Chuyển mùa, cần phòng ngừa viêm mũi dị ứng và các biến chứng
Logo

Chuyển mùa, cần phòng ngừa viêm mũi dị ứng

Lượt xem: 1.087 Ngày đăng: 14/01/2020

Rate this post
Viêm mũi dị ứng là bệnh gia tăng nhanh trong những năm gần đây.

Bệnh có nhiều triệu chứng giống với viêm mũi thông thường, do vậy, cần phân biệt hai dạng viêm mũi để có biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.

Viêm mũi dị ứng thường xảy ra lúc chuyển mùa

Khi chuyển mùa hay khi thời tiết thay đổi liên quan đến thay đổi nồng độ các loại phấn hoa, cùng với đó, thời tiết nóng ẩm cũng là môi trường thuận lợi cho bào tử nấm mốc và các loại ký sinh trùng phát triển gây bệnh. Đây chính là lý do khiến viêm mũi dị ứng thường xảy ra lúc chuyển mùa.

Bệnh viêm mũi dị ứng là tình trạng niêm mạc mũi phản ứng khi tiếp xúc với các yếu tố dị nguyên đường hô hấp gây nên các triệu chứng đặc trưng như là: ngạt mũi, ngứa mũi, hắt hơi và chảy nước mũi. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng chủ yếu là do phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các vật lạ được gọi là kháng nguyên hay dị nguyên với cơ thể như: bụi, phấn hoa, hóa chất, bông, vải, sợi, lông chó mèo, khói bếp, khói thuốc, khói nhà máy, ký sinh trùng (bào tử nấm mốc, chét, mạt, mò…), do dùng thuốc, hay qua đường ăn uống (một số loại thực phẩm tôm, cua, ốc…). Các tác nhân này xuất hiện ở mọi nơi mọi lúc và chúng đóng vai trò là các kháng nguyên, khi gặp kháng thể tương ứng trong cơ thể lập tức sẽ xảy ra hiện tượng phản ứng, đó là phản ứng dị ứng. Phản ứng dị ứng này xảy ra ngay ở lớp nhầy niêm mạc của đường hô hấp trên (mũi, họng, xoang…) gây ra hiện tượng viêm và kích thích niêm mạc với các biểu hiện như là ngứa mũi, hắt hơi, ngạt mũi và chảy nước mũi.

Viêm mũi dị ứng xảy ra do cơ chế phản ứng của cơ thể với các dị nguyên.

Viêm mũi dị ứng xảy ra do cơ chế phản ứng của cơ thể với các dị nguyên.

Các loại viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng theo chu kỳ: Đa phần xảy ra vào đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng, nóng ẩm, tỷ lệ mắc bệnh tùy thuộc vào thời tiết. Ngoài ra, cách điều trị viêm mũi dị ứng còn tùy thuộc mức độ bệnh và tiến triển thành mạn tính hay chưa. Người bệnh thường gặp các triệu chứng như sau: Thấy cay cay trong mũi, ngứa mũi dẫn đến hắt hơi liên tục; cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt; chảy nhiều nước mũi trong suốt giống như nước lã; vùng vòm hầu họng có cảm giác ngứa; những cơn hắt hơi chảy nước mũi xuất hiện nhiều hơn vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy, đến tối lại dịu đi; Nếu không được chữa trị, triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.

Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ: Biểu hiện cũng giống như loại có chu kỳ. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ, bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc vào thời tiết. Cơn viêm mũi không xảy ra đột ngột mà chỉ có dấu hiệu hắt hơi vài cái, nhưng tình trạng nghẹt mũi thường tăng dần và kéo dài hơn trong khoảng thời gian giữa hai cơn liên tiếp.

Bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng ngày qua ngày trong thời gian dài sẽ trở thành bệnh mạn tính. Khi đó, tình trạng nghẹt mũi xảy ra gần như thường xuyên, có khả năng dẫn đến ù tai kèm theo nhức đầu, đau nặng đầu (những triệu chứng này khá giống với viêm xoang, rất dễ gây nhầm lẫn). Một số trường hợp người bệnh viêm mũi dị ứng mạn tính kéo dài có thể gây ra loạn khứu giác (mất mùi) hoặc ngủ ngáy do bị nghẹt mũi. Hơn nữa, do bị nghẹt mũi cho nên người bệnh đa phần phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, rất có thể sẽ dẫn tới bệnh hen suyễn. Người bệnh viêm mũi dị ứng mạn tính cần được chữa trị, nếu không sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, suy giảm trí nhớ, khó chịu, lo lắng và đôi khi dẫn đến trầm cảm. Cách chữa viêm mũi dị ứng mạn tính cũng trở nên khó khăn hơn.

Phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi bình thường

Để phân biệt viêm mũi dị ứng và viêm mũi bình thường (không do dị ứng) thì dựa vào các tiêu chí như sau:

Viêm mũi dị ứng: thường xảy ra ở bệnh nhân đã có tiền sử liên quan đến dị ứng. Nguyên nhân gây bệnh do cơ chế phản ứng của cơ thể với các dị nguyên, làm giải phóng histamin quá mức, gây ra phản ứng quá mẫn (dị ứng). Tác nhân gây bệnh gồm: Bên ngoài là do phấn hoa, lông thú cưng, khói bụi, hóa chất… Bên trong chủ yếu do cơ địa dị ứng, đôi khi do chuyển hóa độc tố của vi khuẩn gây viêm.

Viêm mũi bình thường: thường xảy ra ở bệnh nhân có tiền sử bị viêm mũi do nhiễm khuẩn và lây nhiễm qua đường hô hấp. Tác nhân gây bệnh thường là viêm mũi do nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus…). Viêm mũi không do vi khuẩn: Thường gặp nhất là viêm mũi vận mạch, chủ yếu do mất cân bằng giữa hệ thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Triệu chứng của bệnh: Không đột ngột, hắt hơi ít nhưng lại nghẹt mũi nhiều, nước mũi có dạng dịch nhầy đặc hoặc dịch mủ. Bệnh nhân mệt mỏi, rã rời toàn thân, có thể bị sốt và sợ lạnh.

Phòng bệnh

Những người bị viêm mũi dị ứng không nên nuôi chó mèo trong nhà. Cần giữ cho nhà cửa thoáng mát, sạch sẽ và tránh ẩm ướt nhằm hạn chế nấm mốc phát triển. Tiến hành vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế… để hạn chế ký sinh trùng (mò, mạt) tồn tại và phát triển. Bệnh nhân cũng cần tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với bụi bằng cách đeo khẩu trang khi quét dọn nhà cửa và khi đi ra đường.

Vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, áp thấp nhiệt đới, bão lụt…, những người có cơ địa dị ứng cần phải giữ ấm cho cơ thể: mặc đủ ấm, quàng khăn giữ ấm cổ, tắm nước nóng… Bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng hàng ngày, đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ. Khi đã có các triệu chứng của bệnh, cần đi khám và điều trị sớm, tránh dễ dẫn đến các biến chứng.

 

BS. Trần Hạnh

(Suckhoedoisong)

 

DMCA.com Protection Status