Ngành phục hồi chức năng là gì? 3 hình thức phổ biến hiện nay
Lượt xem: 32 Ngày đăng: 19/05/2025
Ngành phục hồi chức năng là một trong 4 trụ cột của hệ thống Y tế. Mục đích của ngành phục hồi không chỉ giúp bệnh nhân hồi phục thể chất mà còn giúp họ tái hòa nhập vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Cùng trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh tìm hiểu rõ hơn về ngành học này qua bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Phục hồi chức năng là gì?
Phục hồi chức năng là một chuyên ngành Y khoa, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống y tế. Đây là quá trình nghiên cứu, ứng dụng nhiều phương pháp để giúp người bệnh khôi phục lại khả năng vận động và phục hồi các cơ quan bị tổn thương. Từ đó, hỗ trợ họ sống tự lập, tái hòa nhập với cộng đồng.

Ngành phục hồi chức năng không chỉ dành cho người già, người khuyết tật mà còn mở rộng nhiều nhóm đối tượng như người bị chấn thương, mắc bệnh mãn tính,…
2. Mục đích của ngành phục hồi chức năng
Phục hồi chức năng là một thành phần không thể thiếu trong hệ thống y tế. Bởi hầu hết các chương trình phục hồi chức năng đều được xây dựng với những mục đích chính như:
- Khôi phục chức năng cơ thể: Ngành phục hồi chức năng giúp bệnh nhân lấy lại chức năng của các bộ phận bị tổn thương trong hoặc sau quá trình điều trị, phẫu thuật.
- Ngăn ngừa và phòng chống tái phát bệnh: Phục hồi chức năng hỗ trợ bệnh nhân duy trì sức khỏe ổn định sau điều trị. Từ đó, giúp họ sống vui, sống khỏe cùng gia đình và những người xung quanh.
- Thích nghi tốt hơn với môi trường sống: Nhờ việc phục hồi, người bệnh có thể tự lập trong các hoạt động thường ngày. Điều này giúp họ giảm phụ thuộc vào sự trợ giúp của người khác, tránh trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
- Cải thiện tinh thần tích cực: Qua phục hồi chức năng, bệnh nhân sẽ có cái nhìn lạc quan hơn, giảm thiểu stress, căng thẳng. Từ đó tạo tinh thần thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống.
3. Hình thức phục hồi chức năng phổ biến hiện nay
Ngành phục hồi chức năng có các hình thức điều trị đa dạng. Mỗi hình thức có những ưu điểm và ứng dụng riêng, phù hợp với tình trạng và nhu cầu của bệnh nhân.
3.1. Phục hồi chức năng tại viện
Phục hồi chức năng tại viện là một giải pháp mà người bệnh đến trực tiếp đến các trung tâm, bệnh viện để thực hiện các liệu trình điều trị. Hình thức này tận dụng tối đa trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ chuyên môn cao đảm bảo hiệu quả điều trị, kể cả với những ca khó phục hồi nhất.

Tuy nhiên phục hồi chức năng tại viện có chi phí khá cao. Ngoài ra, các trung tâm hoặc bệnh viện phục hồi chức năng thường tập trung ở các trung tâm thành phố nên người bệnh ở ngoại thành sẽ phải di chuyển xa hơn. Điều này có thể tạo ra rào cản cho những bệnh nhân có tài chính hạn chế.
3.2. Phục hồi ngoại viện
Phục hồi ngoại viện là một giải pháp linh hoạt, trong đó các chuyên viên phục hồi sẽ mang theo các thiết bị chuyên dụng đến trực tiếp nơi ở của người bệnh.
Phương pháp này đặc biệt phù hợp với người tàn tật hoặc những người gặp khó khăn trong việc di chuyển đường xa. Ngoài việc hỗ trợ bệnh nhân, hình thức này còn giúp hệ thống y tế giảm áp lực số lượng lớn bệnh nhân cần phục hồi chức năng lớn.
Bên cạnh đó, phục hồi ngoại viện cũng đối mặt với một số thách thức. Việc vận chuyển các thiết bị phức tạp đến nơi ở người bệnh thường khó khăn, khiến các chuyên viên phải sử dụng các phương pháp thay thế. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến quá trình điều trị của người bệnh.
3.3. Phục hồi chức năng cộng đồng
Phục hồi chức năng tại cộng đồng là một hình thức tập trung vào việc giúp người tàn tật phục hồi ngay tại nơi họ sinh sống. Hình thức này mang tính xã hội hóa cao, với sự tham gia của gia đình, chính quyền và các đoàn thể xã hội. Người bệnh không chỉ được chăm sóc sức khỏe mà còn được hỗ trợ tái hội nhập xã hội.
Tuy nhiên, phục hồi cộng đồng không phù hợp đối trường hợp bệnh nặng hoặc phức tạp, do hạn chế về thiết bị và chuyên môn kỹ thuật tại cơ sở địa phương. Dù vậy, phương pháp này vẫn là giải pháp tối ưu để đáp ứng nhu cầu cơ bản và lâu dài cho người tàn tật, đồng thời tạo sự gắn kết mạnh mẽ giữa y tế và xã hội.

4. Phương pháp phục hồi chức năng phổ biến
Phương pháp phục hồi chức năng đóng vai trò then chốt trong việc giúp bệnh nhân khôi phục các chức năng sống khác sau khi gặp phải tổn thương. Tùy theo tình trạng và nhu cầu cụ thể, các chuyên gia sẽ áp dụng những phương pháp phù hợp để tối ưu hóa quá trình phục hồi cho bệnh nhân.
4.1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một phương pháp điều trị phục hồi chức năng không xâm lấn. Phương pháp này giúp phục hồi chức năng của các cơ quan, bộ phận cơ thể bị tổn thương bằng việc áp dụng các kỹ thuật như vận động cơ học, nhiệt, điện,…
Vật lý trị liệu kích thích khả năng tự phục hồi tự nhiên của cơ thể thông qua quá trình sinh hóa. Đồng thời, giúp người bệnh giảm đau, giảm sưng viêm và cải thiện sự linh hoạt của cơ thể.
4.2. Vận động trị liệu
Phục hồi chức năng vận động hay vận động trị liệu là phương pháp hỗ trợ người bệnh khôi phục khả năng vận động của cơ – xương – khớp. Bằng cách áp dụng các bài tập vận động hoặc sử dụng máy móc chuyên dụng, phương pháp này giúp bệnh nhân phục hồi hoạt động và ngăn ngừa nguy cơ tàn phế.
Vận động trị liệu không chỉ cải thiện khả năng vận động mà còn giúp bệnh nhân duy trì sức khỏe lâu dài, tránh những biến chứng nghiêm trọng về sau. Đây là một giải pháp toàn diện mang lại chất lượng sống tốt hơn cho người bệnh.

4.3. Tâm lý trị liệu
Trị liệu tâm lý giúp người bệnh lấy lại sự thư giãn, thoải mái và tỉnh táo, từ đó nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng sống. Phương pháp này hướng tới việc loại bỏ các suy nghĩ tiêu cực, mang lại trạng thái tâm lý tích cực để bệnh nhân có thể sống khỏe mạnh và làm việc tốt hơn.
Phương pháp trị liệu này đặc biệt hiệu quả đối với những người gặp các vấn đề sức khỏe như rối loạn giấc ngủ, rối loạn ăn uống, stress,… Những vấn đề này nếu không được can thiệp sớm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, trị liệu tâm lý còn phù hợp với những bệnh nhân bị mất hoặc suy giảm khả năng nhận thức do chấn thương. Bằng cách kết hợp liệu pháp tâm lý với các bài tập vật lý trị liệu, phương pháp này giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe toàn diện trong suốt quá trình điều trị.
4.4. Hoạt động trị liệu
Hoạt động trị liệu tập trung vào việc cải thiện sự phối hợp vận động giữa các nhóm cơ – xương – khớp. Từ đó giúp người bệnh phục hồi sức khỏe và thực hiện các sinh hoạt hằng ngày một cách độc lập.
Hoạt động trị liệu mang tính ứng dụng cao, cho phép bệnh nhân thực hiện tại nhà hoặc trong môi trường cộng đồng. Sau khi quen với các kỹ thuật, người bệnh không chỉ đạt được tình trạng sức khỏe phục hồi tốt nhất mà còn có thể tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa.
4.5. Ngôn ngữ trị liệu
Ngôn ngữ trị liệu là một phương pháp dành cho những người gặp khó khăn trong giao tiếp như người bị đột quỵ hoặc trẻ em gặp chậm phát triển ngôn ngữ,… Phương pháp này giúp bệnh nhân nói chuyện rõ ràng và rành mạch, từ đó có thể giao tiếp hiệu quả với người xung quanh.

Ngôn ngữ trị liệu không chỉ giới hạn ở việc cải thiện phát âm mà còn hỗ trợ những người có khuyết tật đặc biệt như câm điếc hoặc khiếm thị. Đối với các bệnh nhân này, bác sĩ có thể hướng dẫn họ sử dụng thủ ngữ hoặc tập viết để giao tiếp. Nhờ vậy, họ có thể tham gia vào các hoạt động giao tiếp xã hội một cách độc lập.
Trên đây là tổng quan ngành phục hồi chức năng và những vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống cho những bệnh. Hy vọng bạn đọc đã có thêm những thông tin hữu ích để hiểu rõ hơn về ngành này.