Bệnh cường giáp và các biến chứng tim mạch cho người bệnh
Logo

Bệnh cường giáp và các biến chứng tim mạch

Lượt xem: 1.743 Ngày đăng: 08/06/2019

Rate this post
Cường giáp là một tình trạng mà trong đó tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormon. Dấu hiệu của cường giáp khá điển hình, đó là cơ thể giảm cân đột ngột, nhịp tim nhanh hoặc không đều, ra mồ hôi và căng thẳng hoặc khó chịu. Tuy nhiên, vì diễn biến của các triệu chứng này tăng dần nên nhiều trường hợp khó nhận biết, dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó nguy hiểm nhất là biến chứng về tim mạch.

Làm thế nào để nhận biết được các triệu chứng của cường giáp?

Bệnh thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, rất ít khi gặp ở trẻ em dưới 10 tuổi. Triệu chứng bao gồm: Bướu giáp khi đó thường lớn lan tỏa cả hai thùy, có khi lớn ở 1 thùy nhiều hơn thùy kia, có thể có một hoặc nhiều nhân. Rối loạn điều hòa nhiệt: người bệnh sợ nóng, da nóng ẩm và sốt nhẹ, bàn tay ẩm ướt và khát nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều. Khi mắc bệnh, người bệnh gầy sút nhanh, mặc dù vẫn ăn bình thường có khi ăn nhiều hơn, nhưng có khi tăng cân nghịch thường ở một số người trẻ. Bệnh nhân (BN) có thể teo cơ, yếu cơ, ngồi xổm tự đứng dậy không được. Có thể có giả liệt chu kỳ hai chân.

Ngoài ra, có thể có tiêu chảy nhiều lần trong ngày, không đau quặn bụng. Bồn chồn lo lắng, tính khí thất thường, dễ cáu gắt. Rối loạn tâm thần có thể xảy ra nhưng hiếm. Run ở đầu ngón tay, rối loạn vận mạch: đỏ mặt từng lúc, toát mồ hôi. Tim đập nhanh, thường trên 100 lần/phút. Hồi hộp đánh trống ngực. Rối loạn nhịp tim. Suy tim.

benh-cuong-giap-va-cac-bien-chung-tim-mach-1Người bị cường giáp có thể béo phì, lồi mắt và nhiều biến chứng về tim mạch.

Biểu hiện ở mắt, thường ở 2 mắt và chói mắt, chảy nước mắt, nóng rát mắt, cảm giác cộm mắt như có bụi bay vào mắt. Ánh mắt long lanh, sắc. Lồi mắt, phù quanh mắt, phù kết mạc. Liệt cơ vận nhãn gây song thị, mắt nhìn lên và liếc ngang không được.

Biến chứng tim mạch

Tăng huyết áp: Các BN cường giáp thường có tăng huyết áp, chủ yếu là huyết áp tối đa còn huyết áp tối thiểu vẫn bình thường, khoảng cách huyết áp tăng lên. Tuy mức tăng huyết áp không nhiều và hiếm khi cần phải điều trị nhưng nếu kéo dài thì nó cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tim, góp phần gây suy tim.

Hội chứng suy tim: Tăng hormon giáp làm tim co bóp mạnh và nhanh, hoạt động này cần các tế bào cơ tim khỏe mạnh và được nuôi dưỡng cung cấp đủ ôxy. Nếu tình trạng này kéo dài hoặc khi dự trữ cơ tim không đảm bảo cho tim đáp ứng được nhu cầu tăng cung lượng tim xảy ra trong cường giáp thì sẽ dẫn đến suy tim, lúc đầu là suy tim trái nhưng về sau thường là suy tim toàn bộ. Suy tim do cường giáp có đặc điểm khác biệt với phần lớn các trường hợp suy tim khác là lượng máu do tim bơm ra lại cao hơn bình thường (gọi là suy tim tăng cung lượng), tuy nhiên sự khác biệt này chỉ ở giai đoạn đầu, còn nếu kéo dài thì cuối cùng cung lượng tim cũng giảm và biểu hiện lâm sàng của suy tim giai đoạn muộn trong cường giáp không khác với suy tim do các nguyên nhân khác đó là khó thở, phù, gan to, đái ít, tím môi…

Hội chứng suy vành: Tim đập nhanh và mạnh kéo dài sẽ làm các tế bào cơ tim phì đại nhất là thất trái, khi đó nhu cầu ôxy của cơ tim sẽ tăng lên. Tuy nhiên, do máu đi vào mạch vành trong thời kỳ tâm trương nên khi nhịp tim nhanh do cường giáp sẽ làm rút ngắn thời gian tâm trương, máu vào mạc  vành bị giảm, hậu quả là BN bị thiếu máu cơ tim. Tuy nhiên, các cơn đau ngực ở BN cường giáp rất hiếm khi chuyển thành nhồi máu cơ tim và khi điều trị khỏi cường giáp thì cũng hết các cơn đau ngực.

Các rối loạn  nhịp tim: Nhịp tim nhanh được coi là dấu hiệu trung thành nhất của bệnh cường giáp nhưng trong phần lớn các trường hợp nhịp tim vẫn đều (gọi là nhịp nhanh xoang). Có khoảng 10-15% BN cường giáp có biến chứng loạn nhịp, thường gặp nhất là rung nhĩ. Khi đó các BN thường có biểu hiện hồi hộp, đánh trống ngực nhiều, một số bị đau ngực, thậm chí có BN bị ngất. Khi bị loạn nhịp, tim bóp lúc mạnh lúc yếu, hậu quả là máu trong buồng tim không được tống hết ra ngoài sẽ dần tạo thành cục máu đông, gây tai biến mạch não.

Các biến chứng tim mạch do cường giáp có quan hệ mật thiết với nhau và thúc đẩy làm nặng thêm triệu chứng của bệnh.

Cường giáp có điều trị được không?

Điều trị cường giáp thường khả quan, tuy nhiên vẫn có những trường hợp tái phát. Việc chọn phương pháp điều trị tùy trường hợp cụ thể, phụ thuộc vào: tuổi, tình trạng bệnh, điều kiện kinh tế,… Có 3 phương pháp điều trị: nội khoa, ngoại khoa và xạ trị. Tùy từng BN mức độ của bệnh mà các bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

Về điều trị các biến chứng tim mạch ở BN cường giáp, phương pháp điều trị cần được áp dụng đầu tiên, hiệu quả cao nhất chính là điều trị khỏi cường giáp. Tuy nhiên mức độ làm giảm các biến chứng nhiều hay ít tùy thuộc vào thời gian BN bị cường giáp và các biến chứng tim mạch này nặng hay nhẹ. Các BN được điều trị cường giáp bằng thuốc cần nhớ là sau khi đã đạt bình giáp họ vẫn cần điều trị duy trì trong thời gian dài, có thể tới 18 tháng, mới khỏi được bệnh.

Ngoài điều trị cường giáp thì tùy theo loại biến chứng mà có phương pháp điều trị hỗ trợ khác nhau. Điều lưu ý quan trọng là các biến chứng tim mạch của bệnh cường giáp thường đáp ứng tốt với điều trị, tuy nhiên nếu để cường giáp kéo dài hoặc cường giáp tái phát thì biến chứng sẽ nặng lên nhiều, ít hoặc không đáp ứng với điều trị, khi đó nguy cơ bị suy tim nặng hoặc tử vong sẽ tăng cao. Trong thực tế có khá nhiều người sau một thời gian điều trị thấy người khỏe, các triệu chứng tim mạch đỡ nhiều hoặc khi được kết luận là đã đạt bình giáp thì bắt đầu điều trị không đều hoặc bỏ hẳn điều trị, cho đến khi bệnh tái phát hoặc nặng lên mới điều trị lại thì đã muộn. Vì thế, các BN cần được điều trị và theo dõi thường xuyên bởi các bác sĩ nội tiết và có thể cả bác sĩ tim mạch để đảm bảo được điều trị triệt để.

 

ThS. Nguyễn Quang

(Suckhoedoisong)

DMCA.com Protection Status