Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội
Logo

Thuốc Quý Từ Quả Gấc

Lượt xem: 720 Ngày đăng: 27/06/2023

Rate this post

 Quả gấc có giá trị đặc biệt cho mắt vì nó giàu các chất beta-caroten, tiền vitamin A… ngăn ngừa các bệnh về mắt do thiếu vitamin A ở trẻ em, bệnh đục thể tinh thể và thoái hóa hoàng điểm tuổi già.

Thông tin chung

  • Tên tiếng Việt: Cây Gấc, Mộc Miết.
  • Tên khoa học: Momordica cochinchinensis.
  • Họ: họ Bầu bí (Cucurbitaceae).
  • Công dụng: Gấc có tác dụng làm hỗ trợ điều trị mờ mắt, khô mắt, làm sáng mắt, bổ mắt, điều trị sạm da, bổ sung cho trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng do thiếu Vitamin A.
  1. Mô tả Gấc

Gấc là loài cây dây leo, khô héo mỗi năm một lần nhưng sẽ mọc ra nhiều thân mới từ gốc vào mùa xuân năm sau.

Nhiều dây phát triển từ một gốc, trên dây có nhiều đốt, mỗi đốt đều có lá. Lá Gấc xẻ thùy sâu tới 1/3 – 1/2 phiến và mọc so le. Đường kính phiến lá 12 – 20cm, phía đáy lá hình tim, mặt trên lá màu xanh lục xám, sờ nhám. Hoa đơn tính màu vàng nhạt, nở vào khoảng tháng 4 – 5.

Gấc bắt đầu ra quả vào tháng 6. Quả hình bầu dục, dài khoảng 15cm, đáy nhọn, bên ngoài có nhiều gai mềm. Bên trong quả, hạt xếp thành hàng dọc, bao quanh bởi màng hạt màu đỏ máu. Khi bóc màng, lộ ra lớp vỏ hạt cứng đen, có răng cưa tù quanh mép. Hạt rộng 19 – 31mm, dài chừng 25 – 35 mm và dày 5 – 10mm, hình dạng gần giống con ba ba. Hạt Gấc có nhân và chứa nhiều dầu.

Áo hạt: Dược liệu là những màng dày khoảng 1mm, dài 2 – 3cm, rộng 2 – 2,5cm, màu đỏ cam, bề mặt nhăn nheo. Sau khi sấy, áo hạt khô giòn, dễ gãy vụn, vị nhạt, mùi hơi hăng.

  1. Phân bố, thu hoạch và chế biến

Phân bố: Cây Gấc được trồng và mọc hoang khắp nơi trên Việt Nam, nhiều nhất ở miền Bắc. Ngoài ra, cây còn mọc ở Philippin, Lào, Campuchia và miền nam Trung Quốc.

Có thể trồng bằng hạt hay giâm cành vào khoảng tháng 2 – 3. Sau khi thu hoạch quả, cây khô héo nhưng không chết và nảy chồi, mọc cây mới vào mùa xuân năm sau.

Thu hoạch: Mùa thu hoạch quả thường kéo dài từ các tháng 8 – 9 đến hết tháng 1 – 2 năm sau.

Chế biến: Bổ quả lấy nguyên hạt và lớp màng hạt rồi sấy hoặc phơi khô cho đến khi cầm hạt không thấy dính tay nữa. Sau đó, bóc lấy màng đỏ, tiếp tục sấy hoặc phơi khô ở nhiệt độ thấp (60 – 70°C) rồi chế biến thành dầu Gấc.

Phương pháp chiết dầu từ áo hạt:

  • Chiết dầu bằng dung môi (ete dầu hỏa): Chiết kiệt hoạt chất trong áo hạt bằng ete dầu hỏa. Sau đó, đun cách thủy dịch chiết trong không khí trơ (khí cacbonic hay nitơ) để thu hồi dung môi ete và cặn còn lại chính là dầu Gấc. Khi để lâu, phía dưới dầu Gấc sẽ lắng đọng một lớp tinh thể caroten. Tỷ lệ dầu trong màng đỏ là 8%, 100kg quả gấc cho chừng 1,9 lít dầu gấc.-
  • Ép như ép dầu lạc: Sấy khô màng hạt, tán nhỏ, sau đó đem đồ lên rồi ép. Dầu ép để vào tủ lạnh hoặc để lâu cũng bị phân thành 2 lớp và lắng đọng tinh thể như dầu chiết bằng ete. Trung hoà acid tự do trong dầu hạt Gấc chế biến từ hai phương pháp trên bằng cồn 95°.
  • Phương pháp thủ công nghiệp: Sấy khô và tán nhỏ màng hạt Gấc rồi cho vào dầu đậu phộng hoặc mỡ heo đã đun nóng đến nhiệt độ 60 – 70°. Dầu đậu phộng hoặc mỡ heo là dung môi hòa tan dầu chứa trong màng hạt Gấc. Cho dầu sau chế biến vào các chai nhỏ, đổ đầy miệng chai để tránh lượng không khí dư gây oxy hóa dầu.
  1. Bộ phận thường sử dụng của Gấc

Áo hạt (hay còn gọi là màng hạt) lấy từ lớp màng mỏng bao quanh hạt quả chín, đem sấy hoặc phơi khô của cây Gấc.

  1. Thành phần hóa học

Trong dầu chiết từ áo hạt chứa các acid béo gồm: Acid oleic, acid stearic, acid panmitic, acid linoleic. Ngoài ra còn có hàm lượng β-caroten (tiền chất của vitamin A) rất cao.

  1. Tác dụng của Gấc

Theo y học cổ truyền

Áo hạt có vị ngọt, tính bình, quy vào kinh can, tỳ, vị.

Công năng: Bổ tỳ, thanh can sáng mắt. Dùng cho trẻ con chậm lớn, phụ nữ mang thai, cho con bú, bệnh khô mắt, quáng gà.

Theo y học hiện đại

Bổ sung vitamin A

Hỗ trợ điều trị mờ mắt, khô mắt, làm sáng mắt, bổ mắt, điều trị sạm da, bổ sung cho trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng do thiếu Vitamin A. Trộn dầu Gấc vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống mỗi ngày.

Điều trị bỏng

Dùng thuốc mỡ chứa 5 – 10% dầu Gấc hoặc dầu Gấc nguyên chất để bôi lên vết bỏng giúp mau lên da non, chóng lành vết thương.

Làm đẹp da

Lớp màng đỏ bao quanh hạt Gấc hoặc dầu chiết từ màng này chứa rất nhiều vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa tế bào. Vì vậy, dầu Gấc đang được sử dụng nhiều trong sản xuất dược mỹ phẩm như son môi, kem dưỡng da… giúp cho làn da mịn màng, chống khô da, sạm da, rụng tóc…

Điều trị ung thư

Một số nghiên cứu ở Anh đã dùng vitamin A liều cao để chữa ung thư, tuy có kết quả nhưng liều cao vitamin A cũng dễ gây biến chứng nên người ta chuyển sang dùng β-caroten.

Điều trị táo bón

Dầu Gấc giúp nhuận tràng, thích hợp cho người bị táo bón. Tuy nhiên, người đi phân lỏng không nên dùng dầu Gấc.

  1. Liều lượng và cách dùng Gấc

Dùng dạng dầu.

Người lớn: 10 – 20 giọt/ngày x 2 lần/ngày.

Trẻ em: 5 – 10 giọt/ngày.

  1. Bài thuốc chữa bệnh từ Gấc

Bổ sung vitamin A

Trộn khoảng 10g chứa khoảng 700 microgram vitamin A (tương đương 2 muỗng cà phê) dầu Gấc vào thức ăn đã nấu chín hoặc uống, dùng mỗi ngày.

Đối với trẻ em, nếu dùng dầu Gấc nguyên chất ép từ màng Gấc đã phơi thì liều lượng hàng ngày là 8 giọt.

Làm đẹp da mặt

Rửa sạch mặt và tay, sau đó thoa đều lên mặt khoảng 5ml dầu Gấc và massage nhẹ nhàng từ 15 – 20 phút cho dầu thấm sâu vào da. Đợi khoảng 30 phút rồi rửa sạch mặt với nước ấm và sữa rửa mặt. Tránh bôi dầu lên các vùng mắt và miệng.

Trị mụn trứng cá, giúp da sáng mịn

Dằm nhuyễn cùi quả Gấc chín rồi thêm vài giọt nước cốt chanh và trộn đều. Rửa sạch mặt, bôi đều hỗn hợp đã pha lên mặt, để yên trong khoảng 30 phút, sau đó rửa lại bằng nước sạch.

  1. Lưu ý khi sử dụng Gấc

Trong quá trình sử dụng gấc để hỗ trọ điều trị một số bệnh bạn nên làm sạch vết thương hoặc vùng da cần điều trị để tránh vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.

  1. Bảo quản Gấc

Loại hết nước hoặc dung môi trong dầu Gấc nguyên chất rồi bảo quản trong chai màu vàng hoặc ở nơi tránh ánh sáng và tránh ẩm. Nếu dầu Gấc còn lẫn dầu đậu phộng (đã trung hoà hoặc chưa) thì rất chóng mất màu.

Trên đây là các thông tin về đặc điểm, hình ảnh, công dụng và các bài thuốc từ Gấc cũng như một số lưu ý cần quan tâm. Tuy nhiên, để bài thuốc mang lại tác dụng điều trị cao và hạn chế tác dụng phụ, người bệnh vẫn nên tham khảo chuyên gia về cách dùng và liều lượng. Mong rằng những thông tin mà Medigo chia sẻ sẽ giúp ích cho việc tham khảo của bạn đọc.

  1. Các bộ phận khác được dùng làm thuốc của gấc.
  2. Dầu gấc

Quả gấc chín, cắt đôi, lấy hết phần thịt đỏ và thịt vàng, tách hạt lấy màng đỏ bao quanh hạt; phơi nắng khoảng 2-3 giờ đồng hồ. Khi thấy thịt gấc se lại, không còn bết dính, cắt nhỏ. Đun nhỏ lửa với dầu dừa, hay dầu ô-liu, hoặc dầu ăn. Thỉnh thoảng dùng đũa đảo đều để phần dầu gấc được chiết xuất ra. Đun đến khi cả 2 hỗn hợp đều keo lại, nhìn dầu đã tan hết là được. Chờ dầu nguội, cho vào hũ, đậy kín, bảo quản dùng dần.

Dầu gấc đỏ tươi, không cháy. Dầu gấc trộn xà lách, cơm xôi, cho vào cháo… chữa suy dinh dưỡng trẻ em, chữa khô giác mạc, quáng gà, phòng ngừa đục thủy tinh thể; giảm tác dụng phụ của các chất hóa học gây ung thư. Dùng cho bệnh nhân sau khi cắt bỏ khối u, sau hóa trị liệu, sau xạ trị; giảm các chất độc hại cho người làm việc trong môi trường ô nhiễm; phòng ngừa viêm gan, xơ gan, ung thư gan, phòng ngừa thoái hóa tế bào thần kinh, bệnh Alzheimer; giảm cholestesterol, chống xơ vữa động mạch; bảo vệ da, giúp vết thương mau lành.

Hạt gấc ngâm rượu tác dụng tốt gần như mật gấu

  1. Hạt gấc

Hạt gấc khoảng 30 hạt, sao tồn tính (để lửa già, chảo thật nóng, cho hạt gấc vào đảo đều, đến khi bên ngoài cháy già, bẻ ra bên trong còn màu vàng cũ là được). Cho vào cối giã nhỏ ngâm với 500 ml rượu trắng. Dùng rượu hạt gấc bôi vào chỗ sang chấn có tác dụng tốt gần như mật gấu. Rượu hạt gấc chữa sang chấn đụng giập trong những trường hợp ngã, vết thương tụ máu.

Hạt gấc sống, hoặc đã qua đồ xôi, chặt đôi đem mài với ít rượu, hoặc giấm thanh dùng ngoài, bôi, xoa vào chỗ sưng tấy do mụn nhọt, sưng quai bị, chữa sán khí ( hạ nang sưng rắn, ngọc hành sưng đau, tiểu khó)… rất mau khỏi. Bôi nhiều lần trong ngày cứ khô lại bôi.

Chữa sưng vú : Nhân hạt gấc, giã nát, hòa với rượu đắp vào nơi tổn thương sưng vú, cố định bằng gạc và băng dính, đắp liên tục, ngày thay thuốc một lần.

Chữa trĩ, lòi dom : Hạt gấc giã nát, thêm một ít giấm thanh, đắp vào hậu môn, cố định bằng vải gạc và băng dính. Để qua đêm. Sau mỗi đêm lại thay thuốc một lần.

Chữa răng lợi sưng đau chảy máu: Hạt gấc nướng chín, giã nhỏ hòa nước ngậm khoảng 30 phút rồi nhổ đi.

  1. Rễ gấc

Rửa sạch, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng sao vàng, tán nhỏ, ngày dùng 6-12g. Trị thủy thũng, cước khí sưng phù. Trị phong thấp, khớp xương sưng nhức, trị nhọt lở.

  1. Lá gấc

Lá gấc non làm rau ăn như ngọn su su, nấu canh, hoặc xào, tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng.

Lá gấc phối hợp với tầm gửi đắp vào nơi tổn thương (ngoài da) tiêu sưng tấy.

 

                                                      

 

DMCA.com Protection Status