Ôn thi THPT quốc gia 2019: Chất lượng ôn tập được đặt lên hàng đầu
Lượt xem: 1.677 Ngày đăng: 07/03/2019
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 25 – 27/6. Đây là thời điểm ở các địa phương, cả HS và giáo viên (GV) đang đặt ra mục tiêu đưa chất lượng ôn thi lên hàng đầu. Để đạt kết quả cao trong kỳ thi, nhiều phương án ôn luyện được các trường triển khai nhằm bám sát năng lực học tập của từng HS.
Tập trung ôn tập kiến thức lớp 12
Cô Đặng Thị Ngọc Lan, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thụy Hương (Hải Phòng) cho biết, để chuẩn bị cho công tác ôn tập chuẩn bị thi THPT quốc gia, Ban Giám hiệu (BGH), tổ chuyên môn chỉ đạo, kiểm tra, nhắc nhở GV khi hoàn thành chương trình lớp 12 tuyệt đối không được cắt xén chương trình. Nếu trong quá trình học và ôn thi, HS nào kiến thức quá yếu, GV có thể kèm thêm cho các em học vào các buổi sáng thứ Bảy hay Chủ nhật. Giáo trình học buổi 2 do các tổ bộ môn của trường tự biên soạn.
Theo cô Ngọc Lan, khi Bộ GD&ĐT công bố đề minh họa, nhà trường xác định các kiến thức của lớp 12 vẫn là quan trọng hàng đầu nên tập trung ôn tập kiến thức lớp 12. Vào tháng 5, tháng 6 nhà trường sẽ ôn tập thêm các kiến thức lớp 10 – 11, để các em HS có thể tự tin làm được bài thi.
BGH chỉ đạo các nhóm chuyên môn xây dựng kế hoạch, nội dung bài dạy cho phù hợp với đối tượng HS. Các nhóm chuyên môn phải tổ chức thảo luận kỹ lưỡng với từng nội dung các buổi dạy và cấu trúc của kế hoạch.
Nhà trường cũng yêu cầu các tổ chuyên môn đưa mục tiêu chất lượng ôn thi lên hàng đầu trong các nội dung sinh hoạt tổ nhóm, tăng cường dự các giờ ôn thi. Hàng tuần, khuyến khích các tổ chuyên môn tổ chức dạy rút kinh nghiệm các tiết ôn thi, thực hiện nghiêm túc kế hoạch ôn thi theo sự chỉ đạo của BGH.
Trong quá trình học tập, để giúp HS phát huy được năng lực, sở trường của mình, đồng thời có được những quyết định trong việc lựa chọn ngành, nghề một cách có căn cứ khoa học, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã họp bàn, lên kế hoạch cho hoạt động hướng nghiệp. Mỗi thầy cô giáo, tổ chuyên môn và các đoàn thể trong nhà trường đều phải có nhiệm vụ hướng nghiệp cho HS, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và GV dạy lớp 12.
Bên cạnh việc tìm hiểu thông tin của HS về nguyện vọng, năng lực, ban thi, ngành nghề… để tư vấn cho các em chọn phù hợp thì thông tin về đặc điểm ngành nghề, danh mục các trường ĐH, CĐ, điểm chuẩn các trường, những bí quyết chọn nghề, những sai lầm khi chọn nghề… cũng liên tục được cập nhật trên bảng thông tin của nhà trường.
Dạy học phân luồng
Thầy Nguyễn Văn Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Động 2 (Bắc Giang) cho biết, năm nay, tỷ lệ kết quả thi sẽ tăng từ 50% lên 70%, còn 30% là điểm học bạ lớp 12 để xét tốt nghiệp THPT. Nhà trường đặc biệt quan tâm thông tin này và tập trung ôn luyện cho HS theo chiến lược mới. Công tác ôn tập thi THPT quốc gia được gấp rút triển khai theo kế hoạch của Sở GD&ĐT.
Là trường ở vùng cao với gần 80% HS là người DTTS, các em chủ yếu chọn tổ hợp KHXH (chiếm hơn 90%). HS vùng cao nên xác định để tốt nghiệp THPT để đi làm hoặc học các trường nghề nên tỉ lệ đăng ký thi lấy điểm xét tuyển vào ĐH chưa đến 10%. Nhà trường chủ trương kiểm tra kiến thức các em thường xuyên, sau một học kỳ sẽ có đánh giá để sàng lọc HS. Em nào học trung bình, yếu sẽ được phụ đạo miễn phí trong buổi học thứ hai.
Nhà trường phân luồng từ ngay khi làm phân phối chương trình (xác định rõ đối tượng mục tiêu từng loại HS) trước khi ôn luyện. Trên cơ sở năng lực nhận thức của HS, BGH chia tách lớp chính khóa thành các nhóm để dạy. Từ tháng 2 nhà trường đã có kế hoạch ôn tập cho HS và dạy học phân luồng bám sát đối tượng HS.
“Hiện tại, cơ hội học nghề cho HS rất nhiều với nhiều chính sách ưu tiên. Điều quan trọng nhất hiện nay là phải phân luồng đúng đối tượng, đúng mục đích và làm tốt công tác hướng nghiệp, giúp HS định hướng được nghề nghiệp trong tương lai theo đúng sở thích, đam mê và điều kiện thực tế của bản thân, xã hội” – thầy Nguyễn Trọng Văn nói.
Theo Lê Đăng
Giáo dục & Thời đại