Chẩn đoán và điều trị viêm gan B theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế
Lượt xem: 1.614 Ngày đăng: 19/07/2019
Nếu người lớn mắc viêm gan B cấp thì khả năng tự hồi phục và đào thải virut là 95%. Vì vậy, người mắc viêm gan B cấp phần lớn không cần dùng thuốc kháng virut (trừ một số trường hợp đặc biệt có suy gan nặng). Người mắc viêm gan B cấp có men gan cao cần nghỉ ngơi, dùng các thuốc hỗ trợ gan theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhập viện nếu cần.
Trường hợp mắc viêm gan B mạn, việc điều trị sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ tiến triển đến xơ gan và ung thư gan trong tương lai, tăng tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống. Biện pháp chính để điều trị viêm gan B mạn là uống thuốc kháng virut. Đây là loại thuốc có tác dụng làm giảm sự nhân lên của virut viêm gan B, vì vậy sẽ bảo vệ tế bào gan khỏi bị hư hại nhiều hơn. Việc uống thuốc kháng virut sẽ kéo dài rất lâu, rất nhiều năm, thậm chí cả đời với những người đã bị xơ gan. Người bệnh không nên tự ý ngừng uống thuốc kháng virut khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Việc tự ý ngừng thuốc kháng virut có thể gây viêm gan B bùng phát, suy gan và có thể tử vong. Uống thuốc kháng virut viêm gan B không đều, thường xuyên quên thuốc sẽ giúp cho virut quen với thuốc và dẫn đến kháng thuốc (nhờn thuốc). Gan của người bệnh vì vậy vẫn bị tổn thương và vẫn có nguy cơ tiến triển thành xơ gan, ung thư gan.
Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho virut không hoạt động như: Peg-Interferon, Interferon, thymosin alpha… Tuy nhiên, các thuốc này khá nhiều tác dụng phụ và hiện tại không sẵn có tại Việt Nam.
Cập nhật hướng điều trị mới từ Bộ Y tế
Hiện tại, Bộ Y tế đang dự thảo hướng dẫn điều trị viêm gan virut B năm 2019 cho các nhân viên y tế. Hướng dẫn này sẽ có vài điểm mới thay đổi và cập nhật hơn so với hướng dẫn năm 2014 về chỉ định điều trị, các thuốc điều trị và thời gian điều trị. Do tỷ lệ kháng của một số thuốc kháng virut như lamivudine, adefovirs cao nên hướng dẫn mới năm 2019 sẽ loại bỏ 2 thuốc này trong chỉ định điều trị đầu tay viêm gan virut B mạn. Thay vào đó, hướng dẫn mới sẽ có thêm một loại thuốc kháng virut mới là tenofovir alafenamide 25mg ít độc tính với thận và xương trong danh mục thuốc điều trị viêm gan B mạn. Hướng dẫn mới cũng có những đề cập chi tiết cụ thể hơn về vấn đề dự phòng lây truyền virut viêm gan B từ mẹ sang con, giúp cho các nhân viên y tế dễ dàng áp dụng trong quá trình khám và điều trị người bệnh.
Lời khuyên của bác sĩ
Do vấn nạn lạm dụng rượu bia, ăn các thực phẩm độc hại, tỷ lệ mắc bệnh lý gan mật ở Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là viêm gan B, mọi người dân cần đi kiểm tra tình trạng nhiễm virut viêm gan B bằng xét nghiệm HBsAg, đặc biệt là nữ giới trong lứa tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai.
Bệnh nhân mắc viêm gan B mạn, không bị tăng men gan và không bị xơ gan cần tập thể dục và thể thao hàng ngày, hạn chế tối đa rượu bia và đồ uống có cồn vì rượu bia có thể làm tăng nguy cơ xơ gan và ung thư gan. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, dinh dưỡng hợp lý, giảm mọi căng thẳng (stress), mọi áp lực liên quan đến công việc, cuộc sống, duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi nhiều theo nhu cầu của cơ thể.
Bệnh nhân đang bị tăng men gan cần nghỉ ngơi tuyệt đối, tạm nghỉ tập thể thao và tránh xa các căng thẳng, áp lực trong thời gian tăng men gan, uống thuốc và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.
BSCKII. Nguyễn Nguyên Huyền (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương)