[Tìm hiểu] Lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới và Việt Nam
Logo

[Tìm hiểu] Lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới và Việt Nam

Lượt xem: 2.219 Ngày đăng: 19/07/2023

4.8/5 - (11 bình chọn)

Cũng giống như các ngành Y Dược khác, ngành Điều dưỡng cũng trải qua một quá trình hình thành và phát triển đầy thú vị. Trong bài viết sẽ có những cột mốc, những sự kiện và con người quan trọng góp phần tạo nên lịch sử ngành Điều dưỡng. Xin mời bạn theo dõi bài viết ngay bây giờ.

1. Lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới

1.1 Giai đoạn sơ khai của ngành Điều dưỡng

Thời xa xưa, khái niệm về Y học vẫn còn rất mơ hồ. Con người coi trọng tín ngưỡng và tôn thờ các vị thần, chúa trời. Những ngôi đền, miếu được xây dựng và tạo ra để mọi người đến đấy thờ cúng, cầu xin thần linh cho khỏi bệnh. Đây cũng có thể coi là sự hình thành cho mối liên kết giữa Y khoa, Điều dưỡng và Tôn giáo. 

Người Ai Cập thờ cúng thần linh để khỏi bệnh
Người Ai Cập thờ cúng thần linh để khỏi bệnh

Các pháp sư có thể coi như bác sĩ điều trị bệnh bằng thờ cúng. Các tín nữ giữ vai trò giống người Điều dưỡng viên, vừa giúp lễ vừa hỗ trợ cho người bệnh. Điều dưỡng lúc này không hẳn là một công việc mà hoạt động đơn lẻ, tự phát. Họ không được đào tạo chuyên sâu mà chỉ dựa trên kinh nghiệm có sẵn và tích luỹ.

Sau Công nguyên, lịch sử ngành Điều dưỡng ghi nhận đã có những người phụ nữ tự nguyện làm công việc này. Người Điều dưỡng viên tại gia đầu tiên trên thế giới là bà Phoebe (Hy Lạp). Đến thế kỷ IV, bà Phabiola (La Mã) đã tổ chức chăm sóc, hỗ trợ người bệnh ngay tại căn nhà của mình.

Từ thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XIII, công việc Điều dưỡng trở nên cần thiết và nhận được sự coi trọng. Nhiều bệnh viện được lập bởi các cuộc viễn chinh quân thập tự nổ ra liên tục. Đến thế kỷ XVI, chế độ nhà tù ở Anh và Châu Âu bị bãi bỏ. Điều dưỡng viên nhận nhiều ý kiến trái chiều khi họ được tuyển chọn từ các nữ tù nhân.

Điều dưỡng viên thế kỷ XVI nhận nhiều ý kiến trái chiều
Điều dưỡng viên thế kỷ XVI nhận nhiều ý kiến trái chiều

1.2 Sự hình thành ngành Điều dưỡng

Florence Nightingale (1820-1910) là người được tôn kính và suy tôn là người sáng lập ra ngành Điều dưỡng. Mặc dù lớn lên trong một gia đình quyền quý, bà lựa chọn theo học và làm việc tại bệnh viện Kaiserswerth (Đức). Với hoài bão cứu giúp những người nghèo khổ hay bị bệnh, bà đã vượt qua sự phản đối gắt gao từ gia đình.

Từ 1854 đến 1855, bà cùng 38 người phụ nữ khác được phái sang Thổ Nhĩ Kỳ để chăm sóc và phục vụ cho quân đội. Nhờ sự hăng say nghiên cứu và cống hiến cho công việc, bà đã đưa ra các lý thuyết quan trọng về khoa học vệ sinh y tế. Tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng đã giảm đáng kể từ 42% xuống 2%.

Với 50.000 bảng Anh được binh lính và nhân dân trao tặng, bà thành lập trường Điều dưỡng Nightingale. Ngôi trường này đặt nền tảng cho hệ thống đào tạo Điều dưỡng trên toàn thế giới. Với những công lao to lớn đóng góp trong lịch sử ngành Điều dưỡng, ngày sinh của bà 12/05 được lấy làm ngày Điều dưỡng quốc tế. 

Ngày sinh của Florence Nightingale được lấy làm Ngày Điều dưỡng quốc tế (12/05)
Ngày sinh của Florence Nightingale được lấy làm Ngày Điều dưỡng quốc tế (12/05)

1.3 Thời kỳ phát triển của Điều dưỡng đến nay

Sau Nightingale, nhiều cá nhân cũng để lại đóng góp quan trọng cho lịch sử ngành Điều dưỡng. Đó là Clara Barton và Dorothea Dix thực hiện giám sát quân y trong các cuộc nội chiến. Là Linda Richards bắt đầu công việc lưu trữ hồ sơ bệnh án và viết Y lệnh. Hay Jane Addams với giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1931.

Từ năm 1950 trở đi, ngành Điều dưỡng phát triển vượt bậc với sự nghiên cứu và phát triển các học thuyết Điều dưỡng. Một số cột mốc đáng chú ý có thể kể đến trong lịch sử ngành Điều dưỡng như:

  • Phát triển mối quan hệ giữa người bệnh và Điều dưỡng viên (Peplau – 1952)
  • Các thao tác kỹ thuật, cung cấp dịch vụ chăm sóc (Abdellah – 1960)
  • Nâng cao và duy trì sức khỏe, ngăn bệnh tật (Rogers – 1970)
  • Cung cấp cho bệnh nhân kiến thức chăm sóc bản thân (Dorothea Orem – 1971)
  • Tìm hiểu nhu cầu bệnh nhân, nhân định và đưa ra phương án thích nghi phù hợp (Roy – 1979)
  • Chăm sóc toàn diện bệnh nhân (Betty Newmans – 1995).

Tính đến nay, Điều dưỡng đã được công nhận là một công việc riêng biệt với vai trò và vị trí quan trọng. Hệ thống các trường đào tạo ngành được xây dựng nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe, chức năng của điều dưỡng rất quan trọng đối với con người. Nhiều công trình nghiên cứu đã góp phần tạo nên ngành Điều dưỡng càng vững mạnh và phát triển như bây giờ.

Điều dưỡng viên được công nhận là một công việc độc lập
Điều dưỡng viên được công nhận là một công việc độc lập

2. Lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam

Dù gặp nhiều khó khăn như chiến tranh hay nghèo đói, ngành Điều dưỡng vẫn luôn đồng hành và gắn liền với với sự phát triển của đất nước. Xuyên suốt quá trình đó, ngành đã để lại nhiều thành tựu và dấu mốc đáng ghi nhận. Dưới đây là các mốc thời gian quan trọng của ngành Điều dưỡng tại nước ta.

2.1 Giai đoạn trước năm 1945

Hai danh y góp phần xây dựng lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam là Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh. Trước đó, người đảm nhận những công việc này là người phụ nữ trong gia đình. Các bài thuốc, kinh nghiệm dân gian được truyền lại và áp dụng vào trong đời sống.

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Tuệ Tĩnh

Thời Pháp thuộc, Pháp tiến hành xây dựng rất nhiều bệnh viện tại nước ta. Người bản xứ lúc này chỉ được học việc, tuân theo Y lệnh và làm phụ tá cho bác sĩ. Chính khoảng thời gian này đã khiến nhiều người hiểu nhầm Điều dưỡng và Y tá là một cùng một công việc.

Năm 1901, lớp nam Y tá đầu tiên được mở. Năm 1923 trường đào tạo Y tá bản xứ đầu tiên được mở và đến năm 1937 mới có lớp Y tá đầu tiên. Trong lịch sử ngành Điều dưỡng nước ta, Đông dương chỉ có một trường đào tạo Y khoa, một trường đào tạo hộ sinh cao cấp tính đến 1945.

2.2 Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975

Cách mạng Tháng tám là một cột mốc quan trọng trong lịch sử ngành Điều dưỡng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng nhân lực ngành Y tế của nước ta đã xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Với quân y làm nòng cốt, lớp Y tá đầu tiên do GS Đỗ Xuân Hợp mở ra cùng rất nhiều lớp đào tạo tiếp tục được mở.

Lớp học Điều dưỡng mở ra để đào tạo nâng cao trình độ
Lớp học Điều dưỡng mở ra để đào tạo nâng cao trình độ

Năm 1954, Việt Nam bị chia cắt hai miền. Miền Bắc tập trung xây dựng chương trình đào tạo để bổ túc lực lượng Y tá cho chiến tranh. Đến 1960, một số bệnh viện và trường Y tế Trung ương đã tiến hành mở lớp đào tạo Y tá trưởng. Các cán bộ được cử đi tập huấn tại các nước phát triển để nâng cao hiểu biết và trình độ. 

Tại miền Nam, hệ thống tổ chức Y tế hình thành theo mô hình của Hoa Kỳ. Chính thức trong lịch sử ngành Điều dưỡng, danh xưng Y tá được chuyển đổi thành Điều dưỡng viên. Nhằm tăng cường lực lượng Y tế phục vụ chiến tranh, nhiều trường đào tạo mở ra cũng như có một số thay đổi trong phương thức giáo dục như:

  • Thành lập trường Cán sự Điều dưỡng Sài Gòn đào tạo 3 năm vào 1956
  • Mở thêm các ngạch đào tạo sơ cấp trong 12 tháng với tên gọi Tá viên Điều dưỡng,
  • Mở lớp Điều dưỡng công cộng 3 năm tại Viện Quốc gia Y tế công cộng vào năm 1973.
Lớp Điều dưỡng công cộng 3 năm được mở tại Viện quốc gia Y tế công cộng
Lớp Điều dưỡng công cộng 3 năm được mở tại Viện quốc gia Y tế công cộng

2.3 Giai đoạn từ 1975 đến nay

Cuộc kháng chiến chống Mỹ hoàn toàn thắng lợi. Bộ Y tế đưa ra nhiều chỉ đạo để thống nhất hệ thống Y tế hai miền. Các cột mốc đáng chú ý trong lịch sử ngành Điều dưỡng giai đoạn này có thể kể đến như:

  • Năm 1982, chính thức ban hành chức danh y tá trưởng bệnh viện và y tá trưởng khoa.
  • Năm 1985, trường Đại học Y khoa Hà Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã mở khoá đào tạo đại học điều dưỡng đầu tiên.
  • 26/10/1990 thành lập Hội Điều dưỡng Việt Nam.
  • Năm 1993, đưa ra quyết định về chế độ, trách nhiệm của Điều dưỡng viên.
  • Ngày 20/12/1993, Học viện Quân y thành lập bộ môn Điều dưỡng. 
  • Năm 1995, Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành mở hệ đào tạo Cử nhân ngành Điều dưỡng.
  • Ngày 22/4/2005, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ký Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV.
  • Năm 2012, ban hành chuẩn năng lực và chuẩn đạo đức nghề nghiệp Điều dưỡng Việt Nam.

Trên đây là những cột mốc đáng chú ý của lịch sử ngành Điều dưỡng thế giới và Việt Nam. Là ngành học cao quý với nhiều đóng góp, không khó hiểu khi Điều dưỡng nhận được nhiều sự quan tâm từ thí sinh cả nước. Nếu bạn đọc quan tâm đến ngành này có thể tìm hiểu thêm thực trạng ngành điều dưỡng hiện nay, hoặc theo dõi các trang thông tin dưới đây của Trường Tuệ Tĩnh nếu bạn quan tâm đến tuyển sinh cao đẳng điều dưỡng

TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y DƯỢC TUỆ TĨNH HÀ NỘI

http://www.tuetinh.edu.vn/

http://www.tuyensinh.tuetinh.edu.vn/

https://www.facebook.com/truongtuetinhhanoi

DMCA.com Protection Status