Tắc động mạch chi dưới cấp tính: Chẩn đoán sớm, tránh biến chứng nguy hiểm
Lượt xem: 1.171 Ngày đăng: 03/06/2020
Ai dễ mắc bệnh?
Hẹp và tắc nghẽn động mạch chi dưới do các mảng xơ vữa là nguyên nhân thường gặp nhất. Khi tắc động mạch, lượng máu đến nuôi chân giảm đi, đến một mức độ nào đó sẽ gây tình trạng thiếu máu nuôi chân ở các mức độ khác nhau.
Những đối tượng thường mắc bệnh này là: người lớn tuổi, hút thuốc lá, có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động và trong gia đình có người bệnh xơ vữa mạch là đối tượng dễ mắc bệnh động mạch tắc nghẽn mạn tính.
Nguyên nhân của bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng bệnh lý này, trong đó vữa xơ động mạch chiếm hàng đầu. Hậu quả của bệnh động mạch chi dưới mạn tính ít gây tử vong (khoảng 1%) nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống, sinh hoạt, làm việc và lao động của người bệnh, thậm chí trở thành tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều trị còn nhiều khó khăn cả về phương diện nội, ngoại khoa cũng như phục hồi chức năng.
Hình ảnh tắc động mạch chi dưới.
Biểu hiện thế nào?
Để chẩn đoán tắc mạch thường không khó và các triệu chứng khá điển hình. Người bệnh sẽ có 5 dấu hiệu cơ bản sau: Đau (pain): có thể thay đổi tùy theo thời điểm khởi phát, tiến triển theo thời gian, vị trí và mức độ tắc nghẽn; Mất mạch (pulselessness): sờ mạch mu chân không thấy là một dấu hiệu gợi ý có giá trị, cần siêu âm doppler ngay lập tức khi nghi ngờ để chẩn đoán xác định; Xanh nhợt (pallor): sờ vào chi thấy xanh nhợt và lạnh. Dấu hiệu lạnh chi so với bên đối diện rất quan trọng và đặc hiệu; Rối loạn cảm giác chi (paresthesia): khoảng 50% các trường hợp có biểu hiện tê bì, dị cảm; Liệt vận động (paralysis): là dấu hiệu gợi ý tiên lượng rất xấu cho người bệnh.
Để hỗ trợ chẩn đoán, hiện nay, 2 xét nghiệm cận lâm sàng chính giúp chẩn đoán chính xác là siêu âm mạch máu và chụp cắt lớp vi tính đa dãy (có tiêm thuốc cản quang).
Trên lâm sàng, người ta chia thành 3 giai đoạn để giúp cho thầy thuốc có kế hoạch điều trị cho phù hợp.
Giai đoạn I: Người bệnh chưa mất cảm giác, vận động cơ còn tốt. Kiểm tra còn có mạch. Giai đoạn này không đe dọa cắt cụt chi ngay lập tức và có thể bảo tồn được;
Giai đoạn IIa: Người bệnh không yếu cơ (còn vận động tốt) nhưng đã mất cảm giác ở đầu chi (như ở ngón chân). Những trường hợp này có thể bảo tồn chi, tuy nhiên cần theo dõi rất sát.
Giai đoạn IIb: Người bệnh đã mất cảm giác chi, phía trên các ngón chân, có liệt nhưng không hoàn toàn. Đây là trường hợp cần cấp cứu không thể trì hoãn, chỉ có thể bảo tồn chi nếu điều trị can thiệp ngay lập tức.
Giai đoạn III: Đây là giai đoạn cuối với biểu hiện liệt và mất cảm giác hoàn toàn chi. Khi bệnh nhân trong giai đoạn này sẽ không thể bảo tồn chi, bắt buộc phải cắt cụt chi tránh tử vong do nhiễm độc chi bị hoại tử.
Phương pháp điều trị
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị sớm sẽ dẫn đến đầu chi không được cung cấp máu đầy đủ, có thể phải cắt cụt chi do hoại tử. Vì vậy, phát hiện sớm và điều trị đúng chuyên khoa là điều quan trọng nhất. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:
Điều trị bằng thuốc: Tất cả bệnh nhân đều phải được điều trị bằng thuốc một cách hệ thống. Các thuốc được dùng gồm thuốc chống huyết khối (thuốc chống ngưng tập tiểu cầu), các thuốc vận mạch, giúp điều hòa lưu huyết, tăng khả năng biến dạng của hồng cầu, giảm tình trạng kết tập tiểu cầu, tăng cường máu đến nuôi dưỡng chi.
Điều trị bằng can thiệp mạch: Đây là phương pháp tiên tiến và đã được áp dụng tại nhiều trung tâm tim mạch. Phương pháp này không phải mổ, chỉ dùng một dụng cụ luồn vào động mạch bị hẹp, nong đoạn hẹp và đặt giá đỡ (stent) tại vị trí hẹp. Kết quả của điều trị bằng can thiệp mạch đã đạt được kết quả rất tích cực.
Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị cơ bản, bác sĩ sẽ làm một cầu nối mới đi vòng qua chỗ động mạch bị tổn thương. Có thể dùng cầu nối bằng tĩnh mạch hoặc bằng mạch nhân tạo. Dù điều trị bằng ngoại khoa hay bằng can thiệp mạch, sau đó người bệnh vẫn tiếp tục được theo dõi và duy trì điều trị thuốc.
Lời khuyên của bác sĩ
Ở giai đoạn sớm, điều trị nội khoa mang lại kết quả, bệnh nhân cần tích cực điều trị các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp và rối loạn mỡ máu đi kèm kết hợp với uống thuốc ức chế kết tập tiểu cầu như aspirin, clopidogrel, thuốc giảm mỡ máu nhóm statin và thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển. Giai đoạn này, bệnh nhân cần nghiêm túc thay đổi lối sống, loại bỏ các yếu tố nguy cơ như bỏ thuốc lá, thuốc lào, hạn chế rượu bia. Bệnh nhân cần phòng tránh tăng huyết áp bằng cách: chỉ nên ăn 3 bữa/ngày, không nên ăn vặt, tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật, nên ăn các món hấp, luộc; tránh các chất kích thích như trà, cà phê; nên ăn nhiều rau quả xanh để cung cấp chất xơ cho cơ thể và các sản phẩm từ ngũ cốc, trái cây, sản phẩm từ sữa; dùng dầu thực vật thay mỡ động vật…; hạn chế ăn muối, các nước chấm mặn, các thực phẩm giàu natri như tôm khô, trứng vịt muối, chanh muối, thịt chà bông… Bệnh nhân cũng cần tăng hoạt động thể lực: tập thể dục đều đặn vừa sức như đi bộ, bơi lội trong vòng 30-45 phút, 3-4 lần/tuần.
BS. Quang Anh
(Suckhoedoisong)