Chẩn đoán Điều dưỡng là gì? Mục đích, cấu trúc và ví dụ cụ thể
Lượt xem: 11.782 Ngày đăng: 13/10/2023
Thuật ngữ “chẩn đoán Điều dưỡng” được sử dụng rất phổ biến và mang tính đặc trưng của lĩnh vực Y tế. Dựa vào các kiến thức chuyên môn, Điều dưỡng viên có thể đưa ra những nhận định dựa trên tình trạng cụ thể của bệnh nhân nhằm hỗ trợ công tác khám chữa bệnh. Cùng tìm hiểu chi tiết về chủ đề này ngay bây giờ.
Mục lục
1. Chẩn đoán Điều dưỡng là gì?
Chẩn đoán Điều dưỡng là một bước quan trọng của quy trình Điều dưỡng nhằm nêu lên vấn đề hiện tại hoặc tiềm ẩn của người bệnh cùng nguyên nhân của nó. Loại chẩn đoán này được thực hiện bởi các Điều dưỡng viên hoặc Y tá và tương đối phổ biến tại nước ngoài. Tuy nhiên ở Việt Nam thì vẫn chưa có cơ sở hay sự thống nhất rõ ràng.
Công thức chính được áp dụng là “Chẩn đoán Điều dưỡng” = “Vấn đề của người bệnh” + “Nguyên nhân”. Yêu cầu của Chẩn đoán Điều dưỡng là phải chính xác, dựa trên sự kiện hay dấu hiệu có thật, ngắn gọn và cụ thể.
2. Mục đích của chẩn đoán Điều dưỡng
Trong quy trình Điều dưỡng, đây là một bước vô cùng quan trọng mà các Điều dưỡng viên và Y tá cần thực hiện nhằm:
- Xác định ưu tiên Điều dưỡng cũng như các hướng can thiệp phù hợp dựa trên vấn đề hiện tại hoặc tiềm tàng của bệnh nhân.
- Hình thành các chuyển biến, kết quả như mong đợi cho yêu cầu đảm bảo chất lượng của người thanh toán bên thứ ba.
- Xác định cách một hay một nhóm khách hàng phản ứng với sức khỏe và cuộc sống như thế nào. Qua đó, Điều dưỡng viên cũng xác định được nguồn lực sẵn có để thực hiện ngăn ngừa và giải quyết vấn đề.
- Cung cấp ngôn ngữ chung làm cơ sở để giao tiếp giữa các chuyên gia, Điều dưỡng viên, bác sĩ,…
- Đưa ra cơ sở đánh giá hoạt động chăm sóc Điều dưỡng có hiệu quả và tiết kiệm chi phí hay không.
- Công cụ giảng dạy hiệu quả giúp rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện.
3. Cấu trúc của một chẩn đoán Điều dưỡng
Theo NANDA International, hệ thống chẩn đoán Điều dưỡng gồm có 4 phần riêng biệt dưới đây.
- Chẩn đoán nhu cầu thực tại: Phán đoán lâm sàng về trải nghiệm/phản ứng của bệnh nhân với tình trạng sức khỏe/quá trình sống của một cá nhân, gia đình hay cộng đồng.
- Xác định đúng nguy cơ: Mô tả phản ứng của bệnh nhân với các điều kiện sức khỏe/quá trình sống có thể phát triển ở một cá nhân, gia đình hay công đồng.
- Chẩn đoán hội chứng: Phán đoán lâm sàng mô tả một chuỗi chẩn đoán Điều dưỡng cụ thể cùng xảy ra và giải quyết cũng như thông qua các biện pháp can thiệp tương tự.
- Đề nghị người bệnh thay đổi hành vi: Phán đoán lâm sàng về động cơ hay mong muốn của một cá nhân, gia đình, cộng đồng nhằm nâng cao lợi ích và hiện thực hóa tiềm năng sức khỏe con người. Điều này thể hiện qua việc sẵn sàng nâng cao hành vi sức khỏe cụ thể và được sử dụng trong bất kỳ tình trạng nào.
4. Sự khác nhau giữa chẩn đoán Y khoa và chẩn đoán Điều dưỡng
Cả hai loại chẩn đoán này đều là những thuật ngữ trong khoa học y tế nhưng có sự khác biệt rất lớn về các tính năng cũng như chủ thể. Dưới đây là bảng so sánh đã được Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tổng hợp.
Chẩn đoán Điều dưỡng | Chẩn đoán Y khoa |
Mô tả sự phản ứng của người bệnh với bệnh tật và sẽ có sự khác nhau giữa mỗi cá nhân. | Mô tả cụ thể một bệnh lý rõ ràng và giống nhau với tất cả bệnh nhân. |
Hướng tới chăm sóc, hoạt động điều dưỡng bệnh nhân. | Hướng tới xác định bệnh. |
Thay đổi tùy thuộc vào phản ứng của người bệnh. | Duy trì xuyên suốt thời gian thăm khám và điều trị. |
Bổ sung cho quá trình điều trị. | Bổ sung cho quá trình chăm sóc, điều dưỡng. |
Xem thêm: Điều dưỡng Đa khoa là gì? Học mấy năm? Làm gì? Lương bao nhiêu?
Điều dưỡng trưởng khoa và 4 vai trò quan trọng
5. 5 Ví dụ về chẩn đoán Điều dưỡng
Để bạn đọc có thể hiểu rõ hơn về chủ đề này, Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội xin đưa ra 5 ví dụ cụ thể về chẩn đoán Điều dưỡng dưới đây.
Hen phế quản:
- Khó thở do co thắt tiểu phế quản.
- Kích thích, vật vã do thiếu khí.
- Nguy cơ tái phát do tiếp xúc với dị nguyên.
Thoái hóa khớp:
- Hạn chế vận động do đau nhức xương khớp.
- Teo cơ do ít vận động.
- Chi bị biến dạng do xương mọc gai, lệch trục hoặc thoát vị màng hoạt dịch.
Tăng huyết áp:
- Mất ngủ do nhức đầu.
- Hoa mắt, chóng mặt do thiếu máu não.
- Nguy cơ nhồi máu cơ tim do tăng huyết áp.
Loét dạ dày tá tràng:
- Nguy cơ xuất huyết do ổ loét sâu.
- Lo lắng do sợ bệnh chuyển biến xấu.
Đái tháo đường:
- Uống nhiều, tiểu nhiều do tăng áp lực thẩm thấu.
- Nguy cơ hạ đường huyết do sử dụng insulin.
- Tê chân tay và có cảm giác kiến bò do viêm thần kinh ngoại biên.
Xem thêm: Y học cổ truyền Việt Nam và lịch sử hình thành phát triển
Tuyển sinh Điều dưỡng 2024: Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Trên đây là những thông tin quan trọng về chủ đề “Chẩn đoán Điều dưỡng” do Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã nắm rõ khái niệm, mục đích, cấu trúc và phân biệt được rõ thuật ngữ này. Cảm ơn vì đã theo dõi bài viết của chúng tôi.
TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI
http://www.tuetinh.edu.vn/
http://www.tuyensinh.tuetinh.edu.vn/
https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi