Thận trọng khi dùng thuốc “viên bổ khớp” tự nhiên cho xương khớp
Logo

Thận trọng khi dùng “viên bổ khớp”

Lượt xem: 1.458 Ngày đăng: 21/03/2019

Rate this post
Thuốc có bổ sung glucosamine và chondroitin sulfate thường được sử dụng như là “viên bổ khớp” tự nhiên cho xương khớp.

Hiện nay rất nhiều người tự mua sản phẩm này về uống để phòng và trị bệnh về khớp. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn…

Glucosamine và chondroitin sulfate là hai phân tử tạo nên loại sụn được tìm thấy trong các khớp. Glucosamine là một phần của phân tử được gọi là glycosaminoglycan – phân tử này được sử dụng trong việc hình thành và sửa chữa sụn. Chondroitin là glycosaminoglycan có nhiều nhất trong sụn và chịu trách nhiệm cho khả năng phục hồi của sụn.

Tác dụng của viên bổ khớp

Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), glucosamine và chondroitin sulfate đều an toàn cho hầu hết người trưởng thành. Tuy nhiên, không sử dụng glucosamine và/hoặc kết hợp chondroitin sulfate cho phụ nữ  mang thai hoặc cho con bú.

Glucosamine và/ hoặc chondroitin sulfate có thể giúp giảm đau, giảm cứng khớp, giảm sưng và cải thiện chức năng ở những người bị viêm xương khớp. Glucosamine an toàn, ngay cả khi dùng một vài tháng hoặc năm. Có nhiều hình thức khác nhau của glucosamine: Glucosamine sulfate hoặc glucosamine hydrochloride hoặc loại khác. Hầu hết mọi người hay sử dụng glucosamine sulfate.

than-trong-khi-dung-vien-bo-khop-1

Và những bất lợi…

Mặc dù những thuốc này có tác dụng khá tốt với các bệnh về khớp, tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng, chúng có thể gây những tác dụng không mong muốn, làm ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của người dùng.

Đối với glucosamine

Làm tăng nguy cơ chảy máu: Cần thận trọng ở những người bị rối loạn chảy máu hoặc uống thuốc có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, chẳng hạn như thuốc kháng vitamin K (warfarin).

Ảnh hưởng đến huyết áp: Cần thận trọng ở những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim, hoặc những người dùng thuốc hay các loại thảo mộc và chất bổ sung ảnh hưởng đến huyết áp. Glucosamine có thể gây nhịp tim bất thường và đánh trống ngực.

Ảnh hưởng đến lượng đường máu và insulin máu: Nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng glucosamine, nếu bạn đang mắc bệnh đái tháo đường hoặc hoặc đường trong máu thấp do dùng thuốc, thảo dược, thực phẩm bổ sung có ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Vì glucosamine có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn và can thiệp vào việc kiểm soát lượng đường trong máu trong khi phẫu thuật, điều quan trọng là tránh sử dụng glucosamine trong ít nhất hai tuần trước khi trải qua một cuộc phẫu thuật theo lịch trình. Có một số bằng chứng cho thấy, glucosamine với liều dùng để điều trị viêm xương khớp có thể làm tăng insulin và/hoặc hemoglobin A1c ở những người mắc bệnh tiểu đường hoặc kháng insulin.

Dị ứng: Phản ứng dị ứng như hen suyễn trở nên tồi tệ và sưng dưới da đã được báo cáo khi sử dụng glucosamine. Tránh sử dụng glucosamine ở những người bị bệnh hen suyễn. Tránh ở những người bị dị ứng hoặc nhạy cảm với glucosamine sulfate hoặc các thành phần của sản phẩm.

Buồn ngủ: Buồn ngủ hoặc an thần có thể xảy ra khi sử dụng glucosamine. Hãy cẩn thận dùng glucosamine khi lái xe hay vận hành máy móc.

Giảm tác dụng của thuốc dùng chung: Có một số báo cáo rằng glucosamine cũng có thể làm giảm hiệu quả của thuốc nhất định. Vì vậy, hãy cẩn thận khi dùng glucosamine nếu bạn đang dùng các thuốc sau: tylenol (acetaminophen), doxorubicin, etoposide và teniposide; thuốc điều trị đái tháo đường gồm glimepiride, glyburide, insulin, pioglitazone và rosiglitazone.

Ảnh hưởng đến một số bệnh: Sử dụng thận trọng glucosamine ở những người có bệnh thận, bệnh loét dạ dày hoạt động, trầm cảm, bệnh ngoài da, hoặc những người cần hạn chế lượng kali. Sử dụng thận trọng ở những người có nguy cơ bị đục thủy tinh thể hoặc ở những người lớn tuổi có chứng mắt khô, glucosamine có thể gây tăng nguy cơ đục thủy tinh thể hoặc khô mắt.

Ngoài ra, gucosamine cũng có thể gây chán ăn, đau lưng hay đau cổ, thay đổi nồng độ creatine phosphokinase, urê máu, creatine máu, gây táo bón, ho, tiêu chảy, chóng mặt, khô miệng, viêm tai, đầy bụng, sự tích tụ chất lỏng, đầy hơi, đau đầu, ợ nóng, tăng tốc độ tăng trưởng của móng tay.

Đối với chondroitin sulfate

Chondroitin sulfate có mặt tự nhiên trong sụn bao quanh khớp. Chondroitin sulfate được tìm thấy trong các chất bổ sung chế độ ăn uống thường được sản xuất từ các nguồn động vật, chẳng hạn như sụn bò.

Đau dạ dày và buồn nôn nhẹ là hai tác dụng phụ thường gặp nhất do chondroitin sulfate. Chondroitin sulfate cũng có thể gây ra các tác dụng phụ: táo bón, tiêu chảy, rụng tóc, nhịp tim không đều và sưng mí mắt hoặc chân.

Lời khuyên của thầy thuốc

Thuốc có chứa glucosamine và/ hoặc chondroitin sulfate được sử dụng rộng rãi ở nước ta trong nhiều năm trở lại đây. Đây là thuốc được kê đơn khá thường xuyên trong khám bảo hiểm y tế và phòng mạch tư cho các bệnh lý liên quan xương khớp. “Viên bổ khớp” có chứa glucosamine và/hoặc chondroitin sulfate được bán rộng rãi ở các hiệu thuốc tây, người dùng có thể mua tự do không có kê đơn. Người sử dụng loại thuốc này cho rằng đây là một “chất bổ sung hàng ngày” cho xương khớp, vì vậy việc sử dụng “viên bổ khớp” này khá tùy tiện, lâu dài, thường xuyên, đôi khi mang tính lạm dụng.

Ngoài ra, “viên bổ khớp” lại được những người cao tuổi sử dụng nhiều nhất, trong khi đây là lứa tuổi thường có các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu và các bệnh lý tim mạch chuyển hóa khác.

Trong nhiều thập kỷ qua, việc sử dụng các chất bổ sung có chứa glucosamine và/hoặc chondroitin sulfate trong điều trị viêm xương khớp đã mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân. Tuy nhiên, việc sử dụng những thuốc này cần tuân thủ đúng chỉ định của thầy thuốc. Trước khi sử dụng cần tìm hiểu về tác dụng phụ có thể có và nguy cơ tiềm ẩn để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, đồng thời phát huy các tác dụng có lợi của chúng.

 

BS. Thanh Hải

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status