Xu thế chữa trị bằng phương pháp tác động cột sống – An toàn và hiệu quả.
Lượt xem: 3.419 Ngày đăng: 07/01/2020
Tác động cột sống là dùng một số thủ thuật của xoa bóp (án ma) tác động vào xương sống và vùng cạnh xương sống. Những động tác này thường là: day, bấm, miết, phân. Cột sống là phần nối tiếp từ xương sọ đến xương cùng cụt gồm 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống lưng, 5 đốt sống thắt lưng, 5 đốt sống cùng cụt, trong đốt sống có tủy sống.
Trong hộp sọ có đại não, tiểu não và hành tủy – tiếp theo hành tủy là tủy sống. Nói một cách khái quát thì đại não điều khiển toàn bộ vận động, cảm giác, tình cảm. Dưới vỏ não điều khiển hệ nội tiết. Tiểu não điều khiển quá trình giữ thăng bằng. Hành tủy điều khiển hoạt động của tim mạch và hô hấp.
Trong hộp sọ là các tế bào não, thì tủy sống bao gồm các tế bào thần kinh cho ra các rễ trước để điều khiển vận động cục bộ, rễ sau điều khiển tiếp nhận cảm giác từ ngoài dẫn vào như cảm giác sờ mó, cảm giác nóng lạnh, cảm giác đau… từ ngoài dẫn vào thần kinh trung ương để phân tích và cho các lệnh để dây thần kinh thực hiện.
“Cột sống là chìa khóa của sự sống.
Chính từ đó mà dây thần kinh giao cảm đi ra để chỉ huy mọi cơ quan nội tạng”
Mỗi đốt sống cho ra một dây thần kinh có tác dụng điều khiển vùng tương ứng với đốt sống đó. Thí dụ: đốt sống cổ điều khiển hoạt động của tay. Đốt thắt lưng điều khiển hoạt động của chân. Cạnh cột sống có 2 chuỗi hạch là giao cảm và phó giao cảm. Thần kinh giao cảm và phó giao cảm còn gọi là thần kinh thực vật.
Như vậy, để điều khiển mọi hoạt động của cơ thể có 2 loại thần kinh: Thần kinh thực vật và thần kinh động vật.
Thần kinh động vật : điều khiển hành vi động tác theo ý muốn của cơ thể – thí dụ: nắm tay, bước đi…
Thần kinh thực vật : điều khiển hoạt động không theo ý muốn của cơ thể: thí dụ: việc tiết mồ hôi, co bóp của cơ quan tiêu hóa, co bóp của tim, hô hấp… Tuy vậy điều khiển của thần kinh thực vật cũng chịu tác động của vỏ não – điều này thể hiện ở sự rèn luyện và luyện tập của cơ thể, có khả năng điều khiển hệ thần kinh thực vật.
Như vậy ta thấy phương pháp tác động cột sống với các động tác như day, miết, bấm điểm, phân sẽ gây một kích thích vào vùng thần kinh của cột sống làm cho hệ thần kinh động vật và thực vật đều tăng hoạt động. Thí dụ: khi một cánh tay bị yếu, khả năng vận động kém, ta tác động cột sống vùng cổ có thể hồi phục lại chức năng vận động của cánh tay đó.
Khi sản phụ bị tắc tia sữa, tuyến vú kém tiết sữa tác động vùng lưng ngực có thể thông tia sữa, tuyến sữa tăng tiết sữa. Bệnh nhân bị hen có cơn khó thở ta có thể tác động cột sống có thể giảm hay cắt hẳn cơn khó thở.
Thực chất tác động cột sống là tác động vào hệ thống thần kinh, tăng cường hoạt động của hệ thần kinh thực vật hay thần kinh động vật tùy theo ý định của thầy thuốc trong phòng và chữa bệnh.
Chỉ định và chống chỉ định của tác động cột sống là gì?
Chỉ định của phương pháp tác động cột sống rất rộng. Vì hệ thần kinh của cột sống và cạnh cột sống điều khiển các hoạt động từ đầu đến chân. Ở trong cơ thể là các cơ quan: hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục…
Khi các cơ quan này rối loạn hoạt động hay hoạt động yếu đều có thể dùng phương pháp tác động cột sống. Người bị đau đầu, đau mỏi cổ gáy, tê bại tay chân… cũng dùng phương pháp tác động cột sống để điều trị.
Chống chỉ định: Người bệnh bị lở loét mụn nhọt vùng cột sống thì không nên làm vì sẽ gây nhiễm khuẩn và lở loét thêm. Khi các cơ quan bị tổn thương thực thể, thí dụ: loét dạ dày, viêm ruột thừa, thủng dạ dày, nhồi máu cơ tim, cơn hen ác tính, suy hô hấp, suy tim, khi bị sỏi thận, sỏi mật, gãy xương, chấn thương đụng dập cơ và dây chằng ở khớp – các trường hợp người bệnh bị nhiễm khuẩn hoặc mắc các bệnh lây do tiếp xúc, lây qua đường máu không nên dùng phương pháp này.
Đông y đã biết trên giữa cột sống có mạch đốc, cách cột sống 0,5cm có chuỗi huyệt hoa đà giáp tích, cách cột sống 1,5 thốn (khoảng 2cm) có kinh bàng quang. Như vậy day, điểm, phân… vùng cột sống là tác động vào mạch đốc, tác động vào vùng huyệt hoa đã giáp tích và kinh bàng quang. Trên kinh bàng quang vùng lưng và thắt lưng có các du huyệt tương ứng với các tạng phủ trong cơ thể nên được đặt tên, thí dụ: tâm du, phế du, cách du, tỳ du, thận du, đại tràng du…
Mạch đốc có tác dụng điều khiển các kinh dương trong cơ thể. Huyệt hoa đà giáp tích và huyệt du của kinh bàng quang có tác dụng điều khiển hoạt động của các tạng phủ bên trong và vùng tương ứng bên ngoài.
Tác động cột sống là một số thủ thuật của xoa bóp vào cột sống và cạnh cột sống, động tác đơn giản, có hiệu quả cao bởi nó có tác dụng làm tăng lưu thông khí huyết. Tuy vậy, người làm xoa bóp đều biết khi xoa bóp phải biến từ kỹ năng thành kỹ xảo mới đạt hiệu quả mong muốn.
Vì bệnh tật của con người ngày càng đa dạng, phức tạp hơn, một người có thể mắc nhiều bệnh. Một bệnh lại có nhiều triệu chứng, thầy thuốc cần khám kỹ và có chỉ định đúng. Nhiều bệnh nên được kết hợp tác động cột sống với châm cứu, cũng có thể phối hợp thêm đông dược hoặc Tân dược hiệu quả điều trị mới cao, nếu chỉ đơn thuần tác động cột sống bệnh phức tạp hay bệnh có nhiều triệu chứng kết quả điều trị sẽ hạn chế.