Chích vắc xin trễ, trẻ có gặp nguy hiểm nào không?
Logo

Chích vắc xin trễ, trẻ có gặp nguy hiểm không?

Lượt xem: 1.756 Ngày đăng: 16/09/2018

Rate this post

Tình trạng hết vắc xin 5 trong 1 khiến trẻ đến hẹn theo chỉ định nhưng không được chủng ngừa. Trẻ có gặp nguy hiểm nếu không được chích ngừa đúng thời hạn đang là nỗi lo chung của các bậc phụ huynh.

Trên trang cá nhân, chị Thu Hương, ngụ tại TPHCM bày tỏ lo lắng: “Đưa con đi chích ngừa mũi 2 của vắc xin 5 trong 1 thì bác sĩ bảo Quinvaxem hết hàng. Họ kêu mình điền thông tin vào danh sách chờ khi nào có sẽ thông báo. Sợ quá các mẹ ơi, biết chừng nào mới có vắc xin lại để bé nhà mình được chích đây. Từ giờ đến khi có vắc xin liệu con mình có mắc bệnh không trời?”

Phụ huynh đưa trẻ đến chích ngừa tại Viện Pasteur TPHCM

Cùng tâm trạng trên, chị Minh Thúy chia sẻ: “Thấy bảo chỗ nào cũng hết Quinvaxem rồi, người thân mình mách đưa bé đi chích ngừa dịch vụ nhưng mình sợ đã chích Quinvaxem nay chuyển sang dịch vụ nhỡ có chuyện gì thì hối không kịp. Nhưng không đưa con đi chích thì chờ lúc nào mới có vắc xin trở lại?” Đó là tâm trạng lo lắng chung của hầu hết các bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi chủng ngừa vắc xin 5 trong 1.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, tập đoàn vắc xin Jassen tại Hàn Quốc (nhà sản xuất vắc xin Quinvaxem, Berna Biotech) đã có thư thông báo ngừng sản xuất vắc xin Quinvaxem từ năm 2016 và ngừng cung ứng vắc xin Quinvaxem trên toàn cầu từ năm 2018.

Bộ Y tế Việt Nam đã có kế hoạch chuyển đổi sử dụng vắc xin Quinvaxem sang một loại vắc xin 5 trong 1 (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Viêm gan B -Hib) khác tương tự về thành phần và hiệu quả phòng bệnh để thay thế vắc xin Quinvaxem. Dự án Tiêm chủng mở rộng Quốc gia hiện đang chờ vắc xin ComBE Five được cấp phép xuất xưởng nên chưa thể tiếp tục cấp phát vắc xin cho các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Tại TPHCM dù nỗ lực điều phối nhưng số vắc xin Quinvaxem trên địa bàn chỉ đủ sử dụng đến hết tháng 8/2018. Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố cho biết, từ đầu tháng 9/2018 hầu hết các Trạm y tế, Bệnh viện, Trung tâm có Tiêm chủng mở rộng đều không còn vắc xin Quinvaxem để sử dụng.

Để kịp thời đáp ứng với tình hình trên, Sở Y tế khuyến cáo các phụ huynh có trẻ trong độ tuổi từ 2 đến 4 tháng tuổi cần: Tiếp tục đưa trẻ ra Trạm Y tế trên địa bàn cư trú để trẻ được uống vắc xin ngừa bệnh bại liệt; tuân thủ theo lịch hẹn tiêm chủng lần sau của Trạm Y tế; khi cho trẻ đi tiêm chủng cần cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên hệ (địa chỉ hiện ở, số điện thoại) để Trạm Y tế thông báo lịch tiêm bù vắc xin ngay khi nhận được vắc xin 5 trong 1 trở lại.

Phụ huynh cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho những trẻ chưa chích đủ vắc xin
Phụ huynh cần chủ động bảo vệ sức khỏe cho những trẻ chưa chích đủ vắc xin

Sau khi 3 lô vắc xin ComBE Five đầu tiên được nhập về nhưng kiểm định chưa đạt kết quả như mong muốn, ngày 10/9 kết quả kiểm định lô vắc xin mới nhất đã đạt yêu cầu. Trao đổi với phóng viên GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – Trưởng Ban dự án Tiêm chủng Vắc xin mở rộng cho biết: “Dự kiến khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 vắc xin ComBe Five sẽ được đưa vào sử dụng”.

Trước tình trạng nhiều phụ huynh lo lắng cho sự an toàn của trẻ vì trễ thời hạn chủng ngừa theo chỉ định, trao đổi với phóng viên BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay: “Ở Việt Nam trẻ được chích ngừa 5 trong 1 vào thời điểm 2 – 3 và 4 tháng tuổi còn ở nước ngoài trẻ được chích lúc 2 – 4 và 6 tháng tuổi. Chích đủ cho trẻ trong vòng 6 tháng đầu là khả thi nhất trong việc phòng bệnh”.

BS Hữu Khanh khuyến cáo: “Với lịch chích ngừa đang được Việt Nam áp dụng, nếu tỷ lệ chích ngừa trong cộng đồng đã được bảo vệ tốt thì trẻ chích trễ 1 đến 2 tháng cũng không có gì đáng lo. Thực tế có những trẻ quên chích, cả năm sau mới chích nhắc lại vẫn đáp ứng miễn dịch. Phụ huynh nên bình tĩnh chờ thông tin từ Bộ Y tế về thời gian vắc xin được cung ứng trở lại. Những trẻ chưa được chủng ngừa hoặc trẻ đã chích 5 trong 1 nhưng chưa đủ số lần chích nếu gia đình lo lắng và có điều kiện thì nên đưa trẻ đi chích dịch vụ”.

Tuy nhiên, BS Hữu Khanh cũng cảnh báo: “Những trẻ không được chích vắc xin trong thời gian lý tưởng (6 tháng đầu) thì nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn. Do đó, khi chờ vắc xin thay thế Quinvaxem được cung ứng, phụ huynh cần quan tâm thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: dùng xà bông rửa tay dưới vòi nước sạch trước khi chăm sóc trẻ; không để trẻ tiếp xúc với người đang bị bệnh truyền nhiễm hoặc có các triệu chứng bệnh hô hấp, sốt chưa rõ nguyên nhân; không đưa trẻ đến những nơi tập trung đông người”.

Theo Dân trí

DMCA.com Protection Status