Có ngăn chặn được sửa điểm, chấm chặt - lỏng môn tự luận?
Logo

Thi THPT quốc gia 2019: Có ngăn chặn được sửa điểm, chấm chặt – lỏng môn tự luận?

Lượt xem: 1.780 Ngày đăng: 03/05/2019

Rate this post

Khoảng 16% bài thi ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 bị giảm điểm so với kết quả ban đầu khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định ở 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, cho thấy, việc gian lận trong chấm thi ở môn tự luận diễn ra không kém môn trắc nghiệm. Liệu năm 2019, có ngăn chặn được gian lận, chấm chặt – lỏng trong môn thi tự luận này? 

Chấm lại những bài tự luận điểm cao

Khắc phục tình trạng gian lận trong chấm thi năm 2018, năm nay, đối với thi trắc nghiệm, Bộ GD&ĐT giao cho các trường ĐH chủ trì.

Chấm thi tự luận môn Ngữ Văn, Bộ GD&ĐT vẫn giao cho các Sở GD&ĐT chấm.

Điều đáng lo ngại nhất là vừa qua, Bộ Công an đã Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 giáo viên THPT ở Hòa Bình vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhiệm vụ được giao, trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các giám khảo khác thực hiện chấm thi tự luận môn Ngữ văn trái Quy chế thi Trung học phổ thông quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của các thí sinh tham dự kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 tại tỉnh Hòa Bình.

Thi THPT quốc gia 2019: Có ngăn chặn được sửa điểm, chấm chặt - lỏng môn tự luận? - 1
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD&ĐT kiểm tra chấm thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Hòa Bình. (Ảnh: Mỹ Hà)

Trả lời tại sao vẫn giao sở GD&ĐT chấm thi tự luận môn Ngữ văn ? ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, trên thực tế, các trường ĐH đủ năng lực để chấm thi môn Ngữ văn không nhiều, nên khi giao cho trường ĐH thì vẫn phải mời giáo viên của các sở GD&ĐT tham gia chấm. Do đó, việc vẫn tiếp tục giao cho các sở GD&ĐT chấm thi Ngữ văn là phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, chấm thi tự luận năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục thực hiện chấm theo 2 vòng độc lập. Cán bộ chấm thi lần thứ nhất và cán bộ chấm thi lần thứ 2 ngồi ở 2 phòng chấm thi khác nhau.

Quy định cán bộ chấm thi cũng rất chặt chẽ, cán bộ chấm thi lần thứ nhất chấm bài thi có phiếu chấm cá nhân; cán bộ chấm thi lần thứ 2 chấm trên bài thi, phiếu ghi điểm; thứ tự việc ghi điểm của cán bộ chấm 2, cán bộ chấm 1 và thư ký trên phiếu ghi điểm.

Cán bộ thanh tra phải kiểm tra việc thảo luận thống nhất điểm, điểm thống nhất của 2 cán bộ chấm thi, việc quyết định điểm, ghi điểm của trưởng môn chấm thi; việc xử lý các trường hợp bài thi phải chấm 3 lần; biên bản kết luận chấm tập thể; biên bản khớp phách ngẫu nhiên ít nhất 20% số bài thi tự luận (nếu có sai sót).

Bên cạnh đó, gắn camera an ninh giám sát phòng thi chấm tự luận, dung lượng lưu trữ dữ liệu của camera tối thiểu 21 ngày.

Đặc biệt, tổ chức nhập điểm thi cũng theo 2 vòng độc lập; lập biên bản đối sánh kết quả chấm 2 vòng nhập điểm, kiểm tra và nhập lại điểm của trường hợp có sai lệch điểm thi.

Tổ chấm kiểm tra bài thi tự luận sẽ lựa chọn những bài thi điểm cao của hội đồng thi để chấm kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp sai phạm có thể xảy ra.

Đề mở, đáp án mở – gây khó khăn cho công tác chấm thi?

Theo các giáo viên tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi, môn Ngữ văn là môn duy nhất áp dụng thi theo hình thức tự luận, tức là kết quả chấm thi cũng phụ thuộc khá nhiều vào chủ quan người chấm (không thể khách quan như thi theo hình thức trắc nghiệm) chính vì vậy, việc chấm lỏng – chấm chặt xảy ra là đương nhiên.

Phân tích biểu đồ phổ điểm môn Ngữ văn thi THPT quốc gia 2018, các giáo viên tổ Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học mãi cho biết, có sự mất đối xứng, điều đó được thể hiện cụ thể như sau:

Thi THPT quốc gia 2019: Có ngăn chặn được sửa điểm, chấm chặt - lỏng môn tự luận? - 2

Hình dáng phổ điểm không được thể hiện theo chuẩn (quả chuông) và có xu hướng hơi lệch phải với đỉnh của phổ ở mức 6. Phổ điểm xuất hiện quá nhiều hiệu ứng răng cưa, mức độ biến động liên tục nhưng không theo quy luật thông thường là thoải dần về hai phía từ đỉnh phổ và điều đó gây ra sự bất bình thường.

Ví dụ: Theo nguyên tắc chung, số thí sinh ở mức 7 điểm phải ít hơn số thí sinh ở mức 6,75 nhưng ở đây kết quả lại ngược lại. Dáng hình đồ thị liên tục lên, xuống theo từng dải điểm khiến cho phổ không có sự tương xứng và không đạt chuẩn. Điều này cho thấy mức độ phân hóa thí sinh của đề thi chưa cao có thể gây khó khăn cho công tác tuyển sinh.

Đặc biệt, barem chấm của Bộ GD&ĐT cũng tương đối mở theo tinh thần đề mở, đáp án cũng phải mở nên kết quả thi của các thí sinh cũng sẽ bị yếu tố chủ quan của người chấm chi phối. Điều đó ít nhiều làm cho kết quả thi ít có tính đồng bộ theo diện rộng.

Barem chấm thi môn Ngữ Văn năm 2018 do Bộ GD&ĐT công bố được đánh giá là ‘sơ sài’, ‘đơn giản’ phần nào gây ra khó khăn trong công tác chấm thi.

Điều này cũng khiến cho công tác chấm thi sẽ bị rơi vào tình trạng ‘mỗi người một phách’, sự không đồng đều giữa các địa phương về độ ‘chặt’, ‘lỏng’ khi cho điểm. Đó là còn chưa kể đến việc các giáo viên chấm thi ở các địa phương đã được làm quen và tập huấn về cách thức chấm thi theo lối mở hay chưa. Vấn đề này, Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu xem lại để áp dụng cho kỳ thi năm 2019.

Về cải tiến phần mềm chấm thi, ông Mai Văn Trinh cho biết đây là một trong những nội dung Bộ GD&ĐT tập trung thực hiện trong thời gian qua và đến nay đã sẵn sàng.

Năm 2019, việc quét bài thi là sẽ quét theo từng túi bài thi của từng phòng. Quét xong túi bài thi của phòng nào thì kiểm đếm niêm phong, sau đó mới quét tiếp các túi bài thi của phòng thi khác.

Về phần mềm chấm thi, thực hiện mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi bằng công nghệ cao để bảo đảm rất khó có thể can thiệp.

Đặc biệt, sẽ tiến hành đánh phách điện tử bài trả lời trắc nghiệm của thí sinh, bảo đảm không có mối liên hệ giữa thông tin cá nhân với kết quả bài làm.

Phần mềm chấm thi cũng lưu vết toàn bộ hoạt động và chỉ những người có trách nhiệm mới có thể mở, đọc được thông tin trên đó; đảm bảo mọi can thiệp vào phần mềm đều được kiểm soát và xử lý.

 

Hồng Hạnh

(Dantri)

 

 

DMCA.com Protection Status