Bộ GD&ĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia
Logo

Bộ GD&ĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia

Lượt xem: 2.100 Ngày đăng: 08/04/2019

Rate this post

Ngày 7/4, 3 đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức thi THPT quốc gia năm 2019 tại Bắc Giang, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đoàn kiểm tra tại tỉnh Bắc Giang do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng làm trưởng đoàn.

Học sinh băn khoăn “phách điện tử”

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, năm nay toàn tỉnh có khoảng 19.000 học sinh lớp 12. Dự kiến tỉnh sẽ tổ chức từ 36 đến 40 điểm thi. Đến nay, tất cả các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên đã tổ chức cho học sinh học Quy chế thi, phát hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) THPT quốc gia 2019 và trợ giúp, hướng dẫn thí sinh đăng ký.

Qua kiểm tra một số trường: THPT Yên Thế, THPT Lạng Giang số 2 và THPT Thái Thuận, hầu hết học sinh đều nắm rõ quy chế thi và xét tuyển đại học, cao đẳng nên rất tự tin khi làm hồ sơ.

Học sinh được hướng nghiệp từ trước nên xác định rõ nghề nghiệp trong tương lai, có định hướng khá tốt để đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng hay đi học nghề, từ đó có hướng ôn tập phù hợp.

Em Phạm Thị Tĩnh, học sinh lớp 12A7, Trường THPT Yên Thế, Bắc Giang cho biết, học sinh được phổ biến quy chế thi chi tiết nên không có thắc mắc gì về những điểm mới hoặc thay đổi trong quy chế vì đã được nắm rất rõ qua tư vấn của nhà trường.

Theo Lê Đức Anh, học sinh lớp 12A6 của trường này, trước khi làm hồ sơ ĐKDT, ngoài căn cứ vào học lực và niềm đam mê, em vào một số website của một số trường ĐH, CĐ để tham khảo mức điểm chuẩn một số năm gần đây làm định hướng.

Bộ GDĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia - 1
Ông Mai Văn Trinh cho rằng, những điểm mới năm nay của Bộ, nhằm siết chặt hơn tính an toàn của kì thi.

Điều Đức Anh băn khoăn là đề thi tham khảo năm nay dễ hơn đề thi năm ngoái, vậy theo Bộ GD&ĐT, đề thi thật năm nay so với đề thi tham khảo có độ khó chênh lệch ra sao? Cũng theo học sinh này, các em băn khoăn về những thay đổi trong cách thức chấm thi và gắn “phách điện tử”.

Từ Phương Anh, học sinh lớp 12A1, Trường Lạng Giang số 2 chia sẻ, lúc đầu em hơi băn khoăn việc tính điểm theo phương thức 70/30. Sau khi được nhà trường giải thích và qua tìm hiểu trên mạng, em đã rõ. Cũng theo học sinh này, các em được tuyên truyền quy chế và hướng nghiệp rất kĩ nên không có gì thắc mắc.

Cũng đến từ Trường Lạng Giang số 2, em Cao Thị Mỹ Duyên, học sinh lớp 12A1 cho hay, các em sẽ nỗ lực để học tập và làm bài thi tốt nhất nhưng đồng thời với đó là mong ước kì thi được diễn ra an toàn và nghiêm túc thật sự, không có gian lận.

Ông Mai Văn Trinh cho rằng, các thắc mắc của các em hoàn toàn có lý. Những điểm mới năm nay của Bộ, nhằm siết chặt hơn tính an toàn của kì thi.

“Phách điện tử” mà các em thắc mắc, có thể hiểu nôm na đấy là cách mã hóa để khi truy cập vào bài làm thì không biết được là của thí sinh nào để can thiệp, chỉnh sửa, giúp việc chấm thi minh bạch.

Ông cũng chỉ đạo các trường trong thời gian tới cần tổ chức dạy học căn cơ, tuyệt đối không cắt xén chương trình hay dạy lệch, dạy “tủ” bởi đề thi phủ hết kiến thức, hoàn thành việc tập huấn và hình thành các nhóm “bạn giúp bạn” ôn tập.

Bộ GDĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia - 2
Các trường tuyệt đối không cắt xén chương trình hay dạy lệch, dạy “tủ” bởi đề thi phủ hết kiến thức,

Kiểm tra 5 lần/hồ sơ đăng kí dự thi

Ghi nhận của PV Dân trí, các trường ở Bắc Giang đang giai đoạn cao điểm ôn tập, lập các tổ tư vấn, nhóm tư vấn tuyển sinh, nhóm kỹ thuật nhập dữ liệu của thí sinh… Thành viên các tổ, nhóm này là những giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khối 12, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và được tập huấn kỹ lưỡng.

Hồ sơ ĐKDT của thí sinh đều được các trường kiểm tra, đối chiếu nhiều lần các thông tin cá nhân, thông tin đăng ký xét tuyển… để tránh sai sót.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Thuận, thành phố Bắc Giang, đơn vị này thành lập tổ dữ liệu do Hiệu phó đứng đầu, trường nhập dữ liệu chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ phiếu của các em.

Trên cơ sở dữ liệu chung của các em, trường đã chuẩn bị sẵn từ khi các em vào trường, phần sau chỉ còn thông tin đăng ký là chủ yếu. Trường nhập trên 2 công đoạn, công đoạn thứ nhất là nhập trên bảng Exell, sau đó in ra cho học sinh kiểm tra khoảng 4 lần.

Sau khi dữ liệu kiểm tra xong, trường chuyển vào trong hệ thống, sau đó mới in và đưa cho các em kiểm tra. Thông thường giai đoạn 2, trường kiểm tra khoảng 2 lần.

Cô Hoàng Thị Hạnh, Hiệu trưởng THPT Yên Thế cho biết, đơn vị này định hướng ôn tập từ đầu năm. Các tổ nhóm chuyên môn cùng giáo viên chủ nhiệm thống nhất phân chia đối tượng để ôn thi.

“Sau giờ học buổi chiều, các em có học lực yếu sẽ ở lại thêm 1 tiếng đồng hồ nữa để giáo viên ôn thi miễn phí. Cơ bản các em chỉ có khoảng 5-6 nguyện vọng, không “nhắm mắt” nộp bừa như mọi năm”, cô Hạnh cho hay.

Bộ GDĐT đột xuất kiểm tra công tác chuẩn bị thi THPT quốc gia - 3
Nhiều trường phân nhóm đối tượng học sinh để ôn thi sát sao

Về điều này, cô Trịnh Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 2 chia sẻ, nhà trường triển khai các văn bản mới của bộ trong buổi sinh hoạt ngoài giờ. Nhà trường xây dựng chương trình cho từng đối tượng, yêu cầu phụ huynh quản lý tốt thời gian ở nhà của học sinh. Thậm chí trường “treo giải” không có học sinh trượt tốt nghiệp đối với giáo viên chủ nhiệm để thi đua, thúc đẩy chất lượng.

Theo hiệu trưởng này, mỗi hồ sơ ĐKDT của học sinh được nhà trường kiểm tra ít nhất 5 lần, học sinh xác nhận và giáo viên chủ nhiệm kiểm tra chéo. Việc này trường thực hiện nhiều năm nên hạn chế tối đa sai sót.

Đánh giá về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2019 của tỉnh Bắc Giang, ông Mai Văn Trinh đánh giá cao các bước chuẩn bị cho kỳ thi.

Đến thời điểm này, ngành GD&ĐT Bắc Giang đang đi đúng hướng, đúng tiến độ theo hướng dẫn của Bộ, nhất là công tác tập huấn cho giáo viên và học sinh, trên cơ sở tài liệu của Bộ GD&ĐT đã biên soạn tài liệu ôn tập cho các em rất tôt.

Ông Mai Văn Trinh đề nghị chú ý bộ phận tư vấn, bộ phận kỹ thuật làm công tác đăng ký dự thi cũng như xử lý dữ liệu sau này. Bởi vì cơ sở dữ liệu có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến những khâu chuẩn chỉnh của kỳ thi.

“Bắc Giang không phải tỉnh khó khăn nhất nhưng có nhiều đối tượng học sinh thành phố, miền núi và đồng bào thiểu số. Tuy nhiên, địa phương biết phân nhóm đối tượng học sinh để ôn tập. Một số trường có nhiều sáng kiến để hỗ trợ thí sinh làm hồ sơ dự thi, chọn ngành, nghề đăng ký xét tuyển phù hợp lực học, hạn chế tối đa sai sót”, ông Trinh cho hay.

 

Mỹ Hà

(Dantri)

DMCA.com Protection Status