Bộ GD&ĐT thanh tra 2 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Lượt xem: 1.732 Ngày đăng: 10/09/2019
Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT Lê Mỹ Phong cho biết, Bộ GD&ĐT đang thanh tra 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Thanh tra để điều chỉnh chính sách
Theo Phó cục trưởng Lê Mỹ Phong, hiện nay, trên cả nước có 05 tổ chức KĐCLGD được thành lập và cấp phép hoạt động được đặt tại các trường đại học, trong đó, 04 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định thành lập (Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm KĐCLGD – Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm KĐCLGD – Đại học Đà Nẵng, Trung tâm KĐCLGD – Trường Đại học Vinh) và 01 tổ chức KĐCLGD do Bộ trưởng Bộ GDĐT cho phép thành lập (Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam).
Giám đốc các trung tâm cũng do chính Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bổ nhiệm chứ không phải do giám đốc ĐH hay hiệu trưởng trường ĐH bổ nhiệm.
2 tổ chức mà Bộ GD&ĐT đang thanh tra là Trung tâm KĐCLGD trực thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Trung tâm KĐCLGD – Đại học Đà Nẵng.
Trao đổi với báo chí, ông Phong cho rằng, Bộ muốn thông qua kiểm tra này để có những đánh giá nghiêm túc, đưa ra bức tranh rõ ràng về kiểm định, để điều chỉnh chính sách phù hợp.
Tính đến ngày 31/8/2019, đánh giá theo tiêu chuẩn trong nước thì có có 255 cơ sở giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá (trong đó có 222 cơ sở GDĐH và 33 trường cao đẳng sư phạm); 133 cơ sở GDĐH và 07 trường cao đẳng sư phạm được các tổ chức KĐCLGD trong nước đánh giá ngoài, trong đó 123 cơ sở GDĐH và 05 trường cao đẳng sư phạm được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Có 67 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn trong nước, trong đó có 19 chương trình đào tạo được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn ban hành kèm theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT. Đây là bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Nhiều quy định lạc hậu, không sát thực tế
Theo phản ánh của nhiều trường đại học, hệ thống văn bản kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình mới; cơ chế, chính sách khuyến khích cũng như các chế tài về công tác KĐCLGD còn chưa cụ thể; một số quy định về tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo còn chưa được ban hành (như chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp; chương trình đào tạo từ xa đối với giáo dục đại học…); một số hướng dẫn đánh giá đã được ban hành nhưng còn chậm.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chuyên trách ở cấp hệ thống còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác bảo đảm và KĐCLGD. Hệ thống phần mềm quản lý về bảo đảm và KĐCLGD chưa được thiết lập và vận hành.
Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong thừa nhận, hoạt động đánh giá ngoài và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng của các tổ chức KĐCLGD dần đi vào nền nếp và đang từng bước được hoàn thiện, nhưng vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, chưa đồng đều giữa các tổ chức KĐCLGD.
Đội ngũ đánh giá viên và kiểm định viên còn thiếu và chưa được sử dụng có hiệu quả; trong khi có một số người tham gia rất nhiều đoàn đánh giá thì nhiều người khác từ khi có thẻ kiểm định viên đến nay chưa từng được mời tham gia.
Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực thi hành từ 01/7/2019 yêu cầu các tổ chức KĐCLGD phải độc lập về tổ chức với cơ quan quản lý nhà nước và với cơ sở giáo dục đại học.
Trả lời câu hỏi của Dân trí là vì sao các trường đăng ký tham gia kiểm định đều được công nhận đạt chuẩn chất lượng?
Phó Cục trưởng Lê Mỹ Phong cho biết, các tổ chức kiểm định đều hoạt động theo 3 nguyên tắc: Độc lập, khách quan, đúng pháp luật; trung thực, công khai, minh bạch và bình đẳng, bắt buộc, định kỳ. Trong các nhóm nguyên tắc này, độc lập là yếu tố đầu tiên, quan trọng nhất của tất cả các mô hình kiểm định.
“Do vậy, kiểm định không nhằm vào việc loại bỏ trường nào đó mà là để các trường có mục tiêu phù hợp rồi phấn đấu” – ông Phong nhấn mạnh.
Theo ông Phong, quy trình thực hiện kiểm định hiện nay là các trường gửi báo cáo tự đánh giá về cơ quan chủ quản, về Cục Quản lý chất lượng để kiểm tra theo đúng yêu cầu của bộ tiêu chuẩn hay chưa.
Sau đó, Cục đưa tên đơn vị vào danh sách những đơn vị đã hoàn thành tự đánh giá. Căn cứ vào đó, trường tự liên hệ và gửi báo cáo tự đánh giá tới cơ quan kiểm định để đăng ký đánh giá ngoài. Tổ chức kiểm định xét thấy tỷ lệ số tiêu chí đạt khi đánh giá ngoài của trường không được 80% thì sẽ không lập hội đồng kiểm định. Chính vì vậy, có những trường biết mình chưa đạt thì chưa đề nghị đánh giá. Vì thế mới có tỷ lệ được công nhận sau thẩm định cao.
Hồng Hạnh
(Dantri)