Xoa bóp – bấm huyệt cải thiện & điều trị các bệnh cơ xương khớp
Lượt xem: 2.165 Ngày đăng: 11/03/2019
Đặc điểm Xoa bóp bấm huyệt là dùng bàn tay, ngón tay là chính để tác động lên huyệt, da, cơ, gân, khớp của người bệnh. Nếu được thực hiện đúng kỹ thuật, đúng chỉ định, xoa bóp bấm huyệt có thể mang lại những hiệu quả tốt cho sức khỏe
Y học cổ truyền cho rằng trong cơ thể con người ngoài Huyết dùng để nuôi cơ thể còn có một yếu tố nữa cực kỳ quan trọng đối với sinh mệnh của con người, đó là Khí. Khí chủ yếu là do sự hoạt động của các tạng phủ sinh ra. Khí cùng Huyết lưu thông khắp cơ thể. Mất sự lưu thông đó con người sẽ ốm đau và muốn trở lại bình thường là phải tìm các biện pháp thích hợp để khôi phục, cân bằng sự lưu thông của khí huyết.
Để bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, tiến tới sống lâu, sống khỏe và sống có ích, bên cạnh các cây con, khoáng vật làm thuốc, các phương pháp không dùng thuốc như: châm cứu, yoga, xoa bóp bấm huyệt, tập luyện cơ thể…. trong đó xoa bóp bấm huyệt là phương pháp đơn giản, tiện lợi, hiệu quả… là một trong những phương pháp giúp cho khí huyết lưu thông tại chỗ cũng như toàn thân, tạo điều kiện cho các tạng phủ, cơ quan được nuôi dưỡng đầy đủ, nâng cao sức khỏe, góp phần phục hồi sức khỏe, chữa bệnh và phòng bệnh rất tốt.
Y học hiện đại cho rằng xoa bóp làm cho huyết quản co giãn, đưa một lượng máu khá lớn chuyển vận từ nội tạng ra da và lại làm cho lượng máu ấy chuyển vận từ da vào nội tạng. Sự chuyển vận này giúp cho tuần hoàn máu trong cơ thể lưu thông dễ dàng, cung cấp dưỡng chất và dưỡng khí cho tế bào; tạo điều kiện tốt cho quá trình “thay cũ đổi mới” trong các tế bào, tăng cường sự dinh dưỡng cho toàn thân, do đó mà tăng cường sức mạnh của cơ thể.
Cũng như các phương pháp điều trị khác, hiện nay xoa bóp – bấm huyệt đã và đang được áp dụng rộng rãi trong việc làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng và chữa bệnh ở nước ta và nhiều nước trên thế giới.
Y học hiện đại
Xoa bóp – bấm huyệt là một kích thích vật lý, trực tiếp tác động vào da thịt, thần kinh, mạch máu và các cơ quan cảm thụ gây nên những thay đổi về thần kinh, thể dịch, nội tiết qua đó nâng cao năng lực hoạt động của hệ thần kinh, nâng cao quá trình dinh dưỡng của cơ thể. Xoa bóp làm giãn mạch máu, tăng tuần hoàn tại chỗ, góp phần chống viêm, giảm phù nề. Luồng máu tới sẽ tăng cường trao đổi chất, mang oxy tới cho tế bào và mang đi các chất thải cặn bã…. Riêng đối với bệnh lý cơ xương khớp xoa bóp – bấm huyệt có tác dụng như sau:
– Đối với cơ: xoa bóp có tác dụng tăng tuần hoàn dinh dưỡng chuyển hoá ở cơ. Tăng cường đàn hồi, tăng khối lượng cơ, phòng chống teo cơ, tăng sức cơ, phục hồi nhanh khi cơ bị mệt mỏi sau vận động.
– Xoa bóp để cải thiện sức chịu đựng và bền bỉ của cơ đã vận động mỏi mệt.
– Xoa bóp ngăn ngừa sự mệt mỏi tích tụ trong cơ khi phải đảm nhiệm 1 công việc lâu dài (thi đấu điền kinh, thể thao…); nó cho phép thu một công cơ học lớn hơn nhiều so với công thu được sau các đợt nghỉ ngắt quãng mà không được xoa bóp.
– Như thế xoa bóp có tác dụng loại trừ các chất có hại do chấn thương gây ra, làm mau lành các chỗ thương tổn, ngăn ngừa quá trình ngạnh hóa.
– Khi xoa bóp lực của cơ mạnh hơn lên.
– Đối với gân: xoa bóp làm tăng tuần hoàn qua cơ nhờ đó gân được dinh dưỡng tốt hơn, làm gân mềm mại, tăng tính đàn hồi, tăng tầm hoạt động của khớp trong trường hợp co rút gân và dây chằng của khớp .
– Đối với khớp: tác dụng của xoa bóp khớp cũng được tăng cường dinh dưỡng bao hoạt dịch tăng tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp, làm tăng tầm vận động đối với khớp.
– Đối với xương: tuần hoàn cơ được cải thiện khi xoa bóp làm xương được nuôi dưỡng tốt hơn, xoa bóp làm tan tụ máu cơ, chống kết dính các sợi cơ, gân trong chấn thương.
Xoa bóp làm cho sự cung cấp máu đến khớp xương, bao khớp, gân cơ, dây chằng được tốt hơn, gia tăng sự tiết hoạt dịch và làm cho dây chằng luôn giữ vững tính đàn hồi của nó. Do đó xoa bóp có thể đề phòng bệnh thoái hóa khớp, đề phòng và chữa những biến chứng của bệnh thấp khớp, làm vận động của khớp xương dễ dàng hơn.
Xoa bóp bấm huyệt giúp điều hòa bài tiết một số hormon có liên quan đến cơ chế chống đau của cơ thể như catecholamin, ACTH, cortisol và đặc biệt tăng hàm lượng beta – endorphin trong máu ngoại vi.
Y học cổ truyền
Xoa bóp giúp sơ thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, làm cho dinh vệ được điều hòa, âm dương được thăng bằng, trấn thống (giảm đau, thông qua tác động vào các huyệt, kinh lạc (kinh cân) có thể đuổi được ngoại tà, điều hòa được dinh vệ, thông kinh hoạt lạc và điều hòa chức năng tạng phủ.
Trước khi chữa bệnh bằng xoa bóp, đầu tiên phải thông qua tứ chẩn (4 phép chẩn đoán của Đông y: vọng (nhìn), văn (nghe, ngửi…), vấn (hỏi) và thiết (bắt mạch, sờ nắn), có biện chứng và đặc biệt chú trọng phép xúc chẩn (sờ nắn) tại chỗ đau (a thị huyệt): cự án (khó chịu khi ấn vào điểm đau: bệnh thuộc thực, bệnh mới mắc) hay thiện án (đau mà cảm giác dễ chịu khi ấn: bệnh thuộc hư, bệnh đã lâu), phân tách rõ ràng hàn, nhiệt, hư thực, biểu lý… rồi sau dùng phép bổ hay tả mà có các thủ thuật khác nhau Bổ: thủ thuật nhẹ nhàng, thời gian lâu, thuận chiều đường kinh hoặc Tả thủ thuật nhanh mạnh, thời gian ngắn, ngược chiều đường kinh, chú ý khi dùng bàn tay, ngón tay phải làm thông những chỗ tắc vì “thông tắc bất thống, thống tắc bất thông”. (thông không đau, đau không thông).
Cần chú ý khi xoa bóp – bấm huyệt bệnh lý cơ xương khớp:
– Thủ thuật xoa bóp – bấm huyệt phải mềm mại, trực tiếp tác động lên da, cơ vùng khớp bị bệnh phải điều hòa khí huyết, làm mềm cơ nếu cơ bị cứng, làm cứng cơ nếu cơ vùng khớp mềm, lỏng lẻo, thông kinh lạc giảm sưng, giảm đau, giảm cảm giác tê, nặng và nâng cao chính khí (sức đề kháng cơ thể).
– Mỗi khớp có một cách vận động khác nhau, song đều thống nhất những điểm sau:
– Cần nắm vững phạm vi vận động bình thường của khớp.
– Đánh giá trạng thái vận động hiện nay của khớp bị bệnh là đau và giới hạn để có hướng vận động thích hợp.
– Xoa bóp chậm, nhẹ nhàng (bổ), hay nhanh, mạnh (tả) đối với từng vị trí đau và giới hạn khớp.
– Tiến hành vận động khớp theo biên độ vận động của khớp, phải nắm rõ các cử động của khớp. Cần làm từ từ, tránh không làm quá mạnh, đột ngột. Phần trên của khớp phải được cố định, mỗi lần vận động đều nên làm rộng hơn phạm vi hoạt động bệnh lý lúc đó một chút; người bệnh có thể đau nhưng có thể chịu được. Nếu làm rộng quá, người bệnh sẽ đau và chống lại. Nếu làm hẹp hơn mức bệnh lý, khớp sẽ không mở được. Cả hai cách trên đều không đem lại kết quả tốt. Có thể làm từ 5 – 10 lần mỗi động tác của khớp.
– Tiến hành xoa bóp bấm huyệt lại vùng cơ, khớp, xương bị bệnh đánh giá lại khớp so với lúc mới vào hoặc một đợt điều trị.
– Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từng vùng, từng khớp bị bệnh.
– Khi thao tác người xoa bóp bấm huyệt đứng, khoan thai thoải mái khi làm thủ thuật, người được xoa bóp bấm huyệt phải thả lỏng, mềm các cơ, khớp.
– Cần theo dõi những cảm nhận của người được xoa bóp về mức độ mạnh nhẹ của động tác để điều chỉnh kỹ thuật phù hợp.
– Mỗi vùng cơ xương khớp bị bệnh xoa bóp bấm huyệt thời gian 15 – 20 phút/ lần/ngày Mỗi đợt xoa bóp bấm huyệt từ 10 – 15 lần. Nếu làm nhiều quá sẽ bị lờn hoặc ghiền xoa bóp bấm huyệt.
– Các khớp thường đau và giới hạn:
– Cột sống: cổ, lưng.
– Chi trên: khớp vai, khủy, cổ tay, bàn ngón, đốt ngón gần.
– Chi dưới: khớp háng, khớp gối, cổ chân, khớp bàn ngón chân.
Y học cổ truyền nói chung và xoa bóp – bấm huyệt nói riêng có vai trò nhất định trong việc làm đẹp, phục hồi sức khỏe, phòng và chữa bệnh và đặc biệt là bệnh lý cơ xương khớp thông qua thủ thuật xoa bóp – bấm huyệt giúp cho khớp dinh dưỡng tốt hơn, cải thiện vận động, làm tăng sức hoạt động khớp của các chi và cột sống góp phần cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ