Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội dự lễ hội truyền thống Đền Bia tưởng niệm Đại Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh
Lượt xem: 518 Ngày đăng: 08/05/2024
Sáng nay 8 tháng 5 năm 2024 (tức ngày 1/4 Âm lịch), đoàn lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội đã tổ chức về dự lễ hội truyền thống đến Bia tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Bia, thuộc xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, tưởng niệm Đại Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đây là một trong 3 di tích thuộc cụm di tích quốc gia đặc biệt Đền Xưa – Chùa Giám – Đền Bia thờ vị Thánh thuốc Nam là Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Đoàn lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của trường đã thành kính dâng hương, tưởng nhớ tới công đức của bậc Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Ông được tôn vinh là vị thánh thuốc Nam, là người mở đầu và có những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà.
Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh (sinh năm 1330), tại làng Nghã Phú, tổng Văn Thai, phủ Thượng Hồng (nay là thôn Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương). Ông mồ côi cha mẹ từ khi lên 6 tuổi nhưng được sư trụ trì chùa Giám đón về nuôi dạy.
Năm 22 tuổi, ông thi đỗ Thái học nhưng không ra làm quan mà tận tâm nghiên cứu, bào chế nhiều loại thuốc Nam để cứu giúp những người bệnh nghèo. Ông là người có công xây dựng 24 ngôi chùa, không chỉ là nơi thờ Phật mà còn là y xá để cứu chữa cho nhiều người bệnh. Ông đã có công lớn giúp phong trào trồng và sử dụng thuốc Nam ngày càng phát triển.
Năm 55 tuổi, ông được cử đi sứ nhà Minh (Trung Quốc) và được triều đình nhà Minh phong là “Đại y Thiền sư” rồi giữ lại làm việc ở Viện Thái y. Sau đó, ông qua đời tại Giang Nam, Trung Quốc.
Nhiều năm sau, có vị tiến sĩ Nguyễn Danh Nho (1638 – 1699) là người cùng làng với ông, trong lần đi sứ Trung Quốc đã gặp mộ phần của Đại danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh. Xúc động trước tấm bia khắc lời di nguyện của Tuệ Tĩnh: “Sau này có ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”, tiến sĩ Nguyễn Danh Nho đã cho người dập mẫu tấm bia, cho thợ làm lại và chở về quê.
Tương truyền, trên đường về, đến vị trí của đền hiện nay, thuyền bị lật, tấm bia bị chìm không lấy lại được. Sau này, người dân tìm thấy tấm bia và lập miếu thờ. Đền Bia được xây dựng từ thời Lê và qua nhiều thế kỷ đã được trùng tu nhiều lần.
Hiện nay, tấm bia đó được thờ trang trọng trong hậu cung của Đền Bia. Cả cuộc đời Tuệ Tĩnh đã để lại cho hậu thế nhiều di sản quý báu: đóng góp cho kho tàng tri thức y, dược học dân tộc; y đức và tinh thần tự tôn dân tộc với phương châm “Nam dược trị nam nhân”.
Ông đã tập hợp, hệ thống lại các phương pháp chữa bệnh thành 10 khoa, trên 3.800 phương thuốc, 580 vị thuốc chữa cho 184 loại bệnh.
Năm 2005, Đền Bia đã được trùng tu, tôn tạo với 12 hạng mục trên diện tích rộng gần 12.800m2. Hàng trăm năm qua, Đền Bia trở thành trung tâm y, dược của dân tộc, mỗi năm có hàng vạn lượt du khách thập phương, thầy thuốc, lương y, cán bộ, nhân viên ngành y dược trong cả nước đến tham quan, chiêm bái, tưởng nhớ công đức của vị Thánh thuốc Nam, người có công lớn đối với nền y học của dân tộc.
Trường Cao Đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh Hà Nội tự hào là một trong ba ngôi trường đào tạo y dược chính thống của Thủ đô mang tên của vị Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh. Đây là một hoạt động có ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, tri ân bậc tiền nhân – vị thánh của thuốc Nam, là người mở đầu và có những đóng góp to lớn cho nền y học nước nhà.