Công tác ra đề thi - Nhiều điều chưa biết về cách ra đề thi
Logo

Công tác ra đề thi – Nhiều điều chưa biết.

Lượt xem: 2.122 Ngày đăng: 17/12/2019

Rate this post

(GDVN) – Người ra đề phải có năng lực, năng khiếu, có lòng đam mê với bộ môn, phải có kiến thức sâu và rộng… Nếu làm qua loa, không chịu đào sâu suy nghĩ thì không nên.

Đọc một số bài phản ánh ở một số nơi về việc ra đề Ngữ văn trong các kỳ thi trùng nhau hoặc lấy đề từ trên mạng về (chắc để khỏi mất công suy nghĩ) nên gây ra nhiều bức xúc trong đội ngũ giáo viên.

Là một người từng được giao nhiệm vụ ra đề thi của tỉnh trong suốt 12 năm làm chuyên viên (1992- 2004), tôi thấy việc ra đề thi các môn (trong đó có môn Ngữ văn) không hề đơn giản như nhiều người thường quan niệm.

Đề thi tự luận (Ảnh minh họa trên website Cao đẳng Y tế thành phố Hồ Chí Minh).

Đối với đề thi tốt nghiệp trung học cơ sở (hồi đó còn thi), trước đó một tháng, tôi xin phép lãnh đạo cho đi khảo sát một số trường vùng sâu, vùng xa và một số trường thuộc thành phố, thị xã bằng cách dự giờ, tham khảo, trò chuyện tình hình học tập bộ môn với giáo viên…

Có khi còn xin giáo viên cho xem bài ghi của các em sau mỗi tiết học để nắm được khả năng tiếp nhận kiến thức của các em như thế nào.

Có như vậy mình mới nắm được tình hình dạy và học bộ môn cũng như khả năng, trình độ học tập của các em ở các địa bàn khác nhau. Từ đó, mới định hướng được dung lượng kiến thức để đưa vào đề thi sắp tới.

Tiếp đó, với sự chuẩn bị trước sẽ là phần ra đề chính thức, đề dự bị (dự phòng “trục trặc kỹ thuật” để sử dụng) với quá trình “lao tâm khổ tứ” đòi hỏi tính vừa sức, tính chính xác, tính khoa học và tính sư phạm.

Có khi phải sửa đi sửa lại mấy lần câu chữ, cách dùng từ vì nếu diễn đạt khó hiểu hoặc từ ngữ gây cho học sinh hiểu khác, hiểu lệch cũng không được.

Khổ nỗi việc ra đề chỉ có một mình phụ trách, không thể tham khảo với ai về câu chữ, dùng từ, về dung lượng kiến thức được. Do đó, trách nhiệm của người ra đề rất lớn và luôn phải chịu nhiều áp lực.

Nhớ thời gian đầu, mỗi lần trực thi của bộ môn là một lần hồi hộp. Khi các trường đã phát đề xong khoảng mười lăm, hai mươi phút; nếu không có tiếng chuông reo là thấy nhẹ người vì đề an toàn, không sai sót.


Thầy cô ra đề Văn thế này, học sinh sẽ viết thế nào?

Nhưng nếu trong khoảng thời gian đó, chuông đổ về dồn dập là “Thôi rồi, Lượm ơi” vì đề thi có vấn đề.

Có lần ra đề kiểm tra Ngữ văn học kỳ 1 của lớp 12, vì chủ quan, tôi ra đề về một tác phẩm… chưa học tới (ở trường phát hiện và báo lên như vậy).

Một bài học kinh nghiệm thực sự và bản thân không cho phép mình sai sót lần sau (chứ không phải “dây kinh nghiệm” dài nên “rút” hoài mà không hết).

Đối với đề thi học sinh giỏi Ngữ văn (lớp 9 và lớp 12), tôi thường suy nghĩ, tìm tài liệu trước đó cả năm trời. Đọc tài liệu, xử lý lượng kiến thức không nhỏ để cô đọng thành một đề cho học sinh giỏi là điều hết sức khó khăn.

Điều này đòi hỏi người ra đề phải có năng lực, năng khiếu, có lòng đam mê với bộ môn, phải có kiến thức sâu và rộng… Nếu làm qua loa, không chịu đào sâu suy nghĩ; cứ nhăm nhăm “cóp” trên mạng về làm của mình thì không nên.

Càng không nên làm cái bóng của người khác, rập khuôn, cứng nhắc của người khác mà mình phải tự khẳng định mình qua việc ra đề. Tài liệu, sách hay thiếu gì không chịu đọc, tham khảo mà cứ phải “cóp nhặt” của người khác?

Ra đề thi đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao bởi đó là niềm tin mà lãnh đạo, giáo viên và học sinh, phụ huynh đặt vào mình!

Thạc sĩ LÊ ĐỨC ĐỒNG
DMCA.com Protection Status