Thủy châm: Phương pháp điều trị kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền
Lượt xem: 1.810 Ngày đăng: 05/06/2019
Nguyên lý của thủy châm
Theo học thuyết kinh lạc: 12 kinh mạch bên trong phụ thuộc 12 tạng phủ, bên ngoài nối với các khớp chân tay. Nhờ hệ kinh lạc mà các bộ phận trong cơ thể cấu thành một tổ chức hoàn chỉnh, thống nhất. Giữa tạng và tạng có quan hệ mật thiết với nhau.Giữa tạng với phủ và giữa đường kinh này với đường kinh khác có quan hệ không thể tách rời.
Theo Pavlov: vỏ não là cơ quan phản xạ có điều kiện. Mọi biến hóa của bệnh lý là do sự biến hóa cơ năng của thần kinh cao cấp gây ra. Vỏ não quản lý mọi hoạt động của nội tạng. Khi thủy châm vào một huyệt vị trên cơ thể sẽ truyền xung động kích thích đó đến vỏ não, rồi từ vỏ não phản xạ tới các cấp của hệ thần kinh, để điều chỉnh tất cả hoạt đông của cơ quan nội tạng nên chữa khỏi bệnh. Ngoài ra trên mặt da có các điểm vô cùng nhỏ bé là những điểm hoạt động do cơ năng của các nội tạng phản ánh trên da. Nên khi thủy châm tức là kích thích vào các điểm (huyệt) để chữa bệnh.
Theo dược lý: bất cứ một loại thuốc tiêm nào đó thích hợp với tiêm bắp hoặc tiêm tiêm dưới da (trừ những loại thuốc có tác dụng kích thích quá mạnh), dù tiêm vào bất cứ bộ vị nào dưới da hoặc bắp thịt cũng có tác dụng dược lý như nhau. Ngoài tác dụng dẫn truyền của huyết dịch, thuốc được tiêm vào huyệt có thể qua tác dụng của kinh lạc giúp cho cơ thể hấp thu thuốc nhanh, tác động mạnh tới bộ vị có bệnh mà chỉ cần liều lượng nhỏ đặc biệt các loại thuốc có tác dụng gây hưng phấn hay gây ức chế các trung khu thần kinh. Trong khi thủy châm về tác dụng dược lý, có rất nhiều ưu điểm:
– Cùng một thứ thuốc nếu tiêm vào huyệt vị thích ứng trên cùng một bệnh nhân, tác dụng dược lý mạnh hơn khi không tiêm vào huyệt vị.
– Cùng một thứ thuốc nếu tiêm vào huyệt vị thích ứng trên cùng một bệnh nhân chỉ cần liều lượng ít cũng vẫn có tác dụng dược lý mạnh như dùng liều lượng nhiều.
– Phối hợp thuốc với châm cũng có ưu điểm là cùng một lúc giải quyết được nhiều chứng bệnh khác nhau.
– Bệnh nhân muốn được thực hiện thủy châm phải qua thăm khám của bác sĩ, đưa ra chẩn đoán và phương huyệt cần thực hiện thủy châm.
Các loại thuốc thường được sử dụng trong thủy châm: Adrenalin, Coramin, long não nước, vitamin B1, Novocain, Atropin, Morphin, Antipyrin…
Cách thức thực hiện
Sử dụng bơm kim tiêm có thuốc để châm kim qua da, khi kim đã vào đến huyệt vị thì bắt đầu tiêm thuốc, bơm thuốc từ từ, bệnh nhân có cảm giác hơi căng và tức ở cục bộ chỗ thủy châm. Lượng thuốc vào mỗi huyệt vị là 0,5 – 2cc. Khi thủy châm ở các bộ phận đầu hoặc ngực lượng thuốc cần giảm so với các bộ phận khác.
Thời gian thủy châm: cách hai ngày thủy châm một lần, mỗi đợt thủy châm từ 5 – 10 lần.
Các phương pháp thủy châm
Phương pháp thủy châm định vị: khi mũi kim đã đưa đến đúng huyệt thì cố định mũi kim rồi bơm hết lượng thuốc đã định.
Phương pháp thủy châm từ nông đến sâu hoặc từ sâu đến nông: khi đã tìm đúng huyệt vị thì bắt đầu bơm thuốc chừng 0,1 – 0,2cc thì rút kim lên chừng 0,1 – 0,2cm rồi lại bơm, cứ làm như thế bơm cho đến lúc hết thuốc thì mũi kim cũng vừa ra khỏi da. Ngược lại cũng có thể bơm thuốc dần dần từ nông vào sâu cho tới đúng vị trí của huyệt thì bơm hết thuốc. Ưu điểm của phương pháp này là tránh đọng thuốc ở một chỗ đè vào các thớ thịt nhỏ gây đau cho bệnh nhân.
Phương pháp thủy châm kết hợp tiêm bắp với tiêm dưới da: tìm đúng huyệt vị, tiêm một phần thuốc vào bắp thịt sau đó từ từ kéo kim lên phần nông và tiêm nốt thuốc vào dưới da, thuốc ở dưới da sẽ dự trữ lại và thấm dần dần. Ưu diểm là khi dùng thuốc kích thích mạnh sẽ giảm nhẹ kích thích đối với bắp thịt và thần kinh.
Phương pháp thủy châm có thể điều trị
– Các bệnh thường được chữa phương pháp thủy châm là đau nửa đầu mãn tính, thiểu năng tuần hoàn não, viêm thần kinh hông to…, đặc biệt là những cơn đau cấp.
– Thủy châm kèm với châm cứu nâng cao hiệu quả rõ rệt đối với các trường hợp như: sau khi đột quỵ, thoái hóa xương khớp, bong gân, trật xương, hen phế quản…
– Thực tế điều trị cho thấy, thủy châm cho hiệu quả cao hơn so với việc dùng riêng một phương pháp Đông y hoặc Tây y. Bởi vì, ngoài tác dụng giảm đau nhanh của thuốc Tây y dành cho các bệnh cấp thì tác dụng của việc tiêm thuốc vào các huyệt đạo, tác động đúng huyệt vị nên hiệu quả nhanh và tăng hơn.
Chỉ định: thường được dùng để chữa bệnh mãn tính, giảm đau như: bệnh viêm khớp mạn, thoái hóa xương khớp, bong gân, trật xương, đau dây thần kinh ngoại biên, hen phế quản…
– Không nên điều trị các bệnh cấp cứu bằng thủy châm đơn thuần.
– Các cơn đau bụng cần theo dõi về ngoại khoa.
– Người sức khỏe yếu, trạng thái tinh thần không ổn định.
– Không được dùng các thuốc tiêm bắp mà bệnh nhân bị phản ứng
– Không được dùng các thuốc tiêm bắp có tác dụng kích thích gây xơ cứng, hoại tử các vùng có dây thần kinh,các cơ và mạch máu…
– Không dùng thủy châm cho các loại kháng sinh.
– Thông thường sau khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân thường có một số cảm giác như khô miệng, nóng bừng mặt, hoa mắt chóng mặt, huyết áp tăng… Vì vậy, bệnh nhân cần nằm nghỉ 15 phút, các triệu chứng này thường qua nhanh.
– Mỗi ngày chỉ nên thủy châm 1 lần, đợt điều trị có thể tiến hành khoảng 10 – 15 lần.
– Thủy châm chỉ có thể được thực hiện với tình trạng bệnh cần thiết, phải được sự chỉ định của thầy thuốc và thực hiện tại bệnh viện, các cơ sở y tế bởi các bác sĩ có tay nghề vững vàng, có kinh nghiệm và có cơ sở pháp lý về thủy châm.
BS.CKII.HUỲNH TẤN VŨ
(Suckhoedoisong)