12 nhiệm vụ của Điều dưỡng viên: Nội dung chi tiết và đầy đủ
Lượt xem: 6.519 Ngày đăng: 07/07/2023
Để trở thành một Điều dưỡng viên, chắc chắn bạn đã từng nghe về 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng. Bên cạnh Y đức hay những chức năng và vai trò của Điều dưỡng, 12 nhiệm vụ này là những quy định bắt buộc do Bộ Y tế đề ra. Nội dung dưới đây được tổng hợp và tham khảo dựa trên Thông tư 07/2011/TT-BYT.
Mục lục
- 1. Đưa ra lời tư vấn, hướng dẫn về giáo dục sức khoẻ
- 2. Động viên, chăm sóc về đời sống tinh thần
- 3. Hỗ trợ người bệnh chăm sóc vệ sinh cá nhân
- 4. Chăm sóc về mặt dinh dưỡng cho người bệnh
- 5. Thực hiện chăm sóc phục hồi chức năng sau điều trị
- 6. Chăm sóc bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, thủ thuật
- 7. Sử dụng thuốc và theo dõi sử dụng thuốc cho người bệnh
- 8. Chăm sóc bệnh nhân hấp hối, tử vong
- 9. Thực hiện các kỹ thuật Điều dưỡng
- 10. Theo dõi và đưa ra đánh giá về người bệnh
- 11. Đảm bảo an toàn chuyên môn kỹ thuật trong điều dưỡng
- 12. Ghi chép hồ sơ bệnh án cẩn thận
1. Đưa ra lời tư vấn, hướng dẫn về giáo dục sức khoẻ
Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng. Khi đến thăm khám hay nhập viện, người bệnh sẽ được Điều dưỡng viên đưa ra những lời tư vấn và giáo dục sức khỏe cụ thể. Bệnh nhân cũng được hướng dẫn tỉ mỉ về cách tự chăm sóc, theo dõi, phòng bệnh trong xuyên suốt thời gian nằm và xuất viện.
Tại mỗi bệnh viện hay cơ sở Y tế sẽ có những quy định và hình thức tư vấn, hướng dẫn giáo dục sức khoẻ phù hợp. Có kiến thức về sức khỏe sẽ giúp bệnh nhân hiểu hơn về tình trạng bản thân. Điều này cũng hỗ trợ rất nhiều trong công cuộc khám chữa bệnh của đội ngũ Y bác sĩ.
2. Động viên, chăm sóc về đời sống tinh thần
Bên cạnh chăm sóc về mặt thể chất, người bệnh cũng cần được quan tâm đến đời sống tinh thần. Trong quá trình thăm khám, 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng viên có quy định về thái độ ân cần và thông cảm Điều dưỡng viên cần thể hiện. Người bệnh cũng từ đó mà yên tâm và tin tưởng khám chữa bệnh.
Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên cũng cần để ý và động viên gia đình bệnh nhân. Sẽ có những thắc mắc, băn khoăn và nhiệm vụ của Điều dưỡng viên là thực hiện giải đáp tất cả. Tuyệt đối tránh không để tâm lý và tinh thần người bệnh bị ảnh hưởng bởi an ninh, sự ồn ào hay khó chịu.
3. Hỗ trợ người bệnh chăm sóc vệ sinh cá nhân
Công việc này bao gồm vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể, thay đồ vải, hỗ trợ bệnh nhân đại tiện và tiểu tiện. Với bệnh nhân cấp II và III, họ có thể tự thực hiện dưới sự hướng dẫn của Điều dưỡng viên. Với bệnh nhân cấp I, đích thân Điều dưỡng viên sẽ thực hiện hỗ trợ.
4. Chăm sóc về mặt dinh dưỡng cho người bệnh
Điều tiếp theo trong 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng nói về chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân. Mỗi người sẽ có tình trạng dinh dưỡng và nhu cầu ăn uống khác nhau. Điều dưỡng viên cần phối hợp cùng bác sĩ để đánh giá chính xác các thông tin và số liệu quan trọng.
Chế độ ăn uống sẽ được các bác sĩ chỉ định và được cung cấp ngay tại khoa điều trị. Kết quả theo dõi cũng đồng thời được ghi chép lại vào Phiếu chăm sóc của bệnh nhân. Với người bệnh có chỉ định ăn qua ống thông, Điều dưỡng viên là người sẽ trực tiếp làm điều đó.
5. Thực hiện chăm sóc phục hồi chức năng sau điều trị
Sau điều trị đặc biệt với những trường hợp nghiêm trọng, bất kỳ ai cũng cần hỗ trợ phục hồi các chức năng cơ thể. Điều dưỡng viên cần phối hợp cùng các khoa khác để đánh giá, tư vấn, hướng dẫn ca thực hiện phục hồi chức năng. Các khoa tiêu biểu mà họ cần làm việc cùng là;
- Khoa Lâm sàng
- Khoa Vật lý trị liệu
- Khoa Phục hồi chức năng.
6. Chăm sóc bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật, thủ thuật
Với người cần thực hiện phẫu thuật hay thủ thuật, bác sĩ sẽ có những Y lệnh riêng. Đây là những mệnh lệnh tuyệt đối cần nghiêm túc tuân thủ nhằm hỗ trợ quá trình khám và chữa bệnh diễn ra thuận lợi. Trước và sau khi đưa người bệnh đi phẫu thuật, thủ thuật, Điều dưỡng viên sẽ phải thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Hoàn tất các thủ tục hành chính
- Kiểm tra kỹ các công tác chuẩn bị
- Đánh giá tình trạng bệnh nhân và báo cáo cho bác sĩ
- Đưa người bệnh đến nơi phẫu thuật, làm thủ thuật
- Bàn giao người và bệnh án cho đơn vị đảm nhận nhiệm vụ tiếp theo.
7. Sử dụng thuốc và theo dõi sử dụng thuốc cho người bệnh
Những quy định về sử dụng và theo dõi sử dụng thuốc trong 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng rất quan trọng. Là công việc liên quan đến tính mạng con người, bất kỳ sai sót nào đều không được phép xảy ra. Thông tư 07/2011/TT-BYT có quy định rõ về nhiệm vụ này gồm:
1 | Dựa trên chỉ định của bác sĩ để lựa chọn đúng loại thuốc |
2 | Chuẩn bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ dùng thuốc |
3 | Đối với thuốc sử dụng qua đường tiêm cần chuẩn bị sẵn hộp thuốc cấp cứu và phác đồ chống sốc theo quy định |
4 | Kiểm tra thuốc thông qua các thông tin như hạn sử dụng, thành phần và cảm quan cá nhân |
5 | Đưa ra giải thích, hướng dẫn cho bệnh nhân |
6 | Đảm bảo 5 đúng gồm đúng người, đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng đường dùng và đúng thời gian dùng thuốc |
7 | Theo dõi các tác dụng phụ của thuốc |
8 | Phối hợp cùng bác sĩ hay dược sĩ để đem đến hiệu quả thuốc tốt nhất |
Xem thêm: Điều dưỡng và y sĩ khác nhau như thế nào
8. Chăm sóc bệnh nhân hấp hối, tử vong
Với người bệnh trong giai đoạn hấp hối, Điều dưỡng viên cần bố trí buồng bệnh phù hợp. Điều này sẽ hỗ trợ quá trình chăm sóc và điều trị cũng như không gây ảnh hưởng đến người khác. Cần thông báo và tạo điều kiện tối đa cho người nhà có thể ở bên người bệnh.
Với trường hợp tử vọng, Điều dưỡng viên cần phối hợp thực hiện vệ sinh tử thi và thực hiện các thủ tục cần thiết. Những thủ tục đó bao gồm quản lý tư trang hay bàn giao thi thể cho nhân viên nhà đại thể.
9. Thực hiện các kỹ thuật Điều dưỡng
Theo 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng có đề cập, mỗi bệnh viện sẽ có quy định và quy định thực hiện kỹ thuật điều dưỡng phù hợp. Trong quá trình thực hiện, Điều dưỡng viên cần tuân thủ và đảm bảo các kỹ thuật này. Nếu xảy ra tai biến, phải nhanh chóng thông báo để bác sĩ điều trị hỗ trợ kịp thời.
Các loại dụng cụ trang thiết bị Y tế cần được đảm bảo theo đúng quy định tại Điều 2 và Điều 3 Thông tư số 18/2009/TT-BYT. Đây là văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Y tế phê chuẩn nhằm kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám và chữa bệnh.
10. Theo dõi và đưa ra đánh giá về người bệnh
Nhiệm vụ thứ 10 của Điều dưỡng viên yêu cầu phải theo dõi sát sao và đưa ra đánh giá về bệnh nhân. Khi đến khám bệnh, bệnh nhân sẽ được đánh giá để sắp xếp theo mức độ ưu tiên và thứ tự. Công việc này đòi hỏi Điều dưỡng viên cần phối hợp với bác sĩ để phân cấp rõ ràng và hợp lý.
Bên cạnh đó, Điều dưỡng viên cần theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và thực hiện can thiệp điều dưỡng nếu cần. Khi có những chuyển biến xấu và bất thường, Điều dưỡng viên cần đưa ra quyết định và hành động trong phạm vi chuyên môn. Cuối cùng, họ sẽ báo cáo cho bác sĩ để xử lý kịp thời.
Xem thêm: Y Tá và Điều Dưỡng có giống nhau không? Phân biệt chi tiết
11. Đảm bảo an toàn chuyên môn kỹ thuật trong điều dưỡng
Với đối tượng chính là con người, bất kỳ sai sót hay nhầm lẫn nào đều không được phép xảy ra. Điều dưỡng viên cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm khuẩn và đảm bảo an toàn. Hay trong khâu sử dụng thuốc, họ cần chú ý và cẩn thận để không nhầm lẫn thuốc của bệnh nhân.
12 nhiệm vụ của Điều dưỡng cũng nói rõ, bệnh viện cần thiết lập hệ thống thu thập và báo cáo các sự cố cho các khoa và cả cơ sở. Cùng với phân tích định kỳ, báo cáo sự cố và có biện pháp phù hợp, quá trình khám chữa bệnh sẽ hạn chế tối đa sai sót xảy ra.
12. Ghi chép hồ sơ bệnh án cẩn thận
Đây là nhiệm vụ cuối cùng được quy định trong 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng. Những yêu cầu Điều dưỡng viên cần quan tâm về tài liệu chăm sóc người bệnh trong hồ sơ bệnh án bao gồm:
- Đầy đủ hồ sơ gồm phiếu theo dõi chức năng sống, phiếu điều dưỡng và một số biểu mẫu khác quy định tại Quyết định số 4069/QĐ-BYT
- Khách quan và chính xác về mặt thông tin
- Cần sự thống nhất về thông tin giữa các phòng ban
- Ghi chép cẩn thận, đầy đủ, kịp thời các diễn biến bệnh và can thiệp Điều dưỡng
- Hồ sơ cần lưu trữ theo quy định tại Khoản 3 Điều 59 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cảm ơn bạn đọc đã theo dõi nội dung 12 nhiệm vụ của Điều dưỡng do trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh tổng hợp. Đây là những nhiệm vụ quan trọng được nhà trường lưu ý cho sinh viên để có thể ra trường và thực hiện ước mơ trở thành Điều dưỡng viên. Dưới đây là những trang thông tin chính thức từ nhà trường.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://www.tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi