Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Địa phương tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Quy trách nhiệm đến từng cá nhân

Lượt xem: 1.353 Ngày đăng: 03/06/2020

Rate this post

Thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Chiến ThắngThí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2019. Ảnh: Chiến Thắng

Nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngành Giáo dục địa phương đều cho rằng, đây là sự thay đổi cần thiết và phù hợp. 

Bổ sung trách nhiệm thành viên

Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành các văn bản quy chế, hướng dẫn; cung cấp phần mềm sử dụng trong kỳ thi; xây dựng, cung cấp đề thi chung cho cả nước và thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm theo quy định hiện hành. UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn bộ về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương, trong đó có việc thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh; duyệt phương án, kế hoạch và kinh phí tổ chức kỳ thi do sở GD&ĐT trình; chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho sở GD&ĐT, thanh tra tỉnh, công an tỉnh và các sở ban, ngành có liên quan của tỉnh, UBND cấp huyện/thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn về kỳ thi do Bộ GD&ĐT ban hành.

Theo ông Trịnh Văn Ngoãn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long, dự thảo Quy chế đã bổ sung trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và cấp tỉnh. Các Quy chế thi trước đây chỉ quy định trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng thi, các Ban của Hội đồng thi và cá nhân tham gia làm nhiệm vụ thi.

“Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi THPT năm 2020 tại địa phương mình”.

Tôi đồng tình và ủng hộ việc Bộ GD&ĐT bổ sung trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia và đặc biệt là Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. Quy định xác định đúng vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Ban chỉ đạo các cấp trong việc tổ chức kỳ thi quan trọng này. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thi phân rõ vai trò của tập thể và cá nhân, việc làm cần thiết để quy trách nhiệm của cá nhân với từng công việc cụ thể” – ông Trịnh Văn Ngoãn nêu quan điểm.

Ảnh minh họa/ INT

Cho rằng, những nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT trong dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT đầy đủ và hợp lý, ông Trần Tuấn Khanh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang – bình luận thêm: Nếu so sánh với văn bản hợp nhất số 02/VBHN-BGDĐT ngày 19/4/2019 của Bộ GD&ĐT, dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020 quy định rõ hơn về trách nhiệm của Bộ GD&ĐT; cụ thể hơn các nhiệm vụ trong việc chỉ đạo tổ chức kỳ thi: Thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp quốc gia, chỉ đạo tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế và xây dựng đề thi.

Quy trách nhiệm rõ ràng, phù hợp

Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Đồng Tháp), ông Trương Thanh Bình cho rằng: Theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2020, các nội dung cơ bản có liên quan đến thi sinh tham gia dự thi không thay đổi nhiều. Về cách tổ chức bài thi, hình thức thi, thời gian làm bài, xét công nhận tốt nghiệp THPT cơ bản không thay đổi.

Điểm mới của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 so với Kỳ thi THPT quốc gia 2019 chủ yếu ở khâu giao trách nhiệm tổ chức kỳ thi, coi thi và chấm thi. Theo dự thảo, việc tổ chức kỳ thi, coi chấm thi được giao trách nhiệc về cho các tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Mỗi tỉnh tổ chức một hội đồng thi do Sở GD&ĐT chủ trì để tổ chức thi cho tất cả thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh. Cán bộ coi thi là giáo viên THPT hoặc THCS trên địa bàn tỉnh; cán bộ giám sát phòng thi là giáo viên trường phổ thông, chấm thi do các Sở GD&ĐT thực hiện.

“Dù được giao về cho địa phương thực hiện, nhưng theo dự thảo Quy chế, các nội dung đều có quy trình thực hiện cụ thể, chặt chẽ, quy trách nhiệm rõ ràng, phù hợp. Qua đó giúp các thí sinh giảm được áp lực trong kỳ thi, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh trong xét tốt nghiệp cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng; địa phương thuận lợi trong quá trình tổ chức kỳ thi vì quy trình thực hiện cơ bản được giữ nguyên” – ông Bình nhận định.

Năm nay, để phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và tình hình dịch bệnh, việc chuyển từ Kỳ thi THPT quốc gia thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT, giao trách nhiệm cho địa phương tổ chức là đúng. Đưa ra quan điểm này, GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông 2018 – cho rằng: Tổ chức kỳ thi là việc của địa phương, Bộ GD&ĐT vẫn nắm khâu ra đề, ban hành quy chế, thanh tra kiểm tra.

“Một trong những ưu điểm của việc Bộ GD&ĐT ra đề thi chung là hạn chế luyện thi tràn lan. Còn nhớ một thời kỳ trước đây, lò luyện thi, bán phao như “nấm mọc sau mưa”. HS sau giờ học chính khóa chạy sô từ lò luyện này sang lò khác, bởi ai cũng hiểu có điều kiện luyện thi tăng cơ hội đỗ và ngược lại, dẫn đến sự thiếu công bằng. Nhưng khi chúng ta tổ chức kỳ thi chung, tình trạng này không còn nữa. Do đó, Bộ GD&ĐT vẫn nên nắm việc ra đề thi” – GS Nguyễn Minh Thuyết nói.

 

(Giaoducthoidai.vn)

DMCA.com Protection Status