Dược lâm sàng – Khái niệm, điều kiện, hoạt động, quyền và nghĩa vụ
Lượt xem: 824 Ngày đăng: 08/11/2023
Là sinh viên ngành Dược hay Dược sĩ đang công tác tại các cơ sở khám chữa bệnh, chắc chắn bạn đã từng được nghe về Dược lâm sàng. Đây là một thuật ngữ thông dụng trong Y văn và thực hành Dược. Để bạn hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, dưới đây là những thông tin đã được Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tổng hợp dựa trên Luật Dược số 105/2016/QH13 và Nghị định 131/2020/NĐ-CP.
Mục lục
1. Dược lâm sàng là gì?
Dược lâm sàng là hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành Dược về tư vấn sử dụng thuốc đảm bảo an toàn, hiệu quả và tối ưu hóa (Theo Luật Dược số 105/2016/QH13). Ở trong bệnh viện hay các cơ sở thuốc, đây là một chuyên khoa Y tế chuyên phát triển cũng như thúc đẩy việc sử dụng các loại thuốc và dụng cụ Y tế. Đây là chuyên khoa phát triển và thúc đẩy việc sử dụng thuốc, dụng cụ Y tế
Bên cạnh đó, Dược lâm sàng cũng là một trong năm chuyên ngành Dược phổ biến hiện nay. Khác với Dược thông thường, ngành học này thiên về phân tích các nhu cầu của người dùng với thuốc, cách dùng cũng như tác động của thuốc lên bệnh nhân.
2. 6 Điều kiện để được phụ trách công tác Dược lâm sàng
Cá nhân muốn tham gia công tác này trong các cơ sở khám chữa bệnh cần đáp ứng những điều kiện được nêu trong điều 21 Luật Dược số 105/2016/QH13. Về cơ bản, những cá nhân phụ trách công tác Dược lâm sàng cần đảm bảo những điều sau:
- Có văn bằng, chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận chuyên môn được cấp hoặc công nhận phù hợp với vị trí hoạt động (từ Đại học trở lên).
- Đáp ứng thời gian thực hành 2 năm tại các cơ sở khám chữa bệnh hoặc tại các cơ sở dược theo quy định của Chính phủ và Bộ trưởng bộ Y tế.
- Có giấy khám sức khỏe và đủ điều kiện để hành nghề do cơ sở Y tế có thẩm quyền cấp phép.
- Không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, trong thời gian cấm hành nghề, bị hạn chế năng lực hành vi nhân sự,…
- Với đối tượng chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của nhà thuốc có thể đồng thời là người làm công tác dược lâm sàng tại nhà thuốc.
- Với cá nhân hoạt động tại cơ sở khám chữa bệnh bằng Y học cổ truyền thì cần văn bằng, chứng chỉ,… liên quan theo quy định.
Xem thêm: Học dược có cần máy tính không
Ngành Dược mỹ phẩm học trường nào
3. Những hoạt động Dược lâm sàng và cách triển khai
3.1 Hoạt động Dược lâm sàng
Trên thực tế, hoạt động này không chỉ để nói về công việc của các Dược sĩ tại bệnh viện. Những Dược sĩ tại nhà thuốc, Dược sĩ công cộng,… cũng đều có thể thực hiện các hoạt động này để đem lại hiệu quả thăm khám và điều trị tốt nhất. Những hoạt động đó có thể kể đến như:
- Thực hiện tư vấn cho các cơ sở khám chữa bệnh danh mục thuốc phù hợp với mục tiêu sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
- Tư vấn, giám sát hoạt động kê đơn và sử dụng thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh.
- Hướng dẫn sử dụng thuốc cho người hành nghề khám chữa bệnh cũng như những bệnh nhân sử dụng thuốc trong cộng đồng.
- Xây dựng quy trình, hướng dẫn chuyên môn và giám sát quy trình sử dụng thuốc.
- Theo dõi, đánh giá và phân tích hiệu quả sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh.
- Tham gia theo dõi và giám sát các phản ứng có hại của thuốc.
- Nghiên cứu hoạt động nghiên cứu khoa học liên quan đến sử dụng thuốc lý, an toàn, hiệu quả.
3.2 Làm sao để triển khai hoạt động Dược lâm sàng?
Để triển khai hoạt động này, cá nhân đứng đầu của cơ sở khám chữa bệnh có sử dụng thuốc phải tổ chức cũng như triển khai đầy đủ các hoạt động đã nêu trên. Nếu hoạt động nhà thuốc, Dược sĩ cần đáp ứng điều 2, 3 và 6 đã nêu ở trên. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cần đảm bảo về trách nhiệm thực hiện hoạt động này cụ thể như sau:
- Với người đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh cần bố trí đủ số lượng người làm công tác Dược lâm sàng, đảm bảo đào tạo và cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Với trưởng khoa, trưởng bộ phận cần trực tiếp tổ chức hoạt động, chịu trách nhiệm chuyên môn, ban hành quy trình và phối hợp các phòng khoa khác.
- Với cá nhân phụ trách sẽ đưa ra tư vấn, đề xuất, phân công và chỉ đạo theo chỉ thị, tổ chức triển khai và ghi chép, báo cáo kết quả hoạt động.
- Với cá nhân thực hiện cần thực hiện theo đúng các hoạt động Dược lâm sàng đã nêu trên, làm việc theo phân công, tham gia nghiên cứu và báo cáo định kỳ.
- Với các khoa, phòng ban, bộ phận cần phối hợp, tuân theo chỉ đạo chuyên môn cũng như báo cáo và chịu trách nhiệm về hoạt động bản thân.
Xem thêm: Ngành Hóa Dược ra trường làm gì? Bật mí 5 vị trí công việc cụ thể
4. Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện công tác Dược lâm sàng
Tại cơ sở khám chữa bệnh
- Được tiếp nhận bệnh nhân, bệnh án và đơn thuốc để đưa ra tư vấn cho người kê đơn sử dụng thuốc.
- Trao đổi với đội ngũ Y bác sĩ về việc kê đơn và sử dụng thuốc sao cho hợp lý, an toàn, hiệu quả.
- Được ghi chép ý kiến chuyên môn trong hồ sơ bệnh án và đơn thuốc.
- Được phản ánh ý kiến với Hội đồng thuốc và điều trị hoặc cá nhân đứng đầu cơ sở khám chữa bệnh nếu có ý kiến khác nhau về việc kê đơn, sử dụng thuốc cho người bệnh.
- Tham gia hội chẩn chuyên môn, bình luận về bệnh án, đơn thuốc.
- Theo dõi và giám sát các phản ứng có hại của thuốc.
- Yêu cầu thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của Pháp luật.
- Tham gia xây dựng hướng dẫn điều trị, danh mục thuốc, quy trình chuyên môn kỹ thuật liên quan đến thuốc.
Tại nhà thuốc
- Đưa ra tư vấn, cung cấp thông tin về thuốc cho người mua cũng như người sử dụng thuốc.
- Tư vấn, trao đổi với người kê đơn trong trường hợp phát hiện việc kê đơn thuốc không hợp lý.
- Tham gia theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc.
- Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ quy định việc tổ chức, hoạt động cũng như đưa ra một số chính sách dưới đây:
- Với cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước sẽ được đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Dược sĩ chuyên khoa Dược lâm sàng sẽ được ưu tiên tuyển dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước.
- Cơ sở đào tạo cũng sẽ được đầu tư tương tự như trên và có hỗ trợ học phí với người theo học chuyên ngành này.
- Các tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo sẽ được khuyến khích và nhận được nhiều ưu đãi chế độ.
Dược lâm sàng là hoạt động quan trọng trong hệ thống Y tế nhằm đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân và nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh. Hy vọng những thông tin về khái niệm, điều kiện, hoạt động, quyền và nghĩa vụ đã nêu trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lĩnh vực này.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://tuetinh.edu.vn/
http://www.tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi