Dùng thuốc trị viêm tiểu phế quản ở trẻ: Các lưu ý cần thiết
Lượt xem: 1.811 Ngày đăng: 07/05/2019
Vì vậy các bậc cha mẹ cần chú ý quan tâm phát hiện để ngăn ngừa biến chứng, cũng như dự phòng tích cực nhằm hạn chế nhiễm bệnh. Vậy khi trẻ bị bệnh cha mẹ cần chú ý những gì trong việc dùng thuốc cho trẻ?
Vì sao trẻ nhỏ dễ bị viêm tiểu phế quản?
Ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, do các tiểu phế quản chưa phát triển hoàn chỉnh nên rất dễ bị các virut hợp bào hô hấp RSV (respiratory syncytial virut), cúm influenza visut, á cúm para-influenza virut, adenovirus, rhinovirut… tấn công gây viêm, làm tiểu phế quản phù nề, tắc nghẽn dẫn đến khó thở và khò khè như hen suyễn. Khi trẻ mắc bệnh viêm tiểu phế quản thường có các triệu chứng phổ biến như sổ mũi, nghẹt mũi, ho, sốt nhẹ không thường xuyên, khó thở, thở khò khè, ở trẻ sơ sinh có thể bị viêm tai giữa… Nếu phát hiện trẻ bị nôn, nghe tiếng khò khè, thở nhanh hơn 60 lần mỗi phút, thở mệt và ngực rút lõm khi thở, chậm chạp hoặc hôn mê, không uống đủ nước hoặc thở nhanh và mệt không thể ăn uống, da tái xanh nhất là ở môi và móng tay… thì phải đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế, đặc biệt là trẻ dưới 12 tuần tuổi, trẻ sinh non hoặc mắc bệnh tim phổi để xử trí kịp thời.
Virut hợp bào hô hấp gây viêm tiểu phế quản ở trẻ.
Cần chú ý gì khi dùng thuốc?
Bệnh viêm tiểu phế quản thường diễn biến trong vòng 3 – 7 ngày, tử vong chỉ xảy ra ở thể nặng không được cấp cứu kịp thời và 1/4 trường hợp có thể bị hen phế quản sau này. Thuốc điều trị bệnh viêm tiểu phế quản chủ yếu là chữa triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi và nghẹt mũi, làm loãng đờm, giãn phế quản; chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Thể bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà, các thể bệnh khác phải được điều trị tại cơ sở y tế. Các thuốc thường dùng:
Thuốc hạ sốt: Thường sử dụng acetaminophen (paracetamol) hoặc ibuprofen trong trường hợp sốt cao; dùng ibuprofen phải được bác sĩ chỉ định. Tuyệt đối không được sử dụng aspirin cho trẻ vì gây nhiều tác dụng phụ.
Thuốc trị ho: Không nên sử dụng đối với trẻ dưới 2 tuổi vì ho là một phản xạ có lợi giúp tống đờm và vi khuẩn ra ngoài. Nếu ho nhiều có thể cho trẻ uống mật ong pha nước ấm. Trường hợp cần thiết có thể dùng các loại thuốc trị ho thảo dược theo khuyến cáo của bác sĩ.
Thuốc trị sổ mũi, nghẹt mũi: Không nên dùng thuốc kháng histamin và thuốc chống sung huyết mũi để làm thông khô mũi mà nên vệ sinh mũi bằng dung dịch NaCl 0,9% và dùng ống hút sạch mũi. Khí dung bằng dung dịch NaCl 0,9% hoặc thuốc giãn phế quản không cần thiết khi trẻ không có triệu chứng thở khò khè hoặc không đáp ứng với thuốc giãn phế quản và chỉ nên thực hiện tại cơ sở y tế.
Thuốc làm loãng đờm: Các thuốc như acetylcystein, bromhexin, carbocystein… ít có hiệu quả đối với trẻ bị viêm tiểu phế quản nếu trẻ uống ít nước. Do đó phải cho trẻ uống đủ nước để làm loãng đờm hoặc nếu có dùng thuốc thì khi trẻ uống đủ nước thuốc mới phát huy tác dụng. Phải có chỉ định của bác sĩ khi dùng các loại thuốc làm loãng đờm.
Thuốc giãn phế quản: Sử dụng trong trường hợp trẻ khò khè, khó thở do co thắt phế quản nặng bằng khí dung với thuốc salbutamol nhưng nên thực hiện tại cơ sở y tế để theo dõi và đánh giá tác dụng của thuốc. Không nên khí dung tại nhà và dùng dạng thuốc uống vì có thuốc gây nhiều tác dụng phụ như đỏ mặt, hồi hộp, tim đập nhanh, tức ngực, run tay, chóng mặt…
Thuốc kháng sinh: Chỉ sử dụng khi có dấu hiệu bội nhiễm theo chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng một trong các loại kháng sinh như: ampicillin, amoxicillin, ampicillin + sulbactam, cefuroxim… Nếu trẻ bị dị ứng với nhóm thuốc beta-lactam thì dùng nhóm thuốc macrolid như erythromycin hoặc azithromycin hay clarithromycin. Lưu ý erythromycin và azithromycin cần cho trẻ uống lúc đói. Thời gian điều trị kháng sinh từ 7 đến 10 ngày.
Điều trị viêm tiểu phế quản chủ yếu là điều trị triệu chứng, vì vậy có rất nhiều loại thuốc được sử dụng để can thiệp tùy theo từng trường hợp cụ thể. Cha mẹ không nên tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định của bác sĩ nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ.
Để phòng ngừa bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, nhất là khi thời tiết nắng nóng bất thường, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ tay người trực tiếp chăm sóc trẻ, hạn chế tối đa trẻ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá và những người bị nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nên tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh để bảo vệ cho trẻ theo quy định và nên chủng ngừa vắc-xin phòng bệnh cúm hàng năm. Đối với những trẻ bị loạn sản phế quản, trẻ sinh non và mắc bệnh tim bẩm sinh có thể tiêm phòng palivizumad để ngăn ngừa sự nhiễm bệnh trong những tháng có virut hợp bào hô hấp RSV phát triển; đồng thời cho trẻ uống đủ nước, vệ sinh mũi họng bằng dung dịch NaCl 0,9%…
BS. NGUYỄN TRÂM ANH
(Suckhoedoisong)