Dạy học trực tuyến sẽ được công nhận chính thức ở trường phổ thông
Lượt xem: 1.223 Ngày đăng: 04/06/2020
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới dạy học trực tuyến sẽ được công nhận là hình thức dạy học chính thức, song song với dạy học trực tiếp trong trường phổ thông.
Chiều 3/6, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá học trực tuyến, truyền hình với các Sở GD&ĐT, các trường ĐH.
Với tinh thần “tạm dừng đến trường không dừng học”, các địa phương cho biết, đều đã triển khai dạy học trực tuyến, truyền hình hiệu quả. Nhờ đó, học sinh không đến trường nhưng vẫn tiếp cận với kiến thức, với thầy cô, được kết nối qua môi trường mạng.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, sau hội nghị này, Bộ sẽ hoàn thiện dự thảo quy chế dạy học trực tuyến ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
Khi có căn cứ pháp lý, việc dạy học trực tuyến sẽ được coi là hình thức dạy học chính thức. Thời gian tới, việc kết hợp giữa học trực tuyến và trực tiếp phải tiếp tục được thực hiện.
Theo Bộ trưởng, dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên, ngành Giáo dục thực hiện một cách bài bản, rộng khắp và có nhiều dấu hiệu tích cực.
Trong quá trình thực hiện mô hình mới, ngành Giáo dục đã nhận được sự quan tâm sát sao của Hội Khuyến học Việt Nam và Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng.
Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua đã khẳng định ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ.
Bộ trưởng cũng khẳng định, phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học.
Qua đó, giải phóng năng lượng lớn cho thầy cô, rất nhiều thủ tục hành chính được giảm, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.
Khảo sát các tỉnh đều đạt trung bình trên 80% học sinh được tiếp cận với hình thức dạy học từ xa, qua internet, trên truyền hình, riêng khu vực thành phố và vùng thuận lợi đạt trên 90%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, việc dạy học qua internet, trên truyền hình cũng còn một số khó khăn, hạn chế về hạ tầng, máy chủ đường truyền, thiết bị kết nối đầu cuối; hạn chế trong tương tác giữa giáo viên và học sinh, nhất là bậc mầm non, phổ thông; học sinh vùng khó khăn chưa có điểu kiện tiếp cận với hình thức dạy học này…
Ông khẳng định, phương thức dạy học qua internet, trên truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai như một phương thức cộng hưởng với dạy học trực tiếp có hiệu quả, rút ngắn thời gian học tập trên lớp của học sinh.
“Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục tinh giản chương trình, thông qua việc đánh giá quá trình tinh giản thời gian qua để hướng tới chương trình phổ thông hiện hành tinh gọn, hiệu quả.
Vừa rút ngắn thời gian dạy và học nhưng chất lượng vẫn đảm bảo, thậm chí được nâng lên và tăng thời gian nghỉ hè của học sinh”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhận định, công tác quản lý học sinh trong thời gian nghỉ học của một số nhà trường chưa tốt; vẫn còn tình trạng học sinh chưa tập trung, nhiều học sinh gặp khó khăn khi trở lại trường…
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, một số trường có hệ thống đào tạo trực tuyến mạnh hoặc có kinh nghiệm trong phát triển nguồn học liệu mở đã thực hiện việc dạy học trực tuyến dễ dàng và ít tốn kém.
Hầu hết các trường còn lại chuyển sang sử dụng lớp học qua mạng theo thời gian thực.
Về phía thầy cô, Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua đã rất nỗ lực để dạy học.
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện chung, cần phải tập trung cho tập huấn, hướng dẫn phương pháp sư phạm dạy trực tuyến cho giáo viên, để dạy học trực tuyến trở thành nghề chứ không phải biết cứ đơn giản biết công nghệ là dạy được.
Đối với học sinh cũng phải được hướng dẫn nâng cao tính tự giác và trách nhiệm của các em, nhất là những kiến thức, kỹ năng phòng tránh tác động xấu khi tham gia vào môi trường mạng.
M. Hà
(Dantri)