Sự thật về vắc-xin phòng chống các loại ung thư, khiến nhiều người “phát sốt”
Lượt xem: 1.452 Ngày đăng: 01/04/2019
Tuy nhiên, thực hư của loại sản phẩm này ra sao có đúng như những gì đã giới thiệu?
Mục lục
Đã có “lối thoát” cho người bệnh ung thư?
Trong vai một người muốn tìm hiểu về loại vắc-xin ung thư của Nhật Bản đang được quảng cáo trên mạng, chúng tôi được phía người rao bán quảng cáo loại vắc-xin có khả năng ngăn ngừa các loại ung thư, và nếu có nhu cầu có thể đăng ký tiêm tại Việt Nam hoặc Nhật Bản.
Khi được nói muốn sang Nhật Bản điều trị ung thư, chúng tôi được báo giá chi phí sẽ tùy vào từng giai đoạn của bệnh ung thư. Nếu ung thư giai đoạn 1 chi phí điều trị và điều chế vắc-xin khoảng 500 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại ăn ở cho bệnh nhân. Nếu ung thư ở giai đoạn 2 thì chi phí lên 700 triệu đồng, giai đoạn 3 chi phí là 900 triệu đồng và giai đoạn 4 chi phí là 1,5 tỷ đồng.
Không chỉ loại vắc-xin nói trên, mới đây một phương pháp điều trị vắc-xin hệ miễn dịch cũng được giới thiệu tại Việt Nam với những lời quảng cáo đầy “sức nặng”. Phương pháp này được giới thiệu như sau: bác sĩ sẽ lấy máu của người bệnh để nuôi cấy và huấn luyện tế bào tua về thông tin loại ung thư trong cơ thể. Sau đó, tế bào tua sẽ được tiêm lại vào khối u để “chỉ dẫn” tạo ra hệ thống tế bào miễn dịch đi tìm và diệt tế bào ung thư trong máu. Nhờ tác động loại bỏ sạch tế bào ung thư này khỏi máu mà liệu pháp này có thể ngăn chặn được ung thư di căn và tái phát.
Sau khi chỉ số biểu thị khối u trong máu đã bình thường và xác nhận khối u đã biến mất hoàn toàn, người bệnh sẽ được tiếp tục phòng ngừa tái phát bằng cách duy trì tiêm tế bào tua. Đáng nói là vắc-xin này được giới thiệu là tỷ lệ khỏi bệnh lên đến 70%.
Bệnh nhân ung thư nên điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa. Ảnh: TM
Chỉ có duy nhất 1 vắc-xin được cấp phép sử dụng trong ung thư tiền liệt tuyến
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS. Phạm Xuân Dũng – Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM cho biết, vắc-xin trong điều trị ung thư đã được nghiên cứu thời gian gần đây. Dù nó hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả nhưng đến nay loại vắc-xin này vẫn chỉ trong nghiên cứu. Cho đến hiện nay chỉ có duy nhất 1 vắc-xin điều trị ung thư dựa trên nguyên tắc huấn luyện các tế bào miễn dịch được cấp phép sử dụng là sipuleucel-T, dùng trong ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn tiến xa kháng với cắt tinh hoàn.
Giám đốc BV Ung bướu TP. Hồ Chí Minh cũng cho biết, để một loại vắc-xin hoạt động phải trải qua nhiều giai đoạn nghiên cứu: tiền lâm sàng (xác định thật rõ các đặc tính lý, hóa, sinh học trong phòng thí nghiệm, trên động vật) và trên lâm sàng (nghiên cứu trên con người). Các nghiên cứu lâm sàng được chia làm 3 giai đoạn (gọi là 3 pha) gồm xác định tính an toàn và độc tính; xác định đáp ứng (bướu có giảm bớt hay không) và xác định hiệu quả (trị khỏi bệnh, kéo dài thời gian sống hay cải thiện chất lượng sống). Lưu ý là bướu giảm bớt kích thước không đồng nghĩa khỏi bệnh lâu dài. Chỉ có những vắc-xin vượt qua được cả 3 giai đoạn nghiên cứu lâm sàng mới được cấp phép sử dụng và đưa vào các phác đồ hay hướng dẫn điều trị.
Theo đó, TS. Dũng khuyến cáo người dân thật tỉnh táo dựa trên các chứng cứ khoa học, tránh nhầm lẫn giữa phòng ngừa và điều trị, giữa đáp ứng và trị khỏi, giữa còn đang nghiên cứu hay đã có kết luận và cấp phép như đã nêu trên.
Phương pháp này chưa được thông qua tại Nhật Bản
Đồng quan điểm trên, TS.BS. Phạm Nguyên Quý, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư nội khoa, BV Đại học Kyoto, Nhật Bản và cũng là một thành viên trụ cột của Nhóm Hỗ trợ bệnh nhân ung thư, Dự án Y học cộng đồng, anh cũng nhận được nhiều câu hỏi của bệnh nhân thậm chí cả một số bác sĩ ở Việt Nam về vắc-xin này sau khi được nghe quảng cáo.
Khẳng định về điều này, BS. Quý cho biết, phương pháp điều trị ung thư bằng vắc-xin ở Nhật Bản chưa được PMDA của Nhật (như Cơ quan Quản lý thực phẩm và thuốc, FDA ở Hoa Kỳ) công nhận về độ an toàn cũng như hiệu quả. “Tôi không chỉ trích thử nghiệm tự do để cống hiến cho khoa học, nhưng tôi phản đối việc đưa thông tin không chính xác để kiếm lời trên kỳ vọng của bệnh nhân” – BS. Quý nói.
Bên cạnh đó, BS. Phạm Nguyên Quý cũng cho biết, ở Nhật Bản các bác sĩ thường chỉ khuyến khích bệnh nhân điều trị thuốc nằm trong phạm vi bảo hiểm bởi những hiệu quả chắc chắn và cao nhất (không phải 100% nhưng là cao nhất đã được chứng minh) với số tiền mà bệnh nhân trả là thấp nhất ở thời điểm hiện tại. Vì thế, bệnh nhân vẫn cần có tư vấn của bác sĩ điều trị và hỏi thêm ý kiến thứ hai từ những bác sĩ khác và cần tìm hiểu thông tin từ những website chính thống của các Hiệp hội Ung thư của Mỹ và châu Âu trước khi quyết định đầu tư số tiền lớn vào các phương pháp điều trị “được cho là tiềm năng”.
H.Nguyên – P. Linh