Người bệnh có khi tàn phế vì phải cắt cụt chi, nặng có thể tử vong. Kết hợp điều trị Tây y và Đông y có nhiều ưu điểm và hiệu quả rõ rệt, ngay cả với những bệnh nhân tắc mạch chi biến chứng do đái tháo đường.
Viêm tắc động mạch chi theo y học cổ truyền thường gọi “Cốt thư” hay “Thoát cốt thư ”. Theo y học cổ truyền, có 3 nguyên nhân: ngoại nhân là do hàn tà, thấp tà, hỏa tà; bất nội ngoại nhân do ăn uống, lao thương; nội nhân do thất tình, đàm ẩm, khí huyết.
Hàn tà gây thu co, đau nhức, tắc ứ huyết mạch. Hỏa tà “ngũ khí hóa hỏa” hay do hàn tà lâu ngày hóa hỏa, hay do thấp tà hóa nhiệt gây sưng tấy hóa mủ lở loét, phù thũng căng nặng. Thất tình làm công năng tạng phủ bị rối loạn gây mất cân bằng dẫn tới khí trệ huyết ứ, kinh mạch bị tắc. Đàm ẩm do thủy thấp dẫn đến ứ trệ ở kinh mạch làm cho khí huyết không lưu thông gây chi thể nặng nề, đi lại khó khăn. Lao thương quá độ làm tổn thương khí huyết cân mạch…
Người bệnh có triệu chứng: khi gặp lạnh, các mạch máu co thắt gây thiếu máu dẫn đến lạnh chi, làm việc nặng hay đi lại nhiều thấy tê, đau bắp chân, có khi lan xuống bàn chân, ngón chân, da chân nhợt nhạt hay tím, nghỉ ngơi hết đau (cách hồi). Khi nặng, rối loạn dinh dưỡng chi thì đau thường xuyên, tím tái vùng ngón, bàn chân… Bệnh nhân đau không chịu nổi, hai tay giữ lấy bàn chân, đầu ngón chân có khi có loét hoại tử khô hay ướt, chi lạnh nhợt teo, toàn thân suy sụp, có khi sốt, sờ mạch khó thấy.
Bồ công anh là vị thuốc trong bài “Tứ diệu dũng an than” gia giảm trị viêm tắc động mạch chi thể khí trệ huyết ứ.
Các vị thuốc hay dùng cho trị viêm tắc động mạch chi:
Thuốc hoạt huyết hóa ứ: đào nhân, hồng hoa địa long, thủy diệt, ích mẫu thảo, đan sâm, xuyên khung, ngưu tất… Nhóm thanh nhiệt tiêu viêm: bồ công anh, kim ngân hoa, rau má, sài đất, liên kiều, ngưu bàng tử , thương nhĩ tử, hoàng cầm, hoàng bá, tạo giác thích… Nhóm trừ thấp lợi niệu: thổ phục linh, tỳ giải, bạch linh, trư linh, độc hoạt… Nhóm ôn kinh tán hàn: quế chi, phụ tử, sa nhân, xuyên khung… Nhóm bổ dưỡng: đảng sâm, hoàng kỳ, bạch thược, đương quy, kỷ tử, sinh địa, thục địa, bạch truật, mạch môn… Sau đây là một số bài thuốc trị theo từng thể.
Thể khí trệ huyết ứ: ngoài đau ở chi bị tổn thương, sắc mặt u ám, da khô trắng nhợt, chi teo nhẽo, lưỡi hồng hay xám tía, mạch huyền tế, trầm huyền.
Phép trị là hoạt huyết khứ ứ, hành khí giải uất. Dùng bài thuốc:
Bài 1 – “Tứ diệu dũng an thang” gia giảm: nhân sâm 8g, đương quy 10g, kim ngân hoa 16g, cam thảo 4g. Gia giảm: xuyên khung 8g; bạch truật, bạch linh, bạch thược, mạch môn, bồ công anh mỗi vị 12g… Sắc uống.
Bài 2 – “Hoạt huyết thông mạch ẩm” gia giảm: đan sâm, thương truật, ý dĩ nhân, xích thược, đương quy, địa long mỗi vị 12g; hoàng bá 10g, đào nhân 8g, ngưu tất 16g, thổ phục linh 16g, cam thảo 4g. Sắc uống.
Thể hàn thấp: sờ chi lạnh, da bợt trắng bệch, đi lại đau, hay bị chuột rút, nhất là về đêm, lưỡi nhợt có điểm ứ huyết.
Bài 1 – “Quế chi thang”: quế chi 6g, bạch thược 12g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả. Sắc uống.
Bài 2 – “ Tứ vật đào hồng” gia giảm: đương quy 10g, xuyên khung 8g, đào nhân 8g, hồng hoa 8g, bạch thược 12g, thục địa 12g. Sắc uống.
Thể thấp nhiệt: người bệnh hoại tử đầu ngón chân, hoại tử khô hay chảy nước, ngón chi có khi sưng nề, có khi sốt, rêu lưỡi vàng, mạch huyền sác hay hoạt sác.
Bài 1 – “Tứ diệu dũng an thang” gia giảm: nhân sâm 8g, đương quy 8g, kim ngân hoa 12g, cam thảo 4g. Gia giảm: xuyên khung 8g, bạch truật 12g, bạch linh 12g, bạch thược 12g… Sắc uống.
Bài 2 – “Giải độc tế sinh thang”: cam thảo (sống) 4g; đương quy, hoàng bá, hoàng cầm, thiên hoa phấn mỗi vị 10g; kim ngân hoa, mạch môn, ngưu tất, phục linh mỗi vị 12g; tri mẫu, sài hồ, viễn chí, hồng hoa, xuyên khung mỗi vị 8g. Sắc uống.
Thể khí huyết lưỡng hư: Bệnh lâu ngày cơ thể suy sụp, loét lâu liền, đau kéo dài mất ăn, mất ngủ, toàn thân gầy sút, rêu trắng mỏng, mạch nhược tế vô lực.
Bài 1 – “Thập toàn đại bổ”: cam thảo 4g, nhân sâm 8g, xuyên khung 8g, đương quy 10g, quế chi 6g; bạch linh, bạch thược, hoàng kỳ, bạch truật, thục địa mỗi vị 12g. Sắc uống.
Bài 2 – “Bát trân thang”: cam thảo 4g, nhân sâm 8g, xuyên khung 8g, đương quy 10g; bạch thược, bạch linh, bạch truật, thục địa mỗi vị 12g. Sắc uống.
TS.BSCKII. Trần Lập Công