Tai biến mạch máu não, gây đột quỵ: Hệ quả và cách khắc phục
Lượt xem: 1.035 Ngày đăng: 03/07/2020
Đột quỵ hay tai biến mạch máu não (TBMMN) là một bệnh lý tim mạch, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là một hội chứng lâm sàng, bao gồm “các dấu hiệu rối loạn chức năng của não (khu trú hoặc toàn thể) phát triển nhanh, kéo dài từ 24 giờ trở lên, hoặc dẫn đến tử vong; mà không xác định nguyên nhân nào khác ngoài căn nguyên mạch máu”. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất gây nên khuyết tật trầm trọng, phổ biến ở người lớn tuổi. Trên thế giới, chỉ có 15-30% người bệnh sống sót sau đột quỵ độc lập về chức năng và khoảng 40-50% độc lập một phần. Nhóm còn lại các chức năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng dẫn đến sự phụ thuộc chủ yếu vào sự chăm sóc của người khác như: tắm rửa, ăn uống, di chuyển… gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của người bệnh.
Đột quỵ không chỉ là một tình trạng cấp tính mà còn gây ra các khiếm khuyết, giới hạn hoạt động và hạn chế sự tham gia kéo dài. Để xử lý tốt nhất nhiều loại rối loạn về thể chất, nhận thức và cảm xúc, các người bệnh đột quỵ cần được chăm sóc, phục hồi chức năng một cách toàn diện tại các bệnh viện trong giai đoạn cấp. Cần có sự theo dõi thường xuyên, liên tục; hỗ trợ người bệnh một cách chủ động trong giai đoạn phục hồi bán cấp và mạn tính.
Quá trình hồi phục bao gồm 4 giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, sẽ có các vấn đề khác nhau về sức khỏe và mục tiêu chăm sóc cho người bệnh.
– Giai đoạn tối cấp (0-24 giờ).
– Giai đoạn phục hồi sớm (24 giờ – 3 tháng).
– Giai đoạn phục hồi muộn (3-6 tháng).
– Phục hồi chức năng trong giai đoạn mạn tính (> 6 tháng).
Đột quỵ gây ra nhiều thay đổi trên sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, mức độ và phạm vi ảnh hưởng của đột quỵ không giống nhau ở mỗi trường hợp. Mà còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương, khả năng hồi phục, giai đoạn bệnh, điều trị y tế được thụ hưởng…
Ảnh hưởng sau đột quỵ
Đột quỵ là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nếu không được cứu chữa đúng cách, kịp thời, tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa. Ngay trong trường hợp được cứu sống, người bệnh cũng phải đối mặt một số di chứng như:
Các chức năng cơ thể bị ảnh hưởng: Cơ yếu đi, có thể liệt nửa người. Gây trở ngại cho sự thăng bằng, gây mệt mỏi và giảm vận động. Khó khăn trong việc nhai nuốt, tầm nhìn bị thay đổi; khó khăn trong việc kiểm soát bàng quang và ruột, làm rối loạn tiểu tiện và đại tiện.
Rối loạn giao tiếp: Mất ngôn ngữ (Aphasia) ảnh hưởng đến khả năng nói, viết, trong khi các khả năng nhận thức khác tương đối còn nguyên vẹn. Mất ngôn ngữ là một tình trạng kéo dài làm thay đổi cuộc sống, ảnh hưởng đến cả cá nhân và những người khác xung quanh về kiểu giao tiếp, lối sống, bản sắc… Mất ngôn ngữ có thể cùng tồn tại với các khiếm khuyết nhận thức khác. Loạn vận ngôn (Dysarthria) có thể ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và chất lượng cuộc sống. Là khiếm khuyết về lời nói do vận động với mức độ nặng nhẹ khác nhau; ảnh hưởng đến sự rõ ràng của lời nói, chất lượng, âm lượng giọng nói, khả năng hiểu nói chung.
Suy giảm trí nhớ và tư duy: Đột quỵ thường ảnh hưởng đến trí nhớ. Nếu ảnh hưởng đến vùng não phải, bệnh nhân có thể bị các rối loạn về không gian – nhận thức, làm suy yếu khả năng đánh giá kích thước, khoảng cách, tốc độ, vị trí hoặc cấu trúc. Biểu hiện không thể viết các chữ cái và con số, không nhận biết được phía bên trong hoặc bên ngoài, mặt trái hoặc mặt phải của quần áo. Thậm chí một số bệnh nhân không thể xác định được họ đang đứng hoặc đang ngồi.
Thay đổi cảm xúc: Thay đổi sau đột quỵ là những thay đổi về cảm xúc. Bao gồm lo âu, trầm cảm, dễ cáu kỉnh và thiếu kiểm soát cảm xúc. Đột quỵ ảnh hưởng não vùng trán hoặc vùng thân não, có thể dẫn đến mất kiểm soát cảm xúc. Biểu hiện có thể cười và sau đó khóc òa đột ngột, thường xảy ra vào ban đêm hoặc ban ngày, đặc biệt là khi bệnh nhân nằm lâu trên giường.
Thay đổi hành vi: Các thay đổi về hành vi và nhân cách (ví dụ như dễ cáu giận, hiếu chiến, cố chấp, mất sức sống. Trở nên lãnh đạm, dễ thay đổi cảm xúc, thiếu kiềm chế, bốc đồng và mất hiểu biết về bệnh tật. Hành vi này thường xảy ra sau đột quỵ, có thể gây trở ngại đáng kể đối với sự tham gia và tái hòa nhập cộng đồng. Gây khó khăn cho gia đình, bạn bè và người chăm sóc, tạo áp lực với cả người chăm sóc.
Thay đổi về nhận thức: Người bệnh đột quỵ có thể bị suy giảm nhận thức tổng quát trầm trọng. Những thay đổi về nhận thức sau đột quỵ. Ví dụ, quá trình xử lý thông tin bị chậm, hoặc có thể ở các lĩnh vực cụ thể như định hướng, chú ý, trí nhớ, thị giác không gian, suy luận, ngôn ngữ…
Khó khăn trong các hoạt động của cuộc sống hàng ngày: Giới hạn về thể chất và tinh thần của người bệnh đột quỵ gây nên nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Cần khuyến khích sự độc lập, để giảm gánh nặng cho gia đình và người chăm sóc. Độc lập trong sinh hoạt cũng là cách để kéo giảm trầm cảm.
Việc khôi phục của bệnh nhân đột quỵ là một quá trình bền bỉ
Hồi phục sau đột quỵ
Hồi phục sau đột quỵ phụ thuộc vào can sự thiệp của y học, phục hồi tự nhiên, phục hồi chức năng và các dịch vụ chăm sóc xã hội. Mỗi người bệnh sau đột quỵ thường chịu những tổn thương ở các mức độ khác nhau; có mức độ di chứng khác nhau, nên việc phục hồi chức năng, khôi phục hoạt động của cơ thể của mỗi người mỗi khác. Cần căn cứ trên cơ sở của từng bệnh nhân, các cán bộ chuyên môn mới có thể đưa ra những thông tin, phát đồ, quy trình phục hồi phù hợp.
Hiệu quả khắc phục hậu quả sau đột quỵ được quyết định bởi các yếu tố:
Mức độ trầm trọng của di chứng: Các bệnh nhân có tình trạng di chứng nhẹ, vừa phải sẽ có tốc độ, mức độ hồi phục tốt hơn so với các bệnh nhân mắc phải các di chứng nặng nề.
Bắt đầu sớm, nhưng không quá sớm: Theo các khuyến cáo, tất cả bệnh nhân nhập viện vì đột quỵ cấp nên được bắt đầu vận động sớm, trong vòng 24 đến 48 giờ, sau khi đột quỵ khởi phát nếu không có chống chỉ định.
Trình độ chuyên môn của cán bộ y tế: Trình độ chuyên môn của cán bộ trực tiếp kiểm tra, theo dõi, chỉ định có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả phục hồi của bệnh nhân. Cán bộ có trình độ chuyên môn cao, đánh giá đúng tình trạng của bệnh nhân và đưa ra những chỉ định, bài tập, tư vấn tâm lý phù hợp; sẽ giúp quá trình hồi phục được nhanh chóng, hiệu quả.
Động lực tập luyện của bệnh nhân: Mỗi bệnh nhân cần có tinh thần tự vận động, tự cải thiện, giữ được tâm lý thoải mái, từ đó nâng cao hiệu quả tập luyện cũng như cải thiện sự hồi phục của não một cách tự nhiên, toàn diện.
Mức độ phù hợp của bài tập: Các bài tập được lặp đi lặp lại với tần suất cao, việc lựa chọn bài tập phù hợp với từng bệnh nhân sẽ cải thiện tốc độ hồi phục tốt hơn so với các bài tập chung chung, không có tác động cụ thể hay chuyên biệt.
Việc khôi phục của bệnh nhân đột quỵ là một quá trình bền bỉ, cần sự kiên trì của chính bệnh nhân, người nhà và cán bộ chuyên môn. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm sức, thời gian và tài chính của người bệnh lẫn đội ngũ y, bác sĩ điều trị. Do đó, mỗi người cần có ý thức bảo vệ sức khỏe; phòng ngừa ngay từ hôm nay, để tránh nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
(Suckhoedoisong)