Kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu: Xóa tư cách chức vụ, xóa quyền lợi đi kèm?
Logo

Kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu: Xóa tư cách chức vụ, xóa quyền lợi đi kèm?

Lượt xem: 1.654 Ngày đăng: 10/06/2019

Rate this post

Với những câu hỏi các đại biểu Quốc hội đặt ra, hình thức kỷ luật xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm với cán bộ khi đã nghỉ hưu sẽ kèm theo hậu quả nào, Bộ Nội vụ đáp, các cơ quan sẽ báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cụ thể về các phương án để xem xét vào kỳ họp Quốc hội sau.

Chiều 10/6, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ đã được gửi đến các vị đại biểu để phục vụ phiên thảo luận toàn thể này.

Kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu: Xóa tư cách chức vụ, xóa quyền lợi đi kèm? - 1
Với những cán bộ đã về hưu, bị xoá tư cách đảm nhiệm chức vụ, vấn đề tranh luận hiện nay là xử lý hệ quả của việc kỷ luật.

Một trong những điểm đáng chú ý của lần sửa đổi này là luật hoá xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu.

Khoản 5 điều 84 Dự thảo luật quy định: cán bộ, công chức, viên chức sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu một trong những hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm tại thời điểm có hành vi vi phạm.

Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

Nhiều đại biểu khi thảo luận tại tổ đã bày tỏ sự tán thành bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu nhưng đề nghị quy định rõ hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách chức vụ đi kèm theo hậu quả nào.

Ví dụ như tước quyền lợi khi đương chức được hưởng (kể cả xét khen thưởng) hoặc trong thời gian đảm nhiệm chức vụ (như hưởng phụ cấp là 1.0) mà vi phạm thì bị phạt tiền. Có ý kiến cho rằng việc quy định hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ đã đảm nhiệm” là không rõ ràng, khiên cưỡng.

Có đại biểu đề nghị làm rõ đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu thì ai là người có thẩm quyền ký quyết định khiển trách, quyết định cảnh cáo, vì người đã nghỉ hưu không bị điều chỉnh bởi luật này nữa.

Một số ý  kiến đề nghị cân nhắc quy định kỷ luật người đã về hưu trong luật này, vì họ không còn là cán bộ, công chức, ý kiến khác đề nghị quy định rõ là xử lý hành vi vi phạm ở thời điểm người đó đang là cán bộ, công chức.

Ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể về giá trị pháp lý của văn bản, quyết định hành chính được cán bộ, công chức ký trong thời gian bị xóa tư cách. Có vị đề nghị quy định theo hướng nếu văn bản đó đúng thì tiếp tục có hiệu lực, văn bản đó xuất phát từ hành vi vi phạm bị kỷ luật thì không còn hiệu lực.

Một số ý kiến tán thành giao Chính phủ quy định chi tiết khoản 5 điều 84. Có ý kiến cho rằng đây là việc hạn chế quyền con người, quyền công dân phải do luật định, do đó việc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức phải quy định trong luật.

Không giải trình ý kiến này, Bộ Nội vụ “khất” sau khi các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại trường, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo UB Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cụ thể về các phương án để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thức 8.

Khắc phục tình trạng “công chức suốt đời” khi sửa luật

Liên quan đến phân loại, đánh giá cá bộ, công chức, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ phản ánh, nhiều ý kiến tán thành việc sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại đánh giá cán bộ, công chức nhưng đề nghị nội dung đánh giá phải mang tính định lượng với những tiêu chí cụ thể hơn.

Cụ thể, liên quan đến phân loại đánh giá công chức, có ý kiến tán thành quy định cho thôi việc đối với công chức có 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ nhưng đề nghị phải thay đổi cách thức đánh giá vì thực tế vừa qua không làm được việc này. Ý kiến khác đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế buộc thôi việc đối với những công chức không hoàn thành nhiệm vụ.

Có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về thi sát hạch đối với công chức để loại ra những công chức không vượt qua được yêu cầu của kỳ thi sát hạch.

Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các tiêu chí đánh giá bảo đảm khách quan, định lượng, chính xác, cụ thể hơn ngay trong luật và chỉnh sửa các quy định có liên quan.

Về đề nghị bổ sung quy định về sát hạch công chức để loại ra những người không xứng đáng, nghiên cứu cơ chế buộc thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ, Bộ Nội vụ “xin được tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về quyền, trách nhiệm của công chức thông qua xác định rõ vị trí việc làm và khung năng lực, trình độ tương ứng để đánh giá mức độ hoàn thành công việc sát với thực tế hơn, qua đó nâng cao chất lượng đánh giá công chức, tạo cơ chế “có vào, có ra”, khắc phục tình trạng “công chức suốt đời”, báo cáo nêu rõ.

 

P.Thảo

(Dantri)

DMCA.com Protection Status