Nhìn Lại Những Điều Đã Cũ Và Hy Vọng Ngành Giáo Dục Sẽ Khởi Sắc Trong Năm Mới
Lượt xem: 1.385 Ngày đăng: 02/01/2020
(GDVN) – Điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là ngành Giáo dục sẽ cùng thay đổi, trên dưới một lòng để làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình.
Người Việt Nam ta có thói quen trong những ngày đầu năm mới thì ai cũng mong muốn điều tốt đẹp và chúng tôi cũng vậy. Chúng tôi mong muốn mọi người đều an vui, ngành giáo dục năm mới không còn những chuyện buồn, ngành giáo dục năm mới đều là những câu chuyện điển hình.
Và, điều mong muốn duy nhất của chúng tôi cũng như toàn xã hội là toàn ngành giáo dục cùng thay đổi, trên dưới một lòng để từng người thầy luôn làm tốt sứ mệnh, thiên chức của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Quốc hội tán thành thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) (Ảnh minh họa: TTXVN) |
Nhìn lại những điểm nhấn của ngành Giáo dục trong năm 2019
Nhìn lại năm 2019, chúng ta thấy rằng đây là một năm mà ngành giáo dục có rất nhiều điểm nhấn so với năm 2018. Nếu như năm 2018 để xảy ra vụ gian giận điểm thi trên quy mô rộng ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình với hơn 200 thí sinh được nâng điểm.
Thế nhưng, năm 2019 thì chúng ta thấy được sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ, các địa phương, cùng đội ngũ giáo viên và sự phối hợp với nhiều ban ngành khác đã thực hiện khá tốt kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.
Kỳ thi năm 2019 đã thể hiện sự nghiêm túc, gọn nhẹ và không còn những bất thường về điểm số. Những địa phương có truyền thống học tập tốt đã trở lại vị trí dẫn đầu, những địa phương còn khó khăn đã được trả lại đúng vị trí.
Không còn tình trạng những thủ khoa, những thí sinh có điểm cao nằm ở những tỉnh như Sơn La, Hà Giang và Hòa Bình nữa. Người dân không còn nghi ngờ về việc gian lận và đương nhiên uy tín của kỳ thi đã được cải thiện- cho dù kết quả không cao như năm 2018.
Năm 2019 cũng đánh dấu một sự kiện lớn liên quan đến toàn ngành giáo dục đó là Luật Giáo dục sửa đổi năm 2019 đã được Quốc hội thông qua. Bắt đầu từ ngày 1/7/2020 này, Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực.
Điều đáng chú ý là cuối năm 2019 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 để đưa vào giảng dạy cho Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học tới. Chủ trương “một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa” đã được thực hiện.Rất nhiều thay đổi trong thời gian tới đây đòi hỏi giáo viên phải thực sự cố gắng, học tập để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Rất nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán đã được mở để chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới lần này. Hy vọng, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giải quyết được những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Vẫn còn những điều chưa trọn vẹn
Hậu quả của tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 được các địa phương giải quyết trong năm 2019 nhưng rõ ràng cách giải quyết vẫn khiến dư luận băn khoăn, chưa đồng tình.
Danh sách các thí sinh gian lận điểm thi không được Bộ và các địa phương công bố. Những thí sinh được xác định là gian lận điểm nhưng đủ điểm chuẩn vào các trường đại học không bị xử lý như kế hoạch ban đầu mà lãnh đạo Bộ đã chia sẻ với báo chí.
Những phụ huynh có con được nâng điểm đa phần chỉ dừng lại ở mức kỷ luật “Khiển trách” hoặc “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” mà thôi. Như vậy, chúng ta thấy mâu thuẫn xảy ra trong cách giải quyết của sự việc.
Lúc chủ trương không công bố danh sách thí sinh gian lận điểm thi thì nói là có thể việc này do cha mẹ các em làm nên không xử lý thí sinh.
Nhưng, cha mẹ những thí sinh được nâng điểm đa phần chỉ bị xử lý ở mức “Khiển trách” hoặc “Nghiêm túc rút kinh nghiệm” thì tính răn đe không có. Mức kỷ luật này cũng không ảnh hưởng nhiều đến vị trí công tác của các bậc phụ huynh.
Điều đáng để băn khoăn nữa là Nghị quyết 88 của Quốc hội đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn 1 bộ sách giáo khoa cho Chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng cuối cùng thì Bộ không làm được.Chính vì xử lý như vậy nên chúng ta vẫn thấy cái xấu lởn vởn trong ngành giáo dục nếu sự việc xử lý chỉ lừng chừng như vậy rồi thôi.
Phải chăng đây là sự chậm trễ của lãnh đạo Bộ khi để các chuyên gia, nhà giáo có khả năng biên soạn, viết sách giáo khoa đã ký trước hợp đồng với các Nhà xuất bản hay thực tâm Bộ Giáo dục không muốn làm. Vì cứ nhìn vào khoảng thời gian Bộ thông báo tuyển người biên soạn sách giáo khoa thì chúng ta cũng hiểu được bản chất của sự việc.
Trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới được phê duyệt thì có 4 bộ là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Dù sách chưa phát hành chính thức nhưng đơn vị này đã “đi đêm” với lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh từ 4 năm nay.
Sách chưa phát hành nhưng lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã đánh tiếng là giá sẽ cao hơn sách giáo khoa hiện hành.
Tuy nhiên, nếu còn tình trạng đi đêm như thế này thì chuyện sách giáo khoa mới có giá cao hơn sách giáo khoa hiện hành cũng là điều dễ hiểu. Gánh nặng sẽ tiếp tục đè lên đôi vai của phụ huynh học sinh trong những năm tới.
Trong các nhà trường thì tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra khá phổ biến và trở thành nỗi ám ảnh cho phụ huynh. Học sinh học thêm từ khi chưa vào lớp 1 đến khi thi vào đại học. Một số học sinh học ngày, học tối, học ở trường, học ở nhà thầy cô xuyên suốt.
Báo Giáo dục Việt Nam bình chọn những sự kiện nổi bật ngành giáo dục năm 2019 |
Tình trạng một số giáo viên bạo hành học sinh vẫn xảy ra ở một số nhà trường và trong năm 2019 thì chúng ta vẫn thấy một số giáo viên bị đuổi việc vì liên quan đến bạo hành học sinh.
Tình trạng phụ huynh bênh vực con mình, coi thường giáo viên vẫn xảy ra ở một số nơi. Nhẹ thì lên Facebook xúc phạm, nặng thì vào trường đánh cả giáo viên đang dạy con mình. Đạo lý, tính tôn sư trọng đạo đang bị mai một ở một số nơi, một số trường hợp- đây thực sự là một thách thức lớn đối với ngành giáo dục trong thời gian tới đây.
Năm 2020 hy vọng sự bình an, khởi sắc.
Năm 2020 đã chính thức bắt đầu- năm mà ngành giáo dục bắt đầu sẽ áp dụng Chương trình giáo dục phổ thổng mới ở lớp 1- năm mà Luật Giáo dục sửa đổi sẽ có hiệu lực. Rất nhiều thay đổi đang chờ đội ngũ lãnh đạo ngành giáo dục và đội ngũ giáo viên đứng lớp.
Liệu rồi những hạn chế, yếu kém trong ngành có được khắc phục, những cái mới liệu giáo viên có tiếp cận tốt không? Tất cả đòi hỏi sự chung sức, chung lòng của toàn ngành giáo dục cùng sự cộng hưởng của toàn xã hội.
Nếu sự chỉ đạo sát sao cùng với chung tay phối hợp tốt, chúng ta tin rằng ngành giáo dục nước nhà sẽ khởi sắc đi lên. Và, chúng ta tin, chờ đợi một năm mới ngành giáo dục nước nhà không còn nữa những câu chuyện buồn, câu chuyện tiêu cực để vực dậy uy tín, vị thế của giáo dục nước nhà ngày càng được tốt hơn.
Nguồn Internet