Từ chối dùng thuốc và những hậu quả khó lường cho bệnh nhân
Logo

Từ chối dùng thuốc và những hậu quả khó lường

Lượt xem: 1.842 Ngày đăng: 09/07/2019

Rate this post
Hiện nay, có nhiều trường hợp vì quá tin thông tin trên mạng hoặc truyền tai nhau về tác dụng gây độc của các thuốc steroid(còn gọi là thuốc corticoid), nên đã từ chối nhận điều trị bằng loại thuốc này.

Hậu quả là làm bệnh nặng thêm, gây khó khăn, phức tạp khi điều trị. Trên thực tế, khi dùng thuốc đúng bệnh và đúng chỉ định dùng, thuốc steroid có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị nhiều loại bệnh.

Bệnh nặng vì từ chối dùng thuốc bác sĩ kê

Bé N.M.C. (9 tuổi, TP. Huế) đến khám tại Khoa Nhi – Bệnh viện Đại học Y Dược Huế với triệu chứng da sần sùi, bội nhiễm… Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da cơ địa. Tuy nhiên, hỏi tiền sử được biết, bé đã đi khám và được chỉ định dùng thuốc, nhưng bố mẹ bé C. vì sợ tác dụng phụ của thuốc nên đã không cho con dùng. Hậu quả là, bệnh của bé không dứt mà lại nặng lên: Chàm dai dẳng, ngứa ngáy, gãi vì không ngủ được, da sần sùi, bội nhiễm. Lúc này, bố mẹ lại đến bác sĩ để cầu cứu… Chỉ sau 10 ngày điều trị tích cực, trong đó có sử dụng thuốc chứa steroid, bé đáp ứng điều trị tốt, da có thể được kiểm soát, bé lại có giấc ngủ ngon…

tu-choi-dung-thuoc-va-nhung-hau-qua-kho-luong-1

Người bệnh cần tuân thủ uống thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Trường hợp bé T.X.N. (10 tuổi, TP. Huế) cũng tương tự. Bé N. nhập viện trong tình trạng lên cơn khò khè, khó thở dữ dội, thở nhanh, co lõm ngực bụng như người lớn vừa chạy xong 20km đường trường… Sau thăm khám, các bác sĩ kết luận: Bé N. lên cơn hen suyễn nặng. Ngoài dùng khí dung salbutamol cắt cơn hen cấp cứu, các bác sĩ tại đây cũng phải dùng thuốc xịt có chứa steroid giúp làm giảm tình trạng viêm, sưng và giảm sản sinh chất nhầy trong đường thở nhằm kiểm soát tốt hơn tình trạng đường thở, giúp ngăn ngừa các triệu chứng và các cơn hen tái phát. Được biết, bé bị hen suyễn nhưng bố mẹ không cho con dùng thuốc theo chỉ định mà ngừng thuốc đột ngột, vì nghe nói thuốc có chứa steroid độc hại…, do đó cơn hen đã tái phát.

BS. Nguyễn Hữu Châu Đức – Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược Huế chia sẻ: Hiện nay có nhiều trường hợp vì quá tin tưởng thông tin trên mạng hoặc truyền tai nhau về tác dụng gây độc của thuốc steroid nên đã từ chối nhận điều trị bằng loại thuốc này. Hậu quả là bệnh không khỏi được mà lại làm tăng thêm độ nguy hiểm của bệnh, gây khó khăn, phức tạp khi điều trị. Trên thực tế, khi dùng thuốc đúng bệnh và đúng chỉ định, thuốc steroid có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị nhiều loại bệnh khác nhau. Thậm chí, nhờ thuốc steroid mà nhiều trường hợp tránh được tử vong.

Steroid chữa được nhiều bệnh khi dùng đúng

Cho đến nay, người ta đã chứng minh được các công dụng của thuốc có chứa steroid trong việc điều trị một số bệnh và trong nhiều trường hợp không có thuốc nào có thể thay thế được các thuốc này.

Giảm đau, chống viêm cho rất nhiều bệnh hoặc tổn thương dẫn đến viêm, sưng tấy hoặc các triệu chứng khác (khó thở). Đó là lý do những thuốc steroid có thể điều trị các bệnh như eczema, viêm khớp, phản ứng dị ứng và hen.

Chống nôn và buồn nôn: Cùng với tác dụng giảm đau và sưng, thuốc steroid có thể kết hợp với các thuốc khác để giảm nôn trong suốt quá trình hóa trị liệu.

Chống dị ứng: Thuốc steroid dùng để ngăn ngừa phản ứng tự miễn do nhiều bệnh gây kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các tế bào bình thường, như lupus, viêm khớp dạng thấp, đa xơ cứng.

Chống thải ghép nội tạng: Thuốc steroid được sử dụng rộng rãi cùng các thuốc khác để ngăn ngừa hệ miễn dịch tấn công các nội tạng được cấy ghép như thận ghép.

Thay thế các nội tiết tố thiếu hụt: Khi cơ thể sản xuất quá ít nội tiết tố corticoid, sẽ dẫn tới rất nhiều bệnh. Đặc biệt, nội tiết tố này sản xuất để kiểm soát đường huyết trong cơ thể nên nó có vai trò vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, thuốc steroid được dùng để thay thế corticoid thiếu hụt trong cơ thể và nó được dùng để điều trị các bệnh như bệnh Addison, bệnh tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH).

Lời khuyên của thầy thuốc

Mặc dù có nhiều tác dụng hữu hiệu, nhưng cũng như các loại thuốc khác, thuốc steroid cũng có các tác dụng phụ. Theo BS. Nguyễn Hữu Châu Đức, các tác dụng phụ của thuốc steroid phụ thuộc vào dạng thuốc bạn dùng (uống, hít…), chủ yếu là: Tăng cân, thay đổi tâm trạng và suy nghĩ, khó ngủ, mỏng da, vấn đề về mắt, tim mạch, loãng xương và các vấn đề xương, chậm phát triển ở trẻ nhỏ, đường máu cao, dễ bị nhiễm trùng… Tuy nhiên, thuốc steroid không phải luôn gây ra tác dụng phụ này. Các tác dụng phụ chỉ xảy ra khi bạn dùng thuốc steroid trong một thời gian dài hoặc liều cao.

Chính vì vậy, BS. Nguyễn Hữu Châu Đức khuyên: Cách tốt nhất là phải sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc, tránh dùng thuốc kéo dài hoặc ngưng đột ngột. Điều này giúp thuốc phát huy tối đa tác dụng và giảm các tác dụng phụ. Nếu bác sĩ kê đơn kèm steroid, chỉ sử dụng theo cách trong đơn thuốc. Khi bạn dùng thuốc steroid dạng hít, cần lưu ý phải đảm bảo lượng steroid được hít vào chính xác. Đối với bất kỳ loại thuốc steroid nào, hãy hỏi bác sĩ cách dùng và đảm bảo là bạn đã hiểu trước khi dùng.

 

Nguyễn Hạnh

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status