Chớm hè, nên cảnh giác với sốt xuất huyết - Tin sức khoẻ y dược
Logo

Chớm hè, nên cảnh giác với sốt xuất huyết

Lượt xem: 1.010 Ngày đăng: 06/05/2020

Rate this post
Sốt xuất huyết là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến, xuất hiện theo mùa và nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh do virus Dengue gây nên và hiện chưa có vắc-xin phòng ngừa hoặc thuốc đặc trị. SXH chủ yếu gây bệnh ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.Tại nước ta, bệnh SXH có thể xuất hiện ở bất cứ tỉnh thành nào và vào bất cứ mùa nào trong năm, tuy nhiên, đỉnh dịch thường vào mùa mưa. Virus Dengue có 4 type huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy mà những người sống trong vùng lưu hành dịch SXH Dengue có thể mắc bệnh SXH nhiều hơn 1 lần trong đời.

Virus Dengue truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi vằn (Aedes aegypti) là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh SXH có biểu hiện lâm sàng đa dạng, tùy từng trường hợp, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt từ ngày 1-7 của bệnh, giai đoạn nguy hiểm thường từ ngày thứ 3-7 của bệnh và giai đoạn hồi phục từ ngày thứ 7 trở đi.

Phun hóa chất phòng chống sốt xuất huyết trong khu dân cư.

Triệu chứng lâm sàng thường gặp ở SXH gồm: Sau thời gian ủ bệnh, kéo dài từ 4-10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt, người bệnh sẽ sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày, có thể lên đến 40,5 độ C; Đau phía sau mắt; Đau nhức đầu nghiêm trọng; Đau khớp và cơ; Phát ban; Buồn nôn và ói mửa; Chán ăn. Từ ngày thứ 4, bệnh nhân có thể xuất huyết với các biểu hiện: Xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết, thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Xuất huyết ở niêm mạc: Chảy máu mũi, lợi, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn…

Dấu hiệu cảnh báo khi mắc SXH cần đặc biệt lưu ý: gồm các triệu chứng lâm sàng của SXH kèm theo các dấu hiệu cảnh báo sau: vật vã, lừ đừ, li bì. Đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan. Nôn nhiều. Xuất huyết niêm mạc. Tiểu ít…

Dấu hiệu xuất huyết nặng: Từ khi có xuất huyết, người bệnh cần theo dõi kỹ các dấu hiệu bệnh dễ trở nặng khi có 1 trong các biểu hiện sau:

Người bệnh có thể bị xuất huyết nội tạng (đường tiêu hóa và xuất huyết não), triệu chứng SXH ở người lớn gây xuất huyết đường tiêu hóa sẽ bao gồm: đau đầu bình thường và sốt nhẹ, không phát ban. Sau khoảng 2 ngày khi xuất huyết, người bệnh sẽ đi ngoài ra máu, phân có màu đen hoặc đi ngoài ra máu tươi, trên da bắt đầu xuất hiện các chấm xuất huyết, người mệt mỏi, da xanh tái… Một số trường hợp người bệnh bị chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm. Xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.

SXH đặc biệt nguy hiểm khi biến chứng thành xuất huyết não. Trường hợp xuất huyết não sẽ rất khó nhận biết vì triệu chứng SXH ở người lớn sẽ không rõ ràng, có thể người bệnh chỉ bị sốt, đau đầu, liệt chân, tay hoặc liệt nửa người và sau đó bị hôn mê, dễ dẫn đến tử vong.

Hội chứng sốc trong SHX: Đây là thể bệnh nặng nhất của bệnh SXH bao gồm tất cả các triệu chứng của bệnh SXH thể nhẹ cộng với triệu chứng chảy máu, huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt, hạ huyết áp… Suy tuần hoàn cấp, dễ xảy ra vào ngày thứ 3-7 của bệnh, biểu hiện bởi các triệu chứng như vật vã; bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt (hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu ≤ 20mmHg) hoặc tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp; tiểu ít.

Lời khuyên của thầy thuốc

Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy, người bệnh khi có những dấu hiệu mắc SXH, cần phải đi khám ngay để bác sĩ  chẩn đoán, đánh giá mức độ bệnh và có hướng điều trị phù hợp. Người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thông báo các dấu hiệu khi bệnh có diễn tiến bất ngờ hoặc trở nặng nhanh.

Cách phòng bệnh sốt xuất huyết

Người dân cần nêu cao ý thức phòng bệnh SXH cho bản thân, gia đình và cộng đồng, thực hiện các biện pháp theo khuyến cáo như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Thường xuyên thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt côn trùng vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá… không cho muỗi đẻ trứng. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch…

BS. Hữu Hạnh

(Dantri)

 

DMCA.com Protection Status