Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Gặp cơn đau thắt ngực – khi nào là biểu hiện nhồi máu cơ tim?

Lượt xem: 1.008 Ngày đăng: 19/05/2020

Rate this post

Những cơn đau thắt ngực có thể xảy ra bất chợt khi gắng sức, khi leo cầu thang, lên dốc, đi bộ nhanh và có cả những khi đang nghỉ ngơi. Khi nào là tình trạng khẩn cấp, khi nào đau thắt ngực sẽ là nhồi máu cơ tim – PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh sẽ giải đáp chi tiết cho bạn.

Các cơn đau thắt ngực ngày càng trẻ hóa và tần suất thường xuyên hơn với nhóm đối tượng hay hút thuốc lá, mắc bệnh mạch vành. (ảnh minh hoạ)

Đau thắt ngực là biểu hiện của rất nhiều bệnh lý khác nhau. Vì thế tùy theo nguyên nhân mà đau ngực có thể nguy hiểm hoặc không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Theo PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh:Cơn đau thắt ngực có một số đặc điểm mà bác sĩ chuyên khoa hoặc ngay cả sinh viên có thể nhận biết được, ví dụ có cảm giác nghẹn hay tức sau xương ức, người bệnh sẽ mô tả cảm thấy nghẹn ở ngực và thường nó không khu trú một điểm. Đặc biệt một số phụ nữ có thể hơi tức ở bên trái, và cảm giác thường lan lên tay trái. Thường cơn đau thắt ngực có thể xảy ra khi gắng sức, trong bệnh cảnh gọi là bệnh động mạch vành mạn tính. Lúc chúng ta leo cầu thang, lên dốc, đi bộ nhanh thì có cảm giác nghẹn ở ngực. Còn cơn đau thắt ngực trong nhồi máu cơ tim thì ngược lại, xảy ra trong khi chúng ta nghỉ, thường là buổi sáng hoặc ban đêm. Hoặc cũng có trường hợp một ông giáo sư đang thuyết trình có thể bị nhồi máu cơ tim cấp, tử vong ngay tại bàn thuyết trình.

Rất nhiều người chủ quan khi bị đau thắt ngực vì cho rằng đây chỉ là biểu hiện bình thường. Thế nhưng thực tế, tức ngực có thể là dấu hiệu báo trước một cơn đau tim sắp xảy ra hoặc sự xuất hiện của các bệnh lý nguy hiểm khác.”

Có một số trường hợp bệnh nhân có thể mắc bệnh khác, ngay cả những người bị bệnh về thực quản như trào ngược dạ dày thực quản cũng có triệu chứng tức ở sau xương ức. Hoặc một số bệnh thần kinh, bệnh về cơ cũng gây tức ở ngực.Thực ra thống kê không rõ ràng nhưng đa số xảy ra khi gắng sức, hoặc trong những hoàn cảnh bị stress, tức giận chuyện con cái, chuyện gia đình cũng có thể lên cơn đau thắt ngực.

Bệnh lý mạch vành nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch. Xơ vữa động mạch có 4 yếu tố nguy cơ chính. Thứ nhất là hút thuốc lá nhiều.

Thứ 2 là bị cao huyết áp mà không xử lý đúng.

Thứ 3 là rối loạn mỡ máu (lipid máu) và cũng không được xử lý đúng.

Thứ 4 là tiểu đường.

Đó là 4 yếu tố nguy cơ chính đưa đến xơ vữa động mạch và đến bệnh lý động mạch vành – PGS Vinh chia sẻ.

Thông thường bệnh lý mạch vành xảy ra ở người từ 40 – 50 tuổi trở lên do nguyên nhân phổ biến nhất là hẹp mạch vành. Nhưng những năm gần đây, do lối sống của một số người trẻ không khoa học thì có thể sớm hơn. Cơn đau thắt ngực gồm 2 loại là cơn đau thắt ngực điển hình và không điển hình, hiểu đúng về 2 dạng này sẽ giúp người bệnh xác định được những triệu chứng bất thường của bản thân và chữa trị sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm.

Trong quản lý chữa trị bệnh động vành, có những giải pháp để phòng ngừa, kiểm soát triệu chứng đau thắt ngực, qua đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Cụ thể như dùng thuốc quản lý triệu chứng theo đơn bác sĩ kê, can thiệp mạch vành hay phẫu thuật.

Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn có thuốc đang ngậm hoặc xịt dưới lưỡi để kiểm soát triệu chứng nhanh chóng. Người bệnh nên mang theo bên mình để sẵn sàng tự kiểm soát cơn đau thắt ngực trong mọi tình huống kể cả di chuyển trên máy bay, tàu xe, đang đi du dịch…

Theo bác sĩ Hội Tim mạch Học Việt Nam, việc hướng dẫn dùng thuốc trong tình huống khẩn cấp rất cần thiết nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh. Chẳng hạn, với dạng xịt dưới lưỡi, bệnh nhân cần ngồi ổn định, cầm lọ thuốc theo chiều thẳng đứng, xịt từ 5 đến 7 nhát ra ngoài không khí (để chắc chắn vòi xịt thuốc được làm đầy với dung dịch thuốc). Tiếp theo, bệnh nhân há miệng và để lọ thuốc gần nhất có thể, nhằm vào phía dưới lưỡi, dùng ngón trỏ ấn mạnh nút lọ để bơm thuốc vào dưới lưỡi.

Khi thuốc đã được đưa vào dưới lưỡi thì ngậm miệng lại ngay lập tức, lưu ý, bệnh nhân không được hít thuốc vào đường thở. Nếu sau 5 phút cơn đau vẫn chưa cải thiện, có thể thực hiện tiếp quá trình này một lần nữa. Bệnh nhân chỉ nên dùng tối đa 3 nhát xịt trong vòng 15 phút, sau 3 lần xịt cơn đau không kết thúc, cần nhờ người thân đưa đến cơ sở y tế để nhận trợ giúp.

(Suckhoedoisong)

 

 

DMCA.com Protection Status