Kiêng kỵ: những người không có hàn thấp thực tà không nên dùng

Chú ý: thảo quả còn được làm gia vị để kích thích tiêu hóa

2.1.2. Cao lương khương (Củ riềng)

Rhizona Alpiniae officinari

Là thân rễ của cây Riềng Alpinia officinarum Hance. Họ Gừng Zigiberaceae

Tính Vị: vị cay, tính nhiệt

Quy kinh: vào 2 kinh tỳ, vi

                Hình ảnh cây Riềng và vị thuốc Cao lương khương

          Công năng chủ trị

– Ôn trung chỉ thấu, dùng trong các bệnh đau bụng do lạnh, bụng đầy trướng, nôn, ỉa chảy, tiêu hóa bất chấn, phối hợp với hương phụ (bài khương phụ hoàn) hoặc phối hợp hoắc hương, đại hồi, quế nhục.

– Giải độc, giải nhiệt, dùng trong các trường hợp sốt do hàn, hoặc sót rét, cao lương khương, can khương bằng lượng 40g. Cao lương khương trích dầu vừng. Nghiền mịn các vị thuốc rồi hòa với mật lợn, làm viên ngày uống 15-20 viên.

          Liều dùng: 4-8g

Kiêng kỵ: những âm hư hỏa vượng, táo bón không nên dùng

2.1.3. Đinh hương (Flos syzygii aromatici)

Nụ hoa phơi khô của cây Đinh hương Syzygium aromaticum (L) Merill et L. M. perry; Syn. Eugenia caryphyllus (C.spreng) Bull. et Harr. Họ Sim  Myrtaceae

Tính vị: vị cay,tính ấm

Quy kinh: vào 4 kinh phế, tỳ, vị, thận

Công năng chủ trị

– Ôn trung giáng nghịch, kiện vị chỉ nôn; dùng khi đau bụng do hàn, sôi bụng, ỉa chảy; phối hợp thị đế, can khương. Phối hợp với các vị thuốc hóa thấp khác để chữa viêm đại tràng.

– Giảm đau: dùng trong các bệnh đau răng đau lợi; phối hợp bạch chỉ, thế tân, bạc hà. Cũng có thể chỉ ngậm riêng đinh hương để giảm đau răng

Liều dùng: 2-6g

          Chú ý:

– Tác dụng dược lý: vị thuốc có tác dụng làm sung huyết dạ dày, tăng phân tiết dịch tiêu hóa, tăng nhu động vị tràng.

– Hiện nay đinh hương còn phải nhập, tuy nhiên trước đây ở Việt Nam có di thực cây đinh hương trồng lên tốt.

2.1.4. Can khương (Gừng khô)

Thân rễ phơi khô của cây gừng Zingiber officinale Ross. Họ Gừng Zingiberaceae.

Khi dùng cần thái phiến dày 1-1,5mm và tùy theo các trường hợp có thể chế biến khác nhau.

Tính vị: vị cay, tính ấm

          Quy kinh: tâm, phế, tỳ, vị

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh cây gừng và vị thuốc Can khương

          Công năng chủ trị

– Ôn trung hồi dương, dùng khi tỳ vị hư nhược, chân tay quyết lạnh, phối hợp với phụ tử chế, cam thảo (phương tứ nghịch).

– Ôn trung chỉ tả, dùng khi hàn gây tiết tà bụng sôi, phân nát lỏng, phối hợp với cao lương khương đồng lượng, nghiền bột hoặc làm viên (phương Nhị khương).

– Ấm vị chỉ nôn, dùng khi hàn tà phạm vị gây nôn ra nước dãi, phối hợp với bán hạ chế (phương bán hạ can khương tán); cũng có thể phối hợp với bán hạ, nhân sâm (Can khương nhân sâm bán hạ hoàn) để trị chứng nôn lợm do lạnh.

– Ấm kinh chỉ huyết, dùng cho các trường hợp xuất huyết (thổ huyết, băng huyết, tiện huyết) do tính hư hàn. Trường hợp này can khương phải sao tồn tính (sao đen)  mỗi lần uống 2-4g. Trường hợp phụ nữ băng huyết có thể thêm tông lư thán, ô mai thán.

– Ôn phế chỉ khái, dùng khi hàn ẩm phạm phế, gây ho, khí, suyễn. Phối hợp với hoàng cầm, phục linh, cam thảo, ngũ vị tử, tế tân (cầm cam ngũ vị khương tân khang)

Liều dùng: 2-6g

Kiêng kỵ: âm hư có nhiệt không dùng. Phụ nữ có thai dùng thận trọng

Chú ý: can khương thiên về ôn tỳ dương, chỉ nôn chỉ tả.

2.1.5. Xuyên tiêu: Fructus Zanthoxyli

Là quả chín phơi khô của cây xuyên tiêu Zanthoxylum nitidum DC. Họ Cam Rutaceae. Khi dùng cần sao qua.

Tính vị: vị cay, tính ấm, hơi có độc

          Quy kinh: phế, vị, thận

Hình ảnh cây Xuyên tiêu và vị thuốc

          Công năng chủ trị

– Ôn trung chỉ thống: dùng khi bụng ngực đau lạnh, đau bụng lỵ. Phối hợp với đẳng sâm, can khương. phương này có thể dùng trị nôn khan, có thể phối hợp với phụ tử chế 12g, can khương, xuyên tiêu đều 6g để chữa đau bụng ỉa chảy (phương này không dùng cho trẻ em).

– Khử trùng tiêu tích. Dùng khi đau bụng do giun. Nếu có giun đũa đau bụng nôn nhiều thì phối hợp với hoàng liên, hoàng cầm, cam khương, ô mai, đảng sâm, chỉ thực, bán hạ.

Liều dùng: 4-8g

Dùng ngoài có thể tới 16g (cùng với hoàng liên ngâm rượu để trị ngứa)

Kiêng kỵ: không dùng xuyên tiêu trong trường hợp bị chứng âm hư hỏa vượng

Chú ý:

– Quả xuyên tiêu khô dùng để bảo quản tắc kè khô để tránh sâu mọt phá hủy. Cách làm: cứ một lớp tắc kè lại rắc một ít quả xuyên tiêu.

– Hạt quả xuyên tiêu vị đắng, tính hàn có tác dụng lợi niệu, tiêu phù, dùng khi tiểu tiện bí dắt.

2.2. Thuốc hồi dương cứu nghịch.

Thưốc có tác dụng lấy lại phần dương khi chân dương suy giảm, hoặc khi thoát dương do hàn tà nhập lý. Hoặc khi tạng phủ hư hàn như tâm dương hư, thận dương hư gây ra cơ thể lạnh, chân tay lạnh, lưng đau, sôi bụng, tiết tả.

2.1.1. Phụ tử chế . Radix Aconiti lateralis praeparata

Từ sinh phụ tử, sau khi chế biến bắng nhiều phương pháp khác sẽ thu được phụ tử chế với các tên khác nhau như hắc phụ, bạch phụ, diêm phụ, dưới một tên chung cho các vị thuốc này là phụ tử chế. Phụ tử chế là sản phẩm làm thuốc được chế từ những củ nhánh của cây Ô đầu Aconitum carmichaeli Debx. Họ Hoàng liên Ranunculaceae.

Tính vị: vị cay, ngọt; tính đại nhiệt, có độc

Quy kinh: qua ba kinh tâm, thận, tỳ

                       Hình ảnh cây Ô đầu và vị thuốc Phụ tử chế.

          Công năng chủ trị

– Hồi dương cứu nghịch, dùng trong trường hợp tâm thận dương hư; mồ hôi tự vã ra, nôn nhiều, người lạnh toát, chân tay co quắp, mạch nhỏ muốn tuyệt; phối hợp với can khương, cam thảo (tứ nghịch thang) có thể dùng phương thuốc trên thêm nhân sâm (tứ nghịch gia nhân sâm)

– Khứ hàn, giảm đau: dùng trong chứng phong hàn, thấp, tý, đau nhức xương khớp, chân tay đau nhức, lạnh có thể phối hợp quế chi, can khương.

– Ấm thận hành thủy: dùng với bệnh viêm thận mãn tính hoặc chức năng thận kém, dương khí không đủ, lưng gối đau lạnh, nhất là những người già cả chức năng thận kém, chân tay phù nề, dùng phụ tử gia quế nhục trong bài lục vị (thành bài bát vị).

– Kiện tỳ vị dùng khi tỳ vị hư hàn

Liều dùng: 4-12g

Kiêng kỵ: những người âm hư dương thịnh, phụ nữ có thai không dùng, trẻ em dưới 15 tuổi không dùng.

Chú ý:

– Tác dụng dược lý: nước sắc phụ tử chế 5g/kg chuột, uống 5 ngày liền có tác dụng chống viêm, ngoài ra còn có tác dụng cường tim nhẹ đối với tim ếch, thỏ cô lập. Sau khi chế biến, alcaloid aconitin – thành phần chính trong dễ ô đầu, dưới tác dụng của nhiệt độ và phụ liệu đã chuyển thành aconin, aconin có độ độc kém hơn aconitin nhiều lần mà lại có tác dụng cường tim.

– Tác dụng kháng khuẩn: nước sắc phụ tử có tác dụng ức chế đối với một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ, trực khuẩn thương hàn.

– Cần nhớ thêm rằng, nếu rễ ô đầu không qua chế biến thì chỉ dùng ngoài dưới dạng thuốc cồn xoa bóp, không được uống trong vì rất độc.

Qua các phương pháp chế khác nhau, hàm lượng aconitin có thể thay đổi và giảm đi rõ rệt. Từ dạng sống, hàm lượng đó là 0.147%; sau khi đồ hoặc nấu thì còn 0.058%, dùng phương pháp cô áp suất nhiệt độ còn 0.071%.

2.1.2. Quế nhục: Cortex cinnamomi

Là vỏ thân, vỏ cành cây Quế cinnamomum cassia Prese, hoặc các loài quế khác (C.cassia Blume, C.zeylanicum Blume). Họ Long não Lauraceae.

Tính vị: vị cay, ngọt. Tính đại nhiêt, có ít độc

Quy kinh: vào 3 kinh can, thận, tỳ

 

 

Hình ảnh cây Quế và vị thuốc Quế nhục(quế tâm)

          Công năng chủ trị

– Hồi dương, dùng trong trường hợp dương hư nhược, chân tay lạnh giá, co quắp; phối hợp với cẩu tích, phụ tử, can khương.

– Khứ hàn giảm đau, thông kinh hoạt lạc, dùng đối với bệnh đau bụng dữ dội do hàn nhập lý, tiết tả, nôn mửa, dùng quế mài lấy nước uống hoặc thái nhỏ hãm với nước sôi, có thể phối hợp với can khương: nhục quế 4g, can khương 2g ngoài ra còn dùng khi tỳ vị hư nhược, sôi bụng, lạnh bụng, đại tiện lỏng lâu ngày không khỏi, phối hợp với đại hồi, vân mộc hương. Phụ nữ khi có kinh nghuyệt mà đau bụng, có thể dùng quế phối hợp với hương phụ.

– Ấm thận hành thủy, dùng đối với trường hợp dương khí hư nhược, phù thũng tiểu tiện khó khăn, đặc biệt phù nặng ở mu bàn chân.

Liều dùng: 2-6g

Kiêng kỵ: phụ nữ có thai, những người âm hư dương thịnh, không được dùng. Dùng lâu, liều cao, thường dẫn đến nhức đầu táo bón.

Chú ý:

– Tác dụng dược lý: chất aldehyd cinamic thành phần chính trong tinh dầu quế có tác dụng hạ nhiệt ở thỏ với liều 250-500mg/kg, giảm hoạt động tự phát, kéo dài thời gian ngủ của chuột khi dùng kèm với thuốc barbiturat.

– Tác dụng kháng khuẩn: ức chế hoạt động của trùng roi, với nồng độ 1/100. Tinh dầu quế thanh có tác dụng diệt lỵ amip, B.mycoides Staphylococcus aureus, Streptococcus haenoliticus, Pseudo-monas aeruginosa, Shigella syphy, Sh, flexeneri.

Trên đây là bài viết về nhóm thuốc khử hàn. Các bạn có thể tham khảo. Khi sử dụng thì gia giảm các vị thuốc sao cho phù hợp với từng thể tạng bệnh nhân để đạt kết quả điều trị cao, an toàn.

 

 

DMCA.com Protection Status