Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”
Logo

Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”

Lượt xem: 1.619 Ngày đăng: 09/12/2019

Rate this post

“Xã hội Việt Nam còn thiếu sự tôn trọng cho thất bại. Đây là hệ quả của việc giáo dục vẫn coi trọng kết quả hơn quá trình. Cố gắng và tiến bộ chưa bao giờ là tiêu chí đánh giá học sinh”.

Nguyễn Quang Tùng vốn là học sinh trường Chuyên Ngữ,  từng nhận học bổng của trường liên kết thế giới để theo học phổ thông; hiện đang là sinh viên năm 2 song ngành Nghiên cứu Giáo dục và Kinh tế tại ĐH Macalester (Mỹ).

Tùng cho rằng xã hội Việt Nam còn thiếu tôn trọng sự thất bại; trường học phải là nơi học sinh có thể mắc sai lầm chứ không chỉ biết tới thành công. Tùng đã có chia sẻ về bài học thất bại đầu tiên của mình.

Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”

Nguyễn Quang Tùng cho rằng xã hội Việt Nam còn thiếu tôn trọng sự thất bại.

Lần đầu tiên thất bại

Đó là năm thứ nhất đại học. Ngay trước kì nghỉ lễ Tạ Ơn, mình nhận được email báo dự án không được chọn để nhận quỹ hỗ trợ của trường. Đấy là email đầu tiên trong hòm mail của mình có chữ “Chúng tôi rất tiếc phải thông báo…”.

Thất vọng. Nghi ngờ bản thân. Dối lòng. Lặp lại.

Mình mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực. “Có phải dự án mình chưa đủ tốt?”, “Hay là mình trình bày tệ quá?”, “Hay vấn đề mình đang giải quyết không thực tế?”…

Sau đó, những câu hỏi bắt đầu bén rễ sang tương lai và những người đã ủng hộ mình: “Nói thế nào với đội của mình bây giờ, ai cũng mong chờ mày mang tin thắng lợi về mà?”, “Mẹ sẽ nghĩ gì về mình nhỉ?”, “Bạn bè cùng trường biết mình không đậu quỹ sẽ nghĩ gì về mình nhỉ?”…

Hơn ba năm nói chuyện cùng các bạn học sinh nộp hồ sơ các học bổng lớn nhỏ, mình tin rằng đây không phải là nỗi sợ của riêng mình. Đây không phải nỗi sợ thất bại, đây là nỗi sợ chấp nhận thất bại.

Chấp nhận một sự thật rằng mình chưa có duyên. Không phải chưa có tài, chưa có duyên.

Sau khi gạt những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực sang một bên, mình quyết định gửi một cái mail cho người phụ trách quá trình tuyển chọn (cô Kate), xin một cuộc gặp mặt để thảo luận về lí do dự án không được chọn. Mình được hẹn một cuộc gọi video vào ngày hôm sau.

Không như những câu truyện cổ tích các bạn được nghe, mình chẳng nhận được $5.000 sau cuộc gọi vì họ nhận ra tiềm năng thật sự của mình.

Những gì mình nhận được là sự trao đổi thẳng thắn và rõ ràng về những tiêu chí tuyển chọn, những điều mình cần làm rõ trong hồ sơ tài trợ và bài thuyết trình, cùng một vài lời khuyên chân thành để cải thiện dự án.

Mình bước vào cuộc gọi hôm đó, không kỳ vọng gì nhiều vào những gì sẽ nhận được. Nhưng khi cuộc gọi kết thúc, tư duy của mình thay đổi mãi mãi.

Mình suy nghĩ kĩ hơn về những nội dung, cách thức trình bày, vấn đề đang cố giải quyết, cách giải quyết vấn đề, tầm ảnh hưởng của dự án, về cách mình đo lường độ hiệu quả, về tính bền vững và tính kế thừa…

Và mình bắt đầu thay đổi. Mỗi ngày một chút. Mình báo với cả nhóm tin vui là mình nhận ra một đống thứ có thể được cải thiện, và tin không vui – chắc chắn rồi – là mình không nhận được quỹ. Mình nhận ra là cả nhóm không quan tâm đến việc có quỹ hay không mà chỉ muốn bắt tay vào hiện thực hóa những thay đổi tích cực cho dự án thôi.

Mình cũng báo tin cho mẹ  – người vui nhất khi mình đón nhận thất bại với một thái độ tích cực như vậy.

Thất bại đầu tiên của nam sinh “luôn gặp thành công”
Quang Tùng chia sẻ trải nghiệm với các bạn học sinh Việt Nam tại trại hè năm 2019.

Và đây là phần “cổ tích”. 5 tháng sau khi cuộc gọi kết thúc, mình và đồng nghiệp ngồi cùng một căn phòng với cô Kate, bắt tay và kí hợp đồng nhận 5.000 đô la từ một quỹ hỗ trợ khác của trường.

Và lí do? Mình nhận ra tiềm năng thật sự của bản thân và làm cho cô nhận ra tiềm năng thật sự của dự án.

3 bài học về thất bại

Quá trình thất bại – cải thiện – chiến thắng trong trận chiến xin tài trợ này dạy cho mình 3 bài học:

Thứ nhất, thất bại không hề xấu

Mình phải học cách tiếp nhận nhẹ nhàng hơn. Nếu vui khi thất bại tức là bạn đang không thực sự cố gắng. Bạn nên để bản thân buồn, nhưng phải ngồi dậy để xem mình có thể cải thiện điểm gì.

Hãy đón nhận thất bại như một trải nghiệm đáng học hỏi

Đừng giận bản thân mình trong quá khứ mãi. Nghĩ về tương lai. Hãy hỏi bản thân mình có thể làm tốt hơn như thế nào. Có những cách nào có thể giúp mình đạt được mục tiêu đó? Làm thế nào để kết nối với những người có thể giúp mình?

Thứ hai, mở lòng với những lời phê bình

“Khi bạn không đón nhận góp ý, thứ bạn nhận được là lời phê bình. Khi bạn mở lòng với lời phê bình, thứ bạn nhận được là ý tưởng” – Simon Sinek.

Đừng cố gắng bảo vệ ý kiến của mình bằng mọi giá. Rất nhiều khi bạn không phải là người xuất sắc nhất trong căn phòng.

Thứ ba, cơ hội là thứ hàng hoá tốt nhưng không bao giờ hết

Hai tháng sau khi nhận tin “dữ”, mình quay lại trường và tham gia buổi trình bày kết quả của những dự án được hỗ trợ. Mình hoàn toàn bất ngờ trước sự sáng tạo và tài năng của các bạn.

Mình được nghe về dự án xây dựng thư viện tiếng Anh ở miền quê Kenya, website và app điều trị và theo dõi tiến trình bệnh tâm thần bằng các phương pháp trị liệu và thiền, chiến dịch truyền thông chèo kayak quanh Alaska để nâng cao nhận thức về ô nhiễm môi trường…

Kết thúc buổi triển lãm, mình thực sự cảm thấy hạnh phúc và nhỏ bé. Nhỏ bé vì tất cả những dự án tuyệt vời này đều được lên ý tưởng và thực hiện bởi học sinh trong trường, những người bằng tuổi mình.

Mình thấy may mắn vì đã không được chọn. Mình thấy ủy ban đã không hề sai khi đã chọn để trao cơ hội cho những con người này.

Không phải mình không có tài, mà là chưa có duyên.

Có cơ hội nhiều người muốn, có cơ hội ít người muốn. Nếu bạn không nhận được cơ hội này thì 2 điều tốt sẽ xảy ra: 1 là người khác sẽ có được nó và 2 là bạn sẽ có cơ hội khác.

Xã hội Việt Nam còn thiếu sự tôn trọng cho thất bại. Đây là hệ quả của việc giáo dục vẫn coi trọng kết quả hơn quá trình. Cố gắng và tiến bộ chưa bao giờ là tiêu chí đánh giá học sinh.

Văn hoá giấu dốt và sự thiếu hụt văn hoá góp ý cũng bắt nguồn từ đây.

“Thôi thà không hỏi, mất điểm 1 câu còn hơn cả lớp biết mình dốt” thay vì “Thà hỏi 1 câu ngu trong 5 phút còn hơn là ngu cả đời”.

“Nó góp ý là nó muốn dìm mình”. Ai hỏi những câu ai cũng biết thì phải cười lên. Nếu làm sai kết quả trên bảng thì phải nói đểu nhau. Trả bài thì phải đọc điểm cả lớp…

Những hành động nhỏ này đều đã ăn sâu vào văn hoá của nhiều giáo viên, tạo ra thói quen không nhân nhượng cho những người mắc sai lầm.

Nếu trường là nơi để học, thì lớp học nên là nơi thoải mái nhất để học sinh mắc sai lầm.

Hãy coi bản thân bạn như một dự án và cuộc đời bạn là một hành trình xin tài trợ. Nộp đơn vào học bổng này, học bổng kia. Nhưng đừng chỉ làm với mong muốn đơn thuần là nhận được tài trợ cho việc học của mình. Hãy thưởng thức quá trình được tìm hiểu ước mơ, nguyện vọng, và giá trị của bản thân.

 

Nguyễn Thanh Tùng

(Vietnamnet)

 

DMCA.com Protection Status